Giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ
Triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ sinh học, CNC vào sản xuất.
Trong đó, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN), CNC, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường…
KHÓ TRONG TRIỂN KHAI
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện tỉnh có 190.266 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, diện tích được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ là 722 ha. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã quy hoạch và từng bước hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng CNC vào sản xuất. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới liên tục được triển khai và truyền thông rộng rãi trong nhân dân.
Kết quả, trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình ứng dụng CNC mang lại hiệu quả như: Mô hình trồng rau, dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân; quản lý sâu bệnh bằng biện pháp sinh học... hình thành vùng lúa chất lượng cao ở các huyện phía Tây và phía Đông với tổng diện tích gần 51 ngàn ha.
Về chăn nuôi, một số cơ sở chăn nuôi đã đầu tư áp dụng công nghệ chuồng lạnh, sử dụng phần mềm để điều khiển hệ thống cho ăn tự động, gom trứng, gom phân tự động, hệ thống sấy phân...
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC, NNHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu là quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, khả năng nhân rộng mô hình còn hạn chế; người tiêu dùng chưa tin tưởng do khó phân biệt giữa nông sản hữu cơ với nông sản truyền thống; việc thay đổi tập quán sản xuất theo hướng CNC, NNHC đòi hỏi phải có thời gian...
PGS.TS. Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, một số rào cản trong triển khai NNHC hiện nay là cơ quan chức năng chưa ban hành đầy đủ danh mục vật tư đầu vào; vấn đề nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về NNHC, việc cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, đối với cây ăn trái, sản xuất thuần hữu cơ có thể làm giảm năng suất, sản lượng và chất lượng cũng có thể giảm nếu không có giải pháp bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho cây trồng; thói quen sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, thiếu quy trình canh tác chuẩn cũng là thách thức không nhỏ đối với NNHC...
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Mục tiêu kế hoạch do Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng KH-CN, CNC, NNHC trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 là tỷ lệ hộ sản xuất và doanh nghiệp ứng dụng KH-CN, CNC về giống, cơ giới hóa trong sản xuất, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch... đến năm 2025 và năm 2030 lần lượt là 5%, 10% và 15%, 30%.
"Để giúp cho việc triển khai kế hoạch ứng CNC, NNHC của tỉnh Tiền Giang mang lại hiệu quả, đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng CNC, NNHC. Thực hiện tốt công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CNC, NNHC; đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất - tiêu thụ, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại… nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm hữu cơ”.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG PHẠM VĂN TRỌNG
Theo PGS.TS. Dương Hoa Xô, việc triển khai và ứng dụng NNHC trên địa bàn tỉnh hầu như chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu. Để khai thác hiệu quả tiềm năng của tỉnh khi phát triển NNHC, tỉnh Tiền Giang cần quan tâm một số vấn đề sau: Đào tạo, tập huấn kiến thức về canh tác hữu cơ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt, nhất là đối với một số cây trồng chủ lực cần lựa chọn giải pháp tối ưu, chú ý đến hiệu quả.
Cần quy hoạch vùng trồng, xây dựng mô hình thí điểm; liên kết với viện, trường để chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chủ động xây dựng danh mục vật tư đầu vào và cấp giấy chứng nhận nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ…
PGS.TS. Nguyễn Văn Vàng (Trường Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh vấn đề ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: Internet vạn vật (IoT) nhằm kết nối sản xuất với thị trường, tích hợp các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất.
Ứng dụng công nghệ sinh học vào việc chọn, tạo ra giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra chế phẩm thân thiện với môi trường; áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc, điều phối các hoạt động từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ sản phẩm...
Việc ứng dụng công nghệ tuần hoàn, công nghệ biofloc, công nghệ aquaponics… vào nuôi trồng thủy sản, theo PGS.TS. Trương Quốc Phú (Trường Đại học Cần Thơ), rất có ý nghĩa vì giúp xử lý và tái sử dụng nguồn nước, tái sử dụng chất thải không hòa tan (làm phân bón).
Còn theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, mỗi năm ngành Nông nghiệp thải ra gần 160 triệu tấn phụ, phế phẩm các loại. Nếu chúng ta biết tái sử dụng nguồn nước, tận dụng năng lượng sinh khối, chất thải rắn để tạo ra nguồn năng lượng tái tạo, phân bón hữu cơ, vi sinh tái cung ứng cho sản xuất NNHC thì hiệu quả mang lại sẽ rất to lớn, góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín, từng bước hình thành nền nông nghiệp tuần hoàn; trong đó, có sự kết hợp giữa các biện pháp truyền thống với việc ứng dụng các tiến bộ của kỹ thuật, công nghệ gắn với tôn trọng nguyên tắc thuận thiên.