Giảm rác thải nhựa: Tái chế thôi không đủ

Năm 2021, Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã xác nhận rằng những thiệt hại do nhựa gây ra đối với xã hội, môi trường và kinh tế cao 'gấp mười lần' so với chi phí sản xuất ra nhựa.

Sử dụng tràn lan sản phẩm nhựa đang gây ra ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn cầu. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cảnh báo về hệ quả của việc sử dụng tràn lan sản phẩm nhựa và sự bế tắc trong việc tái chế nhựa, nhật báo Le Monde nhận định dường như không có gì có thể làm chậm sự tăng trưởng của thị trường vật liệu nhựa, dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2060. Thêm vào đó, việc tái chế cũng đang gặp khó khăn và không có sản phẩm thay thế nào đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Tình trạng này đang làm dấy lên lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài trong tương lai.

Năm 2022, doanh thu thị trường nhựa của Pháp ước tính dao động từ 416 tỷ đến 551 tỷ euro (445,74 - 590,40 tỷ USD), tùy theo nguồn thông tin khác nhau, trong đó có 43 tỷ euro liên quan đến hoạt động tái chế. Tại Pháp, Cơ quan Chuyển đổi Sinh thái (ADEME) đánh giá thị trường thu gom nhựa để tái chế có giá trị khoảng 200 triệu euro và thị trường nhựa phái sinh có giá trị khoảng 500 triệu euro. Đây là một cơ hội kinh doanh lớn đối với một số người, nhưng lại là một thảm họa đối với người khác.

Gọi là thảm họa, bởi vì năm 2021, Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã xác nhận rằng những thiệt hại do nhựa gây ra đối với xã hội, môi trường và kinh tế cao "gấp mười lần" so với chi phí sản xuất ra nhựa. WWF dự đoán: "Nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hạn chế sản xuất, cái giá phải trả cho ô nhiễm nhựa sẽ sớm lên tới 7.100 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 6.520 tỷ euro, lớn hơn cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức, Australia và Canada cộng lại".

Hành tinh của chúng ta đã bị "nhựa hóa" trên cạn, dưới biển và thậm chí trong các sinh vật sống. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Science Advances, từ năm 1950 con người đã sản xuất 8,3 tỷ tấn nhựa. Hơn ba phần tư trong số đó cuối cùng được đưa vào các bãi chôn lấp, dù được phép hay không được cấp phép. Ngày nay, các bãi biển đang tràn ngập các hạt nhựa chứa đầy chất độc hại, có kích thước siêu nhỏ, thường được sử dụng làm nguyên liệu chế tạo hầu hết các sản phẩm nhựa. Cùng với đó, những hạt vi nhựa - các hạt có kích thước thậm chí chỉ vài micromet - được thực vật và sinh vật phù du hấp thụ, sau đó được động vật trên cạn và cá ăn. Toàn bộ chuỗi thức ăn bị ô nhiễm. Con người ăn nhựa, hít nhựa vào người và thậm chí tiếp xúc với nhựa qua da, đặc biệt là nhựa trong quần áo polymer hoặc nhựa thoát ra từ lốp xe ô tô do ma sát của chúng trên đường.

Tái chế là một mục tiêu "ảo tưởng"

Để chống lại vấn đề ô nhiễm nhựa, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra mục tiêu sẽ thông qua một hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa trước cuối năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, một loạt phiên đàm phán sẽ diễn ra vào mùa xuân tới tại Paris (Pháp). Mục tiêu của hiệp ước là duy trì sản xuất nhựa ở mức "bền vững", thúc đẩy nền kinh tế tái sử dụng nhựa "bảo vệ môi trường và sức khỏe con người", đảm bảo việc thu gom, quản lý và tái chế "hiệu quả" các loại rác thải nhựa.

