Giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2023 mới đạt 35,49% kế hoạch, nhưng ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) tin rằng, năm nay sẽ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay được đánh giá là “tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây”, nhưng thưa ông, 7 tháng qua mới đạt 35,49% kế hoạch?
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư công. Cụ thể, ước thanh toán vốn đầu tư từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 đạt trên 267.625 tỷ đồng, tương đương 35,49% kế hoạch, còn so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì đạt 37,85%. So với cùng kỳ năm 2022, đạt tương ứng 31,61% và 34,47%, thì kết quả đạt được năm nay rất đáng kể, không chỉ tỷ lệ đạt được so với kế hoạch, mà về số tuyệt đối giải ngân năm nay cao hơn nhiều so với năm 2022 và cùng kỳ các năm trước.
Tỷ lệ đạt được hiện tại còn thấp do vốn đầu tư công năm nay rất lớn, ngoài nguồn vốn đầu tư nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn các năm trước chưa giải ngân hết chuyển sang, còn có nguồn vốn rất lớn được bổ sung từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang vào guồng, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu năm nay phải giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn.
Ông có tin rằng, năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu Thủ tướng đặt ra, vì trong nhiều năm nay, hầu như chưa năm nào giải ngân đạt 90% kế hoạch, trong khi vốn đầu tư năm nay lại rất lớn?
Thời gian giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn dài (tới ngày 31/1/2024 mới kết thúc). Để đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 749/CĐ-TTg (ngày 18/8/2023) về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, yêu cầu các cấp, các ngành quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch.
Thủ tướng khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.
Còn ở Trung ương, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, hàng tháng kịp thời báo cáo Thủ tướng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, sát với tình hình thực tiễn. Kết quả giải ngân hàng tháng của từng bộ, ngành, địa phương sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đây là căn cứ quan trọng để đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân.
Trong khi đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư. Công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án. Phối hợp với nhà tài trợ, cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ.
Hiện tại mới giải ngân 35,49% kế hoạch, trong khi huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) đã đạt trên 52% kế hoạch. Thưa ông, liệu có dẫn đến sự lãng phí?
Theo quy định, toàn bộ tiền đi vay để dành cho đầu tư phát triển (đầu tư công). Năm nay, theo kế hoạch, Kho bạc Nhà nước được giao nhiệm vụ huy động 400.000 tỷ đồng TPCP cho đầu tư phát triển.
Trong 7 tháng đầu năm, đã huy động được 208.700 tỷ đồng TPCP, đạt trên 52% kế hoạch, vừa đủ để trả nợ gốc TPCP đến hạn và bù đắp bội chi, không hề có sự lãng phí.
Thưa ông, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt trên 1.016.100 tỷ đồng, trong khi mới chi ra 957.000 tỷ đồng, tức là ngân sách kết dư mà vẫn phát hành TPCP để phải trả lãi có phải là lãng phí?
Trong cân đối ngân sách nhà nước, kể cả ngân sách có thu vượt dự toán thì vẫn phải đi vay (phát hành TPCP) vì tiền thu ngân sách phải bảo đảm rất nhiều khoản chi, trong đó có chi thường xuyên, chi trả nợ lãi TPCP (7 tháng đầu năm nay đã chi trả nợ lãi 59.200 tỷ đồng), chi dự trữ quốc gia, dự phòng ngân sách... Nếu cuối năm có kết dư thì phải tăng trả nợ và bổ sung vào quỹ dự trữ quốc gia, dự phòng ngân sách để chẳng may gặp thiên tai, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh, hay các khoản chi bất thường ngoài dự kiến thì còn có tiền mà chi ra.
Vì vậy, cho dù hiện tại thu ngân sách nhà nước vẫn lớn hơn chi, nhưng vẫn phải phát hành TPCP. Tôi khẳng định, ngân sách nhà nước vay bao nhiêu, chi bao nhiêu, chi vào những khoản gì đều phải thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở luật pháp, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-ngan-it-nhat-95-ke-hoach-von-dau-tu-cong-d196783.html