Giải pháp riêng cho GD-ĐT Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung
Vùng Bắc Trung bộ - duyên hải Trung bộ có đặc điểm khác với vùng khác, nên giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo phải có điểm riêng, độc đáo.
Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ đang ra sức thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Trong quá trình đó, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế đất nước. Đây là cơ hội để phát triển giáo dục và đào tạo theo quy mô các vùng, qua đó phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
Tại hội nghị vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ - hội nghị cuối cùng trong 6 vùng kinh tế của cả nước - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và bày tỏ cảm ơn đến lãnh đạo các địa phương đã nỗ lực tạo điều kiện, vừa chỉ đạo, vừa triển khai đồng hành với ngành giáo dục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, Sở GD&ĐT của các tỉnh đã phát huy vai trò trách nhiệm là tham mưu tại địa phương và là tác giả của chương trình đổi mới ở cấp cơ sở.
Tại hội nghị, đã có 9 ý kiến của các địa phương, trường đại học, bộ, ngành trung ương, thể hiện nhiều tán thành với báo cáo của Bộ, nhưng cũng có những băn khoăn, đề xuất. Bộ GD&ĐT đã ghi nhận và nghiên cứu để có giải pháp tháo gỡ.
Nhìn nhận thách thức
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có những đặc điểm khác với vùng khác, nên giải pháp cũng phải có những điểm riêng, độc đáo của vùng. Trước hết, đây là vùng trải dài theo vĩ độ nhất so với các vùng của cả nước, với sự đa dạng của các tiểu vùng. Vì vậy, bên cạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng cũng rất quan trọng. Ngoài tính toán phân bổ theo hệ thống vùng, thì cần phải tính toán để phân bổ quy mô tiểu vùng.
Thứ 2, đây là khu vực chắc chắn trong thời gian tới sẽ phát triển năng động, nhu cầu nhân lực lớn, với đường biển dài thì yếu tố biển phải được xem là từ khóa quan trọng. Chúng ta cần phải tận dụng hơn nữa lợi thế biển mà nhiều quốc gia khác đang khao khát. Khi kinh tế biển phát triển, thì nhân lực đáp ứng càng phải thành nội dung đặc biệt quan trọng.
Thứ 3 là sự đa dạng: có đa dạng trong nội bộ vùng, vừa có miền biển, miền núi, vừa có hải đảo, vùng sâu vùng xa, đồng bằng, các đô thị lớn... Với sự đa dạng đó, thì tổ chức giáo dục và đào tạo cũng phải tính đến yếu tố đa dạng tương ứng. Vừa tính đến mũi nhọn, đào tạo nhân tài, cũng phải tính đến đảm bảo công bằng giáo dục, giáo dục dân tộc, miền núi, vùng khó khăn hải đảo. Như vậy, có thể nói, đây là vùng tập hợp những điểm thuận lợi nhất nhưng cũng khó khăn nhất của cả nước.
Một điều quan trọng, đặc điểm nổi bật của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là có nhiều khu vực có truyền thống hiếu học. Bên cạnh giá trị phát huy yếu tố truyền thống, thì cũng cần phải tính đến một thực tế, là đó vùng nào tính hiếu học càng cao, thì sự căng thẳng học hành rất lớn, yếu tố đề cao thành tích càng gay gắt. Vì vậy, các tỉnh trong vùng cần lưu ý điều chỉnh cách thức để phát triển nhân tài theo yêu cầu mới của thời đại, tìm ra giải pháp phù hợp.