Tuy nhiên, chỉ nỗ lực cải thiện các hoạt động tái chế là không đủ để giải quyết vấn đề. Năm 2019, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ có 15% rác thải nhựa được thu gom trên toàn cầu và 9% được tái chế. Tại Pháp, trong tổng số 6,45 triệu tấn nhựa tiêu thụ vào năm 2020, hơn một nửa (3,76 triệu tấn) đã trở thành rác thải. Trong số rác thải này, chỉ có 18,3% được tái chế trong toàn nước Pháp. Thậm chí, với "hơn 36% thất thoát" trong quá trình tái chế, chỉ có 440,000 tấn nguyên liệu tái sử dụng được sản xuất ra. Điều này đồng nghĩa với việc chưa đến 7% khối lượng ban đầu được tái chế để đưa trở lại thị trường.

Bà Nathalie Gontard, Giám đốc Viện Nghiên cứu về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Pháp, cho rằng : "Việc tái chế chỉ là ảo tưởng". Theo bà, công chúng cần thực sự cảm nhận và thấu hiểu thông điệp cần phải giảm đến mức tối thiểu sự tiêu thụ nhựa, thay vì nỗ lực sử dụng nhựa tái chế.

Nói thì dễ, nhưng làm mới khó, vì hiện chưa có vật liệu nào có thể thay thế nhựa. Luc Averous, giáo sư tại Viện Hóa học, Polymer và Vật liệu châu Âu ở Strasbourg, nhấn mạnh : "Mặc dù luôn bị chỉ trích, nhưng trong nhiều trường hợp, nhựa là vật liệu không thể thay thế được. Trong ngành xây dựng, nó giúp giảm hóa đơn năng lượng khi được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt và đối với các sản phẩm như cửa sổ và cửa ra vào, nó có giá thấp chỉ bằng một nửa so với nhôm". So với kim loại, sản xuất nhựa diễn ra ở nhiệt độ thấp hơn nhiều, khoảng 200°C, do đó gây ra ít khí CO2 hơn.

Vị chuyên gia này bổ sung thêm: ‘‘Trong lĩnh vực đóng gói, giấy chỉ có thể thay thế nhựa nếu chúng ta thêm vào nó các polymer để ngăn nước thấm từ bên ngoài và bên trong. Trong lĩnh vực y tế, nhựa rất cần thiết để sản xuất các vật tư y tế sử dụng một lần. Thậm chí hiện nay, chỉ khâu, mô cấy ghép, keo phẫu thuật đều được sản xuất từ polymer’’, vị chuyên gia bổ sung thêm.

Ảnh hưởng từ các công ty sản xuất nhựa

Rác thải nhựa đe dọa đời sống các loài động, thực vật dưới đại dương. Ảnh minh họa: Unsplash

OECD gần đây đã gây xôn xao dư luận khi thông báo rằng "trong trường hợp thiếu các biện pháp mạnh, lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp ba vào năm 2060", vượt quá mức 1.200 triệu tấn mỗi năm. Trước tình hình này, Hiệp hội Utopia do sinh viên Trường Thương mại Pháp thành lập vào năm 2019 đã tăng hành động. Họ đã bắt đầu viết một "Bách khoa toàn thư về nhựa" thông qua các diễn đàn công dân. " Chúng ta chỉ có thể hiểu được sâu sắc nguyên nhân và hậu quả của vấn đề bằng cách theo dõi toàn bộ lịch sử liên quan, thông qua một phương pháp tiếp cận toàn diện", Baptiste de La Gournerie, một trong những người sáng lập của hội, giải thích. Ở tuổi 25, chàng thanh niên đến từ vùng Bretagne thấy lo ngại rằng trong chưa đến một thế kỷ nữa, nhựa đã "làm đảo lộn trật tự của các vật liệu". Anh Gournerie nhấn mạnh: “Hơn một nửa số nhựa đã được sản xuất từ năm 2000 với tốc độ chóng mặt”.

