Giải pháp giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ số?

Công nghệ số mở ra cơ hội để người khuyết tật tiếp cận giáo dục, việc làm, y tế, giao thông và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hành trình tiếp cận công nghệ của người khuyết tật vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Người khuyết tật tìm kiếm việc làm tại Hà Nội. Ảnh: L.H.

Người khuyết tật tìm kiếm việc làm tại Hà Nội. Ảnh: L.H.

Không dễ tiếp cận

Bị khuyết tật nghe, nói từ nhỏ nên H.T.H. (Đông Anh, Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp. Nhờ học qua một khóa học về công nghệ thông tin, H. đã tìm kiếm được công việc bán thời gian làm việc tại nhà với mức thu nhập 5.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên khi công nghệ số ngày càng bùng nổ, công việc H. làm đã được AI, công nghệ số thay thế. Không có việc làm, nhiều lần H. tìm đến các phiên giao dịch việc làm nhưng đều thất bại. Muốn có được việc làm, H. buộc phải học nâng cao về công nghệ số, về cách sử dụng AI, tuy nhiên đây lại là rào cản với H.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hải - quê Thanh Hóa (hiện đang sống tại Long Biên, Hà Nội) không may bị tai nạn, vì thế anh buộc phải từ bỏ nghề chạy xe ôm. Không có việc làm anh Hải quyết định học thêm các kỹ năng như chỉnh sửa video và thiết kế trên Canva. Sau 6 tháng, anh Hải đã có thể sử dụng máy tính thành thạo, đặc biệt thiên về các công việc chỉnh sửa và thiết kế. Dẫu vậy, một trở ngại lớn là anh Hải chưa có máy tính riêng nên không thể làm việc tại nhà như một số công việc tuyển dụng yêu cầu.

Đề cập về những khó khăn của người khuyết tật trong việc tiếp cận công nghệ số, bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho hay, công nghệ số đã mang lại nhiều lợi ích to lớn, mở ra cơ hội để người khuyết tật nâng cao kỹ năng và hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ số của người khuyết tật vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

“Trong số hơn 72.000 hội viên, chỉ khoảng 20.000 người thường xuyên sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh. Con số này cho thấy tỷ lệ tiếp cận công nghệ số của người khiếm thị còn rất thấp. Ngoài ra, các nền tảng số hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tiếp cận cho người khuyết tật, chẳng hạn như thiếu phụ đề, ký hiệu hoặc thiết kế không tương thích với phần mềm hỗ trợ…” - bà Đinh Việt Anh cho biết.

Đồng quan điểm, bà Trịnh Thị Thu Thủy - Trưởng Ban Giáo dục, đào tạo và Chính sách pháp luật (Hội Người khuyết tật Hà Nội) cho biết, tỷ lệ người khuyết tật sử dụng công nghệ thông tin và Internet đã tăng đáng kể, phản ánh nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và cải thiện khả năng tiếp cận internet cho mọi tầng lớp dân cư.

Theo bà Thủy, khoảng cách số giữa người khuyết tật và người không khuyết tật vẫn còn rất lớn. Bên cạnh lý do về cơ sở hạ tầng, vật chất, hiện nay thiếu trầm trọng phần mềm chuyên biệt và các dịch vụ công trực tuyến phức tạp với người khuyết tật. Ngoài ra, nguy cơ lừa đảo trực tuyến cũng là mối lo lớn với nhiều câu chuyện đau lòng về việc người khuyết tật bị lừa đảo hoặc gặp khó khăn khi sử dụng các dịch vụ số do thiếu hướng dẫn đơn giản.

Cần sự đồng hành từ xã hội

Theo các chuyên gia, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn với việc tiếp cận Internet vì lý do kinh tế và hạ tầng. Do đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người khuyết tật vẫn là một trong những hỗ trợ cần thiết.

Ngoài ra, với các khu vực chưa đáp ứng hạ tầng kết nối Internet, cần chú trọng hơn đến các phương thức phổ biến thông tin truyền thống như loa phát thanh, chữ nổi..., đảm bảo người khuyết tật ở những khu vực này có thể tiếp cận đầy đủ thông tin. Đặc biệt, trong thực hiện chuyển đổi số, cần tham vấn ý kiến người khuyết tật để tích hợp những tính năng dễ tiếp cận với người khuyết tật vào các nền tảng số, đồng thời cần chú trọng các phương thức phổ biến thông tin truyền thống, đảm bảo những trường hợp người khuyết tật đặc thù không bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận thông tin.

Để công nghệ số thực sự là công cụ hữu ích cho người khuyết tật, bà Đỗ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội cho rằng cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Trước tiên, cần cung cấp các thiết bị công nghệ với giá ưu đãi hoặc miễn phí thông qua các chương trình hỗ trợ xã hội. Đồng thời, phát triển các phần mềm, ứng dụng thân thiện với người khuyết tật, đơn giản dễ dàng sử dụng. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số miễn phí, đơn giản và thực tiễn để người khuyết tật có thể học và ứng dụng vào cuộc sống.

Cùng với đó là nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của công nghệ đối với người khuyết tật, khuyến khích sự hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường số hòa nhập, giúp họ có cơ hội phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giai-phap-giup-nguoi-khuyet-tat-tiep-can-cong-nghe-so-10304222.html