Nói thêm về thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, thách thức nhất là chất lượng giáo dục. Giáo dục đào tạo tại vùng đã có nề nếp, bề dày, đã có mạng lưới, không khó khăn như Tây nguyên, Tây bắc. Nếu không có giải pháp đột phá, sẽ mắc thành vấn đề bức xúc để nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó là thách thức về đảm bảo công bằng giáo dục, phát triển giáo dục dân tộc, nhất là khu vực có một số nhóm dân tộc rất ít người. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thực tế trong giáo dục chung của vùng đã làm khá tốt, nhưng hơn một nửa các tỉnh trong khu vực này chưa có trường hoặc trung tâm giáo dục đặc biệt, chưa có trường dành riêng cho đối tượng khuyết tật. Phải nhìn nhận ngay rằng, đảm bảo công bằng, hỗ trợ cho nhóm đặc biệt là thách thức đối với vùng. Bên cạnh đó còn có thách thức về phân bổ không đều giữa các nhóm ngoài công lập. Hiện đã có nhiều nhóm, đơn vị ngoài công lập nhưng nhiều nhất là mầm non, rất ít ở bậc Tiểu học, THCS.
Giải pháp mang tính căn cơ
Giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đào tạo vùng là các điều kiện đảm bảo chất lượng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mặc dù là vùng, nhưng các giải pháp căn cơ đều là giải pháp mang tính quốc gia: cơ sở vật chất đủ trường lớn tiến đến hiện đại hóa; vấn đề dùng ngân sách trong giáo dục; sử dụng, phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, ngành giáo dục cũng đang xác định khâu đột phá mọi vấn đề phát triển giáo dục và đào tạo là giáo viên.
Muốn các chỉ số được nâng lên toàn diện, bên cạnh giáo dục mũi nhọn phải đảm bảo chất lượng giáo dục ở vùng miền núi sâu, chia cắt và hải đảo. Phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú.
Hiện, toàn ngành cũng đang triển khai nhiều giải pháp như: rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thể chế; chuyển đổi số và thực hiện đề án 06, đẩy mạnh mô hình trường đại học thông minh, đại học số…
So với các vùng khác, tỷ lệ người học đại học của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đang thấp. Cần có giải pháp về chỗ học, khuyến khích học, giải quyết việc làm… Đây không chỉ là vấn đề dân trí mà đồng thời cũng là vấn đề nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý vấn đề quốc tế hóa trong toàn vùng phải đổi mới rất nhiều để tương xứng với lợi thế vùng biển. Hiện tại khu vực miền Trung - khúc giữa của đất nước chưa có trung tâm giáo dục đại học tương ứng. Có hai Đại học vùng là Đà Nẵng và Huế, nhưng chưa đủ mạnh và phát huy hiệu quả như 2 trung tâm ở phía Nam và phía Bắc. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung cho công việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới đại học, trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh định hướng phát triển ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế thành Đại học quốc gia thì nghiên cứu, cân nhắc phát triển các đại học theo vùng. Đồng thời “dồn điền đổi thửa” tính đến giải quyết những tồn tại trong hoạt động các trường đại học, cao đẳng tại địa phương.
Cùng với quy hoạch, sắp xếp trường đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến quy hoạch hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hợp lý. Đặc biệt dành quỹ đất cho giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường lớp.
Đây là vùng có chỉ số học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cao so với các vùng khác. Trong thời gian tới, cần xác định vai trò quan trọng của trường chuyên, nhưng phải đổi mới mô hình. Hướng đến là nơi phát hiện bồi dưỡng nhân tài, đây là câu chuyện cho tương lai không chỉ cho vùng, mà còn mang tính chiến lược mang tầm quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sự thành công của giáo dục là thành công chung cho đất nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các tỉnh, thành phố về nhiệm vụ trước mắt. Đó là chuẩn bị tốt cho tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của toàn ngành. Tiếp tục đẩy mạnh khâu chuẩn bị cho thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Đây là thời điểm đặc biệt khi chương trình đang triển khai đến lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và năm tới sẽ hoàn thành lộ trình, nên cần sự quan tâm đặc biệt. Trong dịp hè, chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, cần đảm bảo SGK cho học sinh cả chương trình mới lẫn hiện hành. Công tác phân phối, phát hành sách cần đúng quy định.
Thời điểm này, ngành cũng chuẩn bị đưa vào thí điểm chương trình mầm non mới. Bộ trưởng đề nghị các địa phương đã quan tâm đến giáo dục phổ thông thì tiếp tục quan tâm đến giáo dục mầm non.