Giải mã 'sóng' cổ phiếu phân bón

Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu phân bón như DPM, DCM, LAS, BFC, DDV dường ảnh hưởng đáng kể từ đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón.

Cổ phiếu ngành phân bón diễn biến khả quan trong phiên đầu tháng 6. Tính đến 14h45 phiên 3/6, DPM tăng trần, DCM và LAS tăng 4%, DDV tăng 2%, BFC tăng 1%... Điều này đặt trong bối cảnh thị trường chung giao dịch với tâm lý lạc quan. VN-Index tăng hơn 18 điểm, tương đương 1,45% lên 1.280 điểm.

Thanh khoản có sự đột biến. Đơn cử, DPM khớp lệnh gần 14 triệu cp, cao nhất trong vòng hơn hai năm (kể từ sau phiên 30/3/2022 với 15 triệu cp). Đến hết phiên, DPM vẫn ghi nhận gần dư mua giá trần gần 1,2 triệu cp. Hay như DCM có khối lượng khớp lệnh gần 10,8 triệu cp, cao nhất trong gần hai tháng (kể từ sau 8/3/2024 với 11,2 triệu cp).

Cổ phiếu ngành phân bón đã có nhịp tăng khả quan kéo dài từ trước đó. Tính từ đầu năm, hai mã vốn hóa lớn nhất ngành là DCM và DPM tăng lần lượt 20% và 16%; BFC và LAS tăng 55% và 67%. Thậm chí, con số này tại DDV là 104%, tức gấp đôi sau hơn 5 tháng.

Tỷ lệ tăng giá của một số cổ phiếu phân bón từ đầu năm đến 3/6. (Biểu đồ: TradingView).

Tỷ lệ tăng giá của một số cổ phiếu phân bón từ đầu năm đến 3/6. (Biểu đồ: TradingView).

Hưởng lợi từ đề xuất áp thuế suất VAT 5% mặt hàng phân bón

Diễn biến tích cực nêu trên dường ảnh hưởng đáng kể từ đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT). Đề xuất này của Bộ Tài chính dự kiến sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10, và sẽ đi vào hiệu lực vào 1/1/2025.

Đề xuất này đã liên tục được đưa ra từ những năm trước, song theo một số chuyên gia, lần này khả năng cao sẽ được thông qua. Tại chia sẻ mới đây trên trang chủ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - đề xuất Nhà nước nên áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón.

Theo ông Phụng, đối với mặt hàng phân bón (và có thể là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi…) áp thuế 5% như trước đây là hợp lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên áp thuế suất 10% vì ngân sách Nhà nước thu được thuế từ phân bón, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu rất lớn. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền thuế này được cộng vào giá bán, nông dân sẽ phải chịu thuế.

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp kể từ năm 2023 là chính sách rất nhân văn đối với nông dân, nhưng trên thực tế, số thuế miễn hằng năm không nhiều. Mỗi nông dân được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không đáng kể, trong khi với tư cách là người tiêu dùng, nông dân phải nộp tất cả các loại thuế khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, để bảo đảm tính nhân văn, thực hiện chủ trương hỗ trợ nông dân - đối tượng yếu thế nhất trong xã hội và tăng sức cạnh tranh của nông sản, thì áp mức thuế suất 5% là hợp lý nhất.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, khi áp thuế 5% thì giá phân bón cũng cần phải giảm tương ứng (tất nhiên còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như giá thế giới, hay giá nguyên liệu đầu vào...). Lâu nay doanh nghiệp không được khấu trừ đầu vào nhưng khi áp thuế 5% thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, do đó giá cả cũng cần phải thay đổi.

Phân tích rõ hơn ở góc độ doanh nghiệp, theo FIDT Research, hiện doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế này.

Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm, gây bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu (không có thuế GTGT trong giá bán).

Nếu đề xuất áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón được thông qua, doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào với đầu ra hoặc hoàn thuế, từ đó không phải tính chi phí thuế vào giá thành.

Ông Phạm Hoàng Quang Kiệt, Phó phòng Phân tích của FIDT lý giải, điều này sẽ giúp giảm giá phân bón, tức gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, người nông dân mua phân bón phải mua thêm phần thuế VAT doanh nghiệp được khấu trừ. Nếu áp dụng hoàn thuế phân bón 5% thì số tiền thuế được hoàn đối với các DN phân bón có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ví dụ trường hợp Phân bón và Hóa chất Cà Mau (Mã: DCM), ước tính chi phí thuế đầu vào hàng năm là khoảng 300 tỷ đồng. Nếu áp dụng thuế GTGT 5% cho phân bón, Phân bón và Hóa chất Cà Mau có thể tiết kiệm 140 - 200 tỷ đồng mỗi năm. Giá vốn hàng bán sẽ giảm đáng kể, biên lợi nhuận gộp kỳ vọng cải thiện lên mức 60%, nhờ đó cải thiện đáng kể lợi nhuận sau thuế.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/giai-ma-song-co-phieu-phan-bon.html