Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn đăng đàn trả lời chất vấn
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Phan Tấn Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Ngọc Huấn đăng đàn trả lời chất vấn.
Chiều nay (12/12), Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng dự.
Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đánh giá kết quả chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình nghị sự buổi sáng của Sở Nội vụ và Sở LĐ-TB&XH.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong chương trình làm việc buổi chiều, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục trả lời chất vấn, ngoài ra, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế bổ sung trả lời các câu hỏi liên quan. Chương trình làm việc buổi chiều cũng diễn ra với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Sở TN&MT. Sau đó, các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn các sở, ngành khác về các nội dung trong quá trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cử tri phản ánh.
Đăng đàn trả lời chất vấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh tiếp tục giải trình, làm rõ những nội dung đại biểu đặt câu hỏi tại phiên làm việc buổi sáng.
Đại biểu Từ Thị Hòa - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hương Khê đặt câu hỏi liên quan đến chính sách người có công. Theo đó, hiện nay, toàn tỉnh đang có nhiều trường hợp người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương có sai lệch ngày tháng năm sinh so với căn cước công dân gây khó khăn cho thực hiện chế độ mai táng phí, sở tham mưu như thế nào với thực trạng này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hòa, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, với nội dung này, sở đã có kiến nghị các đơn vị liên quan như Công an tỉnh, Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ), UBND các địa phương và thống nhất đưa ra phương án xử lý. Cụ thể, giao UBND cấp xã thành lập tổ công tác kiểm ra, xác minh thông tin của đối tượng; nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh có sai lệch thông tin, chủ tịch UBND xã lập tờ trình đề nghị UBND cấp huyện cấp giấy xác nhận cho những trường hợp được cấp huân, huy chương nhưng có sai lệch thông tin so với căn cước công dân; trên cơ sở đó, sở sẽ ban hành văn bản giải quyết trợ cấp mai táng phí. Với phương án này, vướng mắc sẽ được giải quyết mà không phải đề xuất bộ, ngành trung ương xem xét, đính chính, sửa đổi hồ sơ gốc của đối tượng.
Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ về các giải pháp hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh cho hay: Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trong phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước ở trẻ em, như đầu tư xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, xây dựng 113 bể bơi và tổ chức hàng trăm lớp dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, những năm qua, số vụ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn lớn. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình; tình trạng thiếu sân chơi, thiếu bể bơi cho trẻ em trong khi nhu cầu lớn, nhất là vào dịp nghỉ hè; công tác tuyên truyền về hạn chế đuối nước trẻ em tại một số địa phương còn chưa cao, chưa bài bản.
Để hạn chế đuối nước ở trẻ em, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH tỉnh đề nghị cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền hạn chế đuối nước; tiếp tục tổ chức thêm nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em; tăng cường việc giáo dục, nhắc nhở các em, nhất là vùng nông thôn, không tới ao, hồ, sông, suối – những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; huy động nguồn lực để tiếp tục xây dựng các khu vui chơi giải trí, xây dựng bể bơi, tổ chức các lớp dạy bơi, dạy kỹ năng phòng tránh đuối nước ở trẻ em.
Người đứng đầu Sở LĐ-TB&XH cũng trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến chế độ chính sách cho người có công, cựu TNXP; lao động việc làm; bảo trợ xã hội; việc chi trả trợ cấp một lần theo quy định cho các gia đình được tặng bằng khen của Chính phủ do sai lệch thông tin…
Cùng với phần trả lời của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt cũng làm rõ thêm các nội dung liên quan đến những bất cập về học phí ở các trường nghề (chưa có hướng dẫn về học phí đối với các trường thực hiện cơ chế tự chủ 100%) và đề xuất giải pháp trong thời gian tới; Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức trả lời nội dung liên quan đến khám sức khỏe định kỳ cho người lao động...
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Ngọc Huấn đăng đàn trả lời chất vấn.
Đăng đàn trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn thông tin về kế hoạch ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tư lệnh ngành TN&MT cho hay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Giá năm 2023 thì Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh đến nay không còn phù hợp. Bên cạnh đó, đến nay, Bộ TN&MT vẫn chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để các địa phương làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ.
