Giải pháp phát triển logistics xanh

Là đầu tàu kinh tế của cả nước với hơn 400.000 doanh nghiệp, trong đó gần 20.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhu cầu logistics xanh từ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đang thúc đẩy các giải pháp phát triển logistics xanh, bền vững.

Trong kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 gắn với chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững, TP Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đẩy nhanh các giải pháp tăng trưởng xanh trong phát triển logistics. Đây được xem là chìa khóa nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hệ thống logistics xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, vấn đề và đòi hỏi thúc đẩy logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp: Từ nhà máy đến khu công nghiệp và cảng biển đang dần trở nên bức thiết đối với TP Hồ Chí Minh. Là nền kinh tế đầu tàu của cả nước và đầu mối xuất khẩu đường biển, đường hàng không lớn, việc phát triển logistics xanh, bền vững có ý nghĩa vô cùng lớn, tác động đến tăng trưởng chung của thành phố và cả nước.

 Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT). Ảnh minh họa: qdnd.vn

Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT). Ảnh minh họa: qdnd.vn

Trong các lĩnh vực, ngành của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững, hoạt động logistics luôn được chú trọng, ưu tiên do lĩnh vực này được đánh giá có phát thải rất lớn. Các thị trường châu Âu, châu Mỹ hiện đang đề cao và áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe đối với hoạt động logistics, xem đây là yếu tố bảo đảm hàng đầu của chuỗi cung ứng, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Ông Cao Minh Nghĩa, Phó trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, đề xuất các giải pháp, như: Năng lượng tự chủ và phương tiện vận tải hiệu quả; hiệu quả từ công nghệ và các giải pháp tích hợp; nhà đầu tư và nhà cung cấp giải pháp xanh. Thành phố cần đề xuất bộ, ngành Trung ương và phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải. Xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh, chỉ số năng lực phát triển logistics xanh... Thực hiện được các yếu tố đó sẽ tạo cơ sở, điều kiện cũng như môi trường thúc đẩy tăng trưởng xanh lĩnh vực logistics ở TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh đang là địa phương tiên phong trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững. Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong phát triển logistics, xem đây là lĩnh vực mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh được các chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng, giúp các doanh nghiệp sớm hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh trong hoạt động vận chuyển, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, từng bước khẳng định vai trò, vị thế kinh tế, thương hiệu “logistics xanh” ở khu vực và thế giới.

PHẠM GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-phat-trien-logistics-xanh-804388