Giải mã vai trò hành lang Philadelphi giữa Israel và Hamas

Vấn đề về hành lang Philadelphi dải đất nằm giữa Ai Cập và Gaza – được xem là rào cản mới trong cuộc đàm phán thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

Theo nhiều nhà trung gian hòa giải, hành lang Philadelphi– một dải đất hẹp không người ở tại khu vực tiếp giáp giữa Ai Cập và Gaza – đã trở thành điểm bế tắc chính trong các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu đã nhiều lần nhấn mạnh rằng lực lượng Israel phải ở lại hành lang Philadelphi để ngăn các hành động buôn lậu của Hamas, trong khi nhóm vũ trang này kịch liệt phản đối.

Về phía Ai Cập, các quan chức nước này cho biết sự hiện diện của lực lượng Israel tại hành lang này là vi phạm hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Hành lang Philadelphi là gì?

Hành lang Philadelphi chạy dọc biên giới Gaza-Ai Cập, trải dài khoảng 14,5 km và rộng khoảng 100 m từ mũi cực nam của Gaza đến Biển Địa Trung Hải.

 Hàng rào biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, nhìn từ Rafah ở phía nam Gaza vào tháng 5. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Hàng rào biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, nhìn từ Rafah ở phía nam Gaza vào tháng 5. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Hành lang này bao gồm cửa khẩu biên giới Rafah – nơi trở thành tuyến đường huyết mạch vào Gaza sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7-10-2023. Kể từ tháng 10-2023, một số xe hàng viện trợ đã được chuyển đến Gaza thông qua cửa khẩu này, đồng thời, những người bị thương và bệnh nặng được đưa sang Ai Cập cũng qua Rafah. Đến tháng 5, lực lượng Israel chiếm giữ và đóng cửa cửa khẩu Rafah.

Phía Israel cho biết Hamas sử dụng hành lang Philadelphi làm kênh chính để chuyển vũ khí và tiền cho các thành viên của nhóm này. Ông Netanyahu gọi đây là "đường dây sinh mệnh của Hamas mà họ dùng để trang bị vũ khí và tái xây dựng lực lượng".

Phía Ai Cập đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này, khẳng định rằng họ vẫn kiểm soát chặt chẽ biên giới và đã nỗ lực ngăn chặn nạn buôn lậu từ Ai Cập vào Gaza.

Ai kiểm soát Hành lang Philadelphi?

Theo tờ The Washington Post, Hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa Ai Cập và Israel đã xác định biên giới giữa hai nước và hạn chế triển khai thiết bị quân sự cũng như lực lượng quân sự từ cả hai bên.

Năm 2005, hai nước ký kết một thỏa thuận khác liên quan phần biên giới giáp với Dải Gaza. Theo đó, Ai Cập được phép tăng cường tuần tra biên giới, trong khi lực lượng Israel rút lui khỏi khu vực này. Chính quyền Palestine tiếp quản việc quản lý biên giới cũng như cửa khẩu Rafah, dưới sự giám sát của các giám sát viên Liên minh châu Âu.

Hai năm sau, vào năm 2007, Hamas đã tiếp quản Gaza. Sau sự kiện này, Israel, với sự hỗ trợ từ Ai Cập, đã áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế nghiêm việc di chuyển hàng hóa và người qua biên giới. Lệnh phong tỏa đó đã được thắt chặt sau ngày 7-10-2023. Sau một cuộc tấn công vào tháng 5, lực lượng Israel đã chiếm được hành lang Philadelphi và cửa khẩu biên giới Rafah.

Lập trường của ông Netanyahu về hành lang Philadelphi

Trong cuộc họp báo hôm 2-9, thủ tướng Israel đã chỉ vào một bản đồ Dải Gaza được đánh dấu bằng các biểu tượng tên lửa, túi tiền và những người đeo mặt nạ. Ông cho rằng: "Các nhóm vũ trang cần hành lang Philadelphi, và vì lý do tương tự, chúng tôi phải kiểm soát hành lang Philadelphi".

Ông Netanyahu cho biết sau sự việc phát hiện thêm 6 thi thể con tin ở Gaza vào ngày 31-8, việc rút khỏi hành lang này sẽ gửi cho Hamas một thông điệp: "Giết thêm nhiều con tin, các người sẽ nhận được nhiều nhượng bộ hơn".