Để ngăn chặn mối đe dọa này, Gournerie cho rằng cần ‘‘cải tiến sản xuất, thay đổi thói quen tiêu dùng và quản lý tốt rác thải" để tạo ra một sự ‘‘thay đổi xã hội sâu rộng’’. Sáng lập viên hội Utopia cũng lên án các công ty trong ngành hóa dầu, những doanh nghiệp khi mà các nguồn năng lượng hóa thạch dự kiến sẽ cạn kiệt đã chuyển hướng sản xuất nhựa tiện lợi và khiến chúng tràn ngập hành tinh.

Đối với nhà bảo vệ môi trường Flore Berlingen, tác giả của cuốn sách "Recyclage: Le grand enfumage" (Tái chế: Sự lừa dối lớn), xuất bản năm 2020, tái chế "không phải là một ý tưởng tồi", song mọi người đã đầu tư những khoản tiền "điên rồ" vào lĩnh vực này, "đặc biệt khi nó thường liên quan đến các dự án nhằm mang lại cuộc sống thứ hai cho chai nhựa hoặc quần áo dùng một lần", hay ngành công nghiệp "thời trang tạm thời - fast fashion", sản xuất hàng loạt với số lượng lớn.

Bà Berlingen nhận xét: "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy số tiền, cả của tư nhân lẫn ngân sách công, mà chúng ta đã đầu tư vào đó. Thành phố Le Havre, vùng Normandy, đang tài trợ cho American Eastman để xây dựng một nhà máy trị giá 850 triệu euro". Nhà máy này có khả năng xử lý 160.000 tấn rác thải từ bao bì nhựa PET, bao gồm chai đựng đồ uống có ga, nước trái cây, siro loãng và nước khoáng. Đây sẽ là nhà máy tái chế hóa học lớn nhất trên thế giới cho các loại rác thải nhựa PET.

Công ty Plastic Energy có trụ sở tại Vương quốc Anh đã quyết định xây dựng một nhà máy tái chế với khả năng xử lý 30.000 tấn rác thải, nằm không xa so với nhà máy American Eastman. Còn công ty Loop Industries của Canada, hợp tác với Suez, cũng có một dự án trong khu vực và dự kiến khởi đầu vào năm 2025, giống như American Eastman. Hiện tại, trên 44 nhà máy tái chế hóa học đang được lên kế hoạch tại châu Âu, trong số đó có 13 đặt tại Pháp.

Hướng dẫn, hình phạt và ý thức công dân

"Tất cả đều xuất phát từ vấn đề tiền bạc", José-Marie Lopez-Cuesta, giáo sư tại Trung tâm Vật liệu Khai thác Alès, kết luận. Giáo sư cho rằng: "Để mọi người nhận thức được vấn đề, nhựa sẽ cần phải được coi trọng và có giá trị hơn hiện nay và "khi nó được coi là có giá trị, quan điểm và ý thức sẽ tự động thay đổi".

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải thiết lập các chương trình phổ biến rộng rãi cho các hướng dẫn hoặc quy tắc liên quan đến việc tái chế và quản lý rác thải, áp dụng các biện pháp xử phạt đối với người không tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn, thiết lập các quy định nghiêm ngặt về việc tái sử dụng các sản phẩm nhựa, giáo dục ý thức công dân trong các trường học và tạo áp lực lên tất cả các công ty sản xuất bao bì không thể tái chế để thúc đẩy họ thay đổi cách sản xuất và quản lý sản phẩm của mình...

Giáo sư Lopez-Cuesta nhấn mạnh: "Việc tái cơ cấu cũng cần áp dụng đối với các tổ chức môi trường [các công ty thu gom rác từ các nhà sản xuất]. Hiện nay, cơ cấu vốn hóa của các doanh nghiệp này thường làm cho những mục tiêu của họ bị điều chỉnh bởi ảnh hưởng của các cổ đông, thường là các công ty gây ô nhiễm môi trường”.

