Giai cấp công nhân ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước
Không chỉ lớn mạnh về số lượng và chất lượng, giai cấp công nhân ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Tăng cả lượng và chất
Báo cáo kết quả sau 15 năm triển khai Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho thấy, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (năm 2008), số lượng công nhân lao động làm công, hưởng lương trong các doanh nghiệp, hợp tác xã là 8,26 triệu người. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết (năm 2013), con số này tăng lên gần 11 triệu (tăng hơn 2,7 triệu người), đến năm 2017 là 14,88 triệu người (tăng 3,4 triệu người).
Giai đoạn 2020 - 2022, dưới tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, xung đột vũ trang giữa các quốc gia, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu... khiến lao động làm việc trong các doanh nghiệp thường xuyên biến động. Số lao động có việc làm năm 2020 giảm 597,3 nghìn người (tương ứng giảm 1,2%) so với năm 2019; năm 2021 tiếp tục giảm 1 triệu người (tương ứng giảm 2,0%), năm 2022 giảm 566 nghìn người. Năm 2023, số lao động có việc làm đã tăng trở lại, trở về mốc năm 2020. Số công nhân lao động làm công, hưởng lương trong các doanh nghiệp, hợp tác xã có khoảng 14,5 triệu.
Đáng chú ý, trình độ học vấn và chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, nhận thức chính trị, pháp luật của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện; từng bước làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nghị quyết 20-NQ/TW là nghị quyết rất quan trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn của Đảng đối với nhiệm vụ chiến lược xây dựng giai cấp công nhân và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống tổ chức chính trị xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó đáng chú ý, giai cấp công nhân đã có sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng.
Tạo ra phần lớn của cải vật chất cho xã hội
Không chỉ lớn mạnh về số lượng và chất lượng, giai cấp công nhân ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đội ngũ công nhân lao động tiếp tục giữ vai trò quan trọng, là lực lượng sản xuất chủ yếu, trực tiếp tạo ra phần lớn của cải vật chất cho xã hội.
Tuy chỉ chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng lực lượng công nhân lao động đã cùng với người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp trên 50,34% giá trị tăng thêm cả nước. Phần lớn công nhân lao động nhận thức được vị trí, vai trò của mình đối với công cuộc đổi mới, sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
"Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng có sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta tự hào những chuyến hàng của Việt Nam đi muôn nơi, trong đó có mồ hôi, công sức của những người công nhân lao động", ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.
Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, sau 15 năm triển khai, Chương trình hành động 399/CTr-BCH đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, năng động và có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hội nhập. Công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động được chú trọng.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ trả lương cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Theo đó, tiền lương tối thiểu của công nhân lao động tăng dần. Năm 2023 – 2024, thu nhập bình quân của lao động đã tăng 6% do tiếp tục triển khai tăng lương tối thiểu vùng.
Đáng chú ý, các phong trào thi đua yêu nước được công đoàn tổ chức trên cả diện rộng và chiều sâu. Từ phong trào thi đua do công đoàn tổ chức và phát động đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, điển hình tiên tiến. Giai đoạn 2008 - 2012 có 834.796 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi 52.228.045 tỷ đồng; Giai đoạn 2013-2017 có 1.170.884 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi 203.579 tỷ đồng; Giai đoạn 2018 - 2023, có 2.889.318 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới mang lại giá trị làm lợi 163.724 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra, hầu hết các doanh nghiệp ký hợp đồng 48 giờ/tuần và cam kết nghỉ ngơi đúng chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, nhưng cường độ, thời gian làm thêm giờ vẫn cao, nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động như: dệt may, giày da, điện tử, chế biến hải sản....
Đa số người lao động tăng ca, làm thêm giờ để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Do đó, kiểm tra, giám sát thời gian làm thêm theo quy định của pháp luật phải được tiến hành song song với việc thực hiện các chế độ, chính sách với người lao động khi huy động làm thêm giờ, tăng ca.
Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được cải thiện; nơi sinh hoạt văn hóa và việc tổ chức hoạt động tập thể được cải thiện, đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân lao động so với trước đây...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số bất cập về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ để phát huy tối đa tiềm năng của