Giải mã vùng quê có 'âm ngữ lạ'

Người Đà Nẵng và người Quảng Nam, chung âm ngữ đặc trưng: mô, tê răng, rứa, chi, ni (khi đặt câu hỏi) và tao, mi (khi xưng hô với người cùng trang lứa). Tuy nhiên, cũng tồn tại những vùng quê có âm ngữ lạ so với âm ngữ chung của người ở bờ Bắc và bờ Nam dòng Thu Bồn, chẳng hạn 'mô' thành 'đâu', 'răng' thành 'sô', 'rứa' thành 'dậy', 'tao' thành 'tô', 'mi' thành 'mày'. Đấy là thôn Phong Nam của xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng .

Cổng làng Phong Nam.

Lạ mà quen

Âm ngữ, phương ngữ của mỗi địa danh, vùng đất là tài sản, di sản như thể bất biến cùng thời gian và lịch sử thăng trầm. Người Đà Nẵng, người Quảng Nam ở đôi bờ sông Vu Gia - Thu Bồn có âm ngữ rất đặc trưng (gọi chung là giọng Quảng Nam) khiến người mới nghe lần đầu ngạc nhiên. Chẳng hạn “gạo” phát âm thành “gộ”, “cá” phát âm thành “quá”. Đứa trẻ mách cha, “con câu con quá để trên cục đóa gòa héng mổ mất đó boa (con câu con cá để trên cục đá, gà hắn mổ mất đó ba). Người cha hỏi lại, gòa mô (gà mô)?. Đứa trẻ trả lời “dọa con gòa mứa tréng đó boa” (dạ, con gà mái trắng đó ba). Đứa cháu hỏi, “chú đi mô rứa”?. Ông chú đáp “tau đi cua đóa banh” (tao đi coi đá banh). “Đội mô đóa dới đội mô”?. “Eng Gô Loa đóa dới Lồ” (Ăng Gô La đá với Lào)…

Dân thôn Phong Nam (thuộc làng Phong Lệ trước đây) ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang ngoại ô Đà Nẵng, phát âm cũng như người các làng quê đôi bờ Vu Gia - Thu Bồn nhưng một số cụm từ hoặc từ độc lập lại trở thành “âm ngữ lạ” trong cảm nhận của chính những người nói giọng Quảng Nam. Đơn cử như “mô” thành “đâu”, “răng” thành “sô”, “rứa” thành “dậy”, “tao” thành “tô”, “mi” thành “mày”.

Rời làng đi bộ đội, làm công nhân đường sắt từ thời trai trẻ cho đến khi về hưu nhưng ông Lê Đức Sỹ (61 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn Phong Nam vẫn giữ nguyên giọng Quảng Nam và cách phát âm “lạ” như “tô” (tao), mày, “sô” (sao) dậy (vậy). Theo lời ông Sỹ thì âm ngữ của làng vẫn là âm ngữ Quảng Nam nhưng “tô”, “sô” “dậy” là “tài sản riêng” của 17 chi phái tộc gốc Thanh Hóa cùng hương khói tại nhà thờ tiền hiền Phong Lệ từ cách đây vài trăm năm. Đi cùng trời cuối đất thì người Phong Nam nói giọng Quảng Nam vẫn nhận ra nhau bởi âm ngữ không giống ưa (ai) này - ông Sỹ nói.

Ông Ngô Văn Nghĩa (80 tuổi) nguyên Bí thư Chi bộ thôn Phong Nam cho biết, Phong Nam nguyên thủy là làng Phong Lệ (gồm Phong Lệ Nam, Phong Lệ Bắc và Phong Lệ Tây). Cách đây gần 50 năm, do giao thông không thuận tiện nên Phong Lệ Tây ở xã Hòa Phú đã tách ra, chỉ còn Phong Lệ Nam (nay là thôn Phong Nam xã Hòa Châu) và Phong Lệ Bắc (nay là phường Hòa Thọ) ở đôi bờ dòng sông Yên (còn gọi là sông Cẩm Lệ) hương khói tại nhà thờ Tiền hiền Phong Lệ thờ 17 chư phái tộc từ Thanh Hóa vào khai khẩn, an cư. 17 chư phái tộc gồm có Tứ Lê (Lê Văn, Lê Đức, Lê Kim, Lê Cảnh), Ngũ Ngô (Ngô Văn Một, Ngô Văn Hai, Ngô Văn Ba, Ngô Tấn, Ngô Tất), Tộc Phùng, Tộc Ông, Tộc Võ và các Tộc đến sau gồm Trịnh Hữu, Nhị Trần (Trần Một, Trần Hai), Tộc Phan, Tộc Bùi... Nói về âm ngữ lạ, cao niên Ngô Văn Nghĩa nhìn nhận, cách phát âm “tô” (tao), “sô” (sao) của người Phong Nam giống cách phát âm của người Quảng Ngãi, không phải cách phát âm của người Sài Gòn bởi vì người Sài Gòn chữ “tao”, “mày” rất rõ ràng. Một số vùng của Quảng Nam giáp Quảng Ngãi như Núi Thành, Trà My cũng phát âm như người Quảng Ngãi.