Mặc dù vậy, sở đã căn cứ quy định của pháp luật và tham khảo dự thảo định mức kinh tế - kỹ thuật của bộ đang xây dựng và khảo sát thực tế tại một số địa phương, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để chủ động xây dựng dự thảo quyết định ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Đến nay, dự thảo quy định đã được Sở TN&MT lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến góp ý các sở, ngành, địa phương, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh và đang tổng hợp ý kiến góp ý, kết quả khảo sát, đối chiếu quy định, tiếp thu hoàn thiện dự thảo, dự kiến trình Sở Tài chính thẩm định trước ngày 6/12/2024, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành trong năm 2024.
Tiếp tục làm rõ về công tác thăm dò, quy hoạch, đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho biết: Trên địa bàn tỉnh quy hoạch 191 khu vực mỏ làm VLXD thông thường; trong đó, đá xây dựng 39 khu vực, đất san lấp 94 khu vực, cát, cuội, sỏi 37 khu vực và đất làm gạch, ngói 21 khu vực.
Từ năm 2020 đến 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và tổ chức đấu giá thành công 25 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường. Đến nay, đã cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản, 6 mỏ đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về chủ trương đầu tư để được cấp phép khai thác và 1 mỏ không thực hiện được công tác thăm dò do không bồi thường, giải phóng mặt bằng được.
Dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, công tác thăm dò, quy hoạch, đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân là do điều kiện địa chất, khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều, việc lập quy hoạch để cân đối các loại khoáng sản phân bố điều hòa phù hợp giữa các huyện, khu vực cũng gặp rất nhiều khó khăn; có một số bất cập trong phân bố quy hoạch đối với một số khu vực mỏ đất san lấp trước đây chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác chưa đưa ra được tiêu chí về công suất của các mỏ khi đề nghị cấp phép để phục vụ công tác quản lý nhà nước đảm bảo nhu cầu vật liệu…
Về giải pháp thời gian tới, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho hay: Hiện nay, Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 29/11/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025, UBND tỉnh giao Sở TN&MT nghiên cứu, tham mưu xử lý các tồn tại theo đúng quy định; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường (trừ khoáng sản nhóm IV) trong quy hoạch tỉnh bảo đảm hài hòa, phù hợp và cân đối các nhóm, loại khoáng sản trên địa bàn các huyện và khu vực. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, bổ sung quy hoạch các bãi tập kết vật liệu để cho tổ chức, cá nhân thuê đất kinh doanh VLXD thông thường phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương, nhất là những nơi không có nguồn vật liệu tại chỗ; tổ chức đấu giá tài sản là các chất nạo vét từ các công trình, dự án đang tập kết tại các bãi chứa đủ điều kiện làm vật liệu thông thường để bổ sung thêm nguồn vật liệu cho thị trường xây dựng…
Thông tin về nguyên nhân và giải pháp xử lý tình trạng có nhiều mỏ khai thác khoáng sản đã dừng khai thác do hết thời hạn giấy phép khai thác nhưng chưa lập đề án đóng cửa mỏ, chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ theo đúng quy định, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho biết: Hầu hết các mỏ khoáng sản có giấy phép đã hết hiệu lực khai thác được cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản cũ. Thời điểm đó, các thủ tục về môi trường chưa đồng bộ, việc tính toán chi phí đóng cửa mỏ còn sơ sài, chưa lường hết được các yếu tố trượt giá; công tác thẩm định hồ sơ về môi trường do UBND cấp huyện phê duyệt, nên chi phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác rất thấp (đa số dưới 50 triệu đồng).
Do vậy, đến nay, số tiền ký quỹ này không đủ kinh phí để thực hiện công tác đóng cửa mỏ (kinh phí khảo, lập đề án, thi công đề án). Do đó, các chủ mỏ đã tìm cách chây ỳ không thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định. Có một số mỏ được cấp phép nhưng do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tiêu thụ sản phẩm; do chi phí đóng cửa mỏ thực tế lớn hơn nhiều so với số tiền đã ký quỹ ban đầu, nên các doanh nghiệp không chấp hành đóng cửa mỏ mà chịu mất số tiền mà mình đã ký quỹ.
Để xử lý vấn đề này, theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn, cần nâng cao công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định chi phí cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm sát đúng với thực tế, yêu cầu việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác bảo đảm bền vững theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các doanh nghiệp chậm nộp ký quỹ, không thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường; không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ theo quy định; tiếp tục làm việc yêu cầu, đôn đốc các đơn vị lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định; đồng thời rà soát các đơn vị đang hoạt động để kịp thời phát hiện xử phạt vi phạm.
Báo Hà Tĩnh điện tử tiếp tục cập nhật...