Liên quan đến tái chế, nhà nghiên cứu này phản đối mạnh mẽ quá trình giảm giá trị trong việc tái chế, quá trình này biến rác nhựa thành sản phẩm chất lượng thấp hơn. Theo ông, "chúng ta có khả năng công nghệ để sửa đổi và tái cấu trúc nhựa" để thu được các vật liệu có hiệu suất cao. "Chúng ta hiện không làm điều đó vì lý do chi phí và khó khăn trong việc kiểm soát quy trình thu gom và xác định các loại nhựa. Tuy nhiên, nếu tập trung nhiều hơn cho việc này, chúng ta có thể quản lý các nguồn cung cấp nhựa ở giai đoạn cuối vòng đời sản phẩm nhằm đạt được các mục tiêu cao hơn, không chỉ là biến chúng thành các chậu trồng hoa". Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như nhiều người nghĩ. Raphaël Guastavi, phó giám đốc Ban chỉ đạo kinh tế tuần hoàn tại ADEME, nhấn mạnh "Các nhà tái chế phải đối mặt với một trở ngại thực tế về vật lý - hóa học, đó là sự hiện diện của các phụ gia mà việc loại bỏ chúng khỏi nhựa thải là khá phức tạp".

Nhiều công ty đã thành công trong việc tái chế và chuyển đổi nhựa tái chế thành sản phẩm khác có giá trị. Chẳng hạn, EffetMer, ở Hérault, chuyên sản xuất kính râm từ nhựa thu hồi trên biển hoặc trên bờ biển. Tại Saône-et-Loire, công ty Paprec vừa thành lập một cơ sở tái chế chai đựng sữa làm từ polyethylene cao cấp, một loại nguyên liệu trước đây được chuyển đổi thành ống dẫn cho ngành xây dựng và nay có thể được sử dụng để sản xuất các chai sữa mới, với điều kiện phải đáp ứng các tiêu chuẩn bao bì thực phẩm.

Giảm sức tiêu thụ sản phẩm nhựa


Ở Pháp, chỉ có vỏ nhựa từ các chai nước, nước ngọt và một phần nhỏ chai sữa hiện tại có thể được tái sử dụng cho mục đích ban đầu. Trong thực tế, các loại đồ đựng này chỉ được tái chế ở mức 17%, phần còn lại được chuyển đổi thành vải, hộp đựng hoặc bọt polyurethane cách nhiệt cho các công trình xây dựng, như công ty Soprema đã làm ở Strasbourg. Trong lĩnh vực đóng gói, chiếm 39% nhựa tiêu thụ ở châu Âu, tỷ lệ tái chế chỉ đạt hơn 8%. Tình hình còn tồi tệ hơn trong ngành thiết bị điện tử (3,2%) và ô tô (2,9%).

Là tác giả của một báo cáo gây tiếng vang vào năm 2020 có tiêu đề "Ô nhiễm nhựa: Một quả bom đang chờ nổ?", ông Philippe Bolo, nghị sỹ Quốc hội Pháp và Thượng nghị sĩ Angèle Préville, mới đây đã công bố một nghiên cứu chi tiết hơn về việc tái chế nhựa. Đánh giá của hai quan chức tương tự quan điểm của các học giả có uy tín nhất trong lĩnh vực này: "Tái chế không thể cho phép ngành nhựa đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Nó phải được tích hợp vào một chiến lược rộng hơn nhằm giảm mức tiêu thụ nhựa của chúng ta".

Báo cáo nhấn mạnh, cho dù là tái chế cơ học hoặc là tái chế hóa học, thông qua các công nghệ đang được thử nghiệm và đang gây ra nhiều câu hỏi về tác động đến môi trường, tái chế chỉ giúp "trì hoãn quá trình tạo ra rác thải, chứ không giúp ngăn chặn việc hình thành rác thải"./.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giam-rac-thai-nhua-tai-che-thoi-khong-du/306034.html