Ông Ngô Văn Nghĩa ở thôn Phong Nam nói về các dòng họ làng Phong Lệ và nguồn gốc “âm ngữ lạ”.

Giải mã “âm ngữ lạ”

Để hiểu rõ hơn âm ngữ lạ ở làng Phong Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú, tác giả cuốn sách “Có 500 năm như thế” về bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử (NXB Đà Nẵng, tái bản lần thứ 6 vào năm 2019).

Ông Tú cho biết, ở Quảng Nam và ở Đà Nẵng có 15 vùng quê phát âm giống Quảng Ngãi như người thôn Phong Nam. Quảng Nam và Đà Nẵng là khu vực giao tiếp âm ngữ Bắc và Nam nên có những nơi chịu ảnh hưởng về cách phát âm. Từ bờ bắc sông Thu Bồn trở ra đến Thanh Hóa thì “mi, tao, mô, tê răng, rứa, chi, ni”. Từ bờ Nam sông Thu Bồn trở vào là bắt đầu “mày, tao, đâu, kia, sao, vậy”. Tuy nhiên ở bờ Bắc sông Thu Bồn cũng có vài “ốc đảo” giao thoa âm ngữ phía Nam như các làng Nam Ô, Đà Sơn, Phong Lệ Bắc, Phong Lệ Nam (Đà Nẵng), Thanh Quýt, Mã Châu của Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam). Phía Tây Quảng Nam cũng có nhiều làng phát âm như cách phát âm của người Quảng Ngãi. Huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) có “ốc đảo” Mỹ Lợi với 3 làng gồm Vĩnh An, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Hải nằm trên đất Thừa Thiên Huế nhưng không nói giọng Huế mà lại nói giọng gần giống với giọng của người làng Nam Ô ở Đà Nẵng. Các bậc cao niên ở Mỹ Lợi cho biết, gia phả các dòng họ (có dòng họ cư trú từ 14 đến 15 đời) ở Mỹ Lộc không có mối liên hệ nào với người Đà Nẵng hoặc người Quảng Nam.

Giải thích rõ hơn về những nơi có âm ngữ khác biệt với vùng đất mà họ sống, ông Tú cho rằng, trong hành trình thiên di về phương Nam, từ sau năm 1471 giọng nói của người ở các vùng quê phía Bắc (chủ yếu từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh) đã định hình và không còn thay đổi được nữa. Cho dù sau năm 1471 dòng người thiên di về phương Nam đông đúc đến bao nhiêu đi nữa thì họ cũng phải hòa nhập vào ngôn ngữ vùng đất mới. Có thể thế hệ cha ông vẫn giữ giọng quê hương bản quán nhưng đến thế hệ con cháu thì hoàn toàn hòa nhập. Quá trình hòa nhập, giao thoa âm ngữ trong các cuộc thiên di về phương Nam khai khẩn, lập làng của các dòng họ sớm muộn khác nhau nên sinh ra những vùng đất có âm ngữ khác nhau. Giữa những vùng đất ấy là các vùng chịu ảnh hưởng âm ngữ của vùng này hay vùng kia như làng Phong Nam của Đà Nẵng

Theo nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú: Quảng Nam và Đà Nẵng là nơi giao tiếp của 2 phương ngữ: phương ngữ Trung, kéo dài từ Nam Thanh Hóa đến đèo Hải Vân) với phương ngữ Nam (kéo dài từ Quảng Nam đến tận Cà Mau). Từ Thanh Hóa vào tới Quảng Nam thì nói “mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni”.

Dương Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-ma-vung-que-co-am-ngu-la-5721972.html