Tại cuộc họp báo hôm 4-9, ông Netanyahu đã nhắc lại rằng sự hiện diện của Israel tại hành lang Philadelphi là trọng tâm đối với các mục tiêu an ninh của Israel. Ông cho biết các điều kiện cho thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn phải bao gồm việc đảm bảo cho hành lang này "không thể bị xuyên thủng". Trong cuộc họp báo, ông cũng gợi ý rằng ông sẵn sàng xem xét các giải pháp thay thế khác, để đảm bảo lực lượng an ninh có mặt tại hành lang.

"Phải có người ở đó. … Hãy đưa cho tôi bất kỳ ai thực sự cho chúng tôi thấy ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, rằng họ thực sự có thể ngăn chặn những gì đã xảy ra ở đó tái diễn lần nữa. Tôi hiện vẫn chưa thấy điều này xảy ra. Và cho đến khi nó xảy ra, chúng tôi [lực lượng Israel] vẫn ở đó [hành lang Philadelphi]" – ông Netanyahu cho biết.

Tuy nhiên, khác với ông Netanyahu, nhiều chính trị gia và chỉ huy quân sự khác của Israel cho rằng nội các nước này không nên đẩy yêu cầu về sự hiện diện của lực lượng Israel tại hành lang Philadelphi lên hàng đầu vào lúc này. Thay vào đó, chính phủ nên dành sự quan tâm nhiều hơn vào việc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và sớm đưa các con tin bị Hamas bắt về nhà.

 Hành lang Philadelphi vào tháng 7. Ảnh: FLASH90

Hành lang Philadelphi vào tháng 7. Ảnh: FLASH90

Hành lang Philadelphi đóng vai trò như thế nào trong thỏa thuận ngừng bắn?

Trong nhiều tháng qua, các cuộc đàm phán ngừng bắn liên tục rơi vào vòng lặp bắt đầu, thất bại, dừng lại rồi lại bắt đầu.

Vào tháng 5, các cuộc đàm phán được khởi động lại, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đề xuất về tiến trình 3 giai đoạn, bao gồm việc thả các con tin Israel và tù nhân người Palestine trong thời gian ngừng bắn kéo dài 6 tuần. Mục đích của đề xuất này là mở đường cho việc xung đột chấm dứt vĩnh viễn.

Vào tháng 7, phía Hamas tuyên bố sẵn sàng bỏ một số yêu cầu để tiến tới thỏa thuận ngừng bắn. Khi ấy, ông Biden bày tỏ sự tin tưởng rằng các bên sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, các nhà đàm phán Israel đã chính thức đưa ra các yêu cầu mới, bao gồm việc quân đội Israel vẫn ở hành lang Philadelphi và tại cửa khẩu Rafah.

“Nếu không rút quân [của Israel] hoàn toàn khỏi Dải Gaza và đặc biệt là khỏi hành lang Netzarim (bắc Gaza) và hành lang Philadelphi, thì sẽ không có thỏa thuận nào cả” – ông Khalil al-Hayya, thành viên cấp cao Hamas, trả lời đài Al Jazeera hôm 1-9.

Quan điểm của Ai Cập về hành lang Philadelphi là gì?

Mặc dù Ai Cập đã đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza, nhưng theo một quan chức Ai Cập, “bây giờ, chúng tôi là một phần của vấn đề”.

Theo ông Ayman Salama – thành viên Hội đồng Đối ngoại Ai Cập (đơn vị cố vấn cho tổng thống), Ai Cập cảm thấy không được tôn trọng khi Israel đơn phương thay đổi các điều khoản của hiệp ước hòa bình.

Trong khi đó, ông H.A. Hellyer – chuyên gia về an ninh Trung Đông – cho rằng Ai Cập cũng có những lo ngại về an ninh quốc gia của riêng mình về sự hiện diện của lực lượng Israel gần biên giới.

Phía Ai Cập cũng đã phản ứng mạnh mẽ trước quan điểm của ông Netanyahu về việc Ai Cập đã nhắm mắt làm ngơ trước việc buôn lậu vũ khí qua biên giới. Ai Cập cho biết dưới thời Tổng thống Abdel Fatah El-Sisi trong thập niên qua, họ đã phá hủy hơn 1.500 đường hầm buôn lậu và thiết lập một vùng đệm quân sự rộng khoảng 3 km gần Gaza để kiểm soát nạn buôn lậu.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/giai-ma-vai-tro-hanh-lang-philadelphi-giua-israel-va-hamas-post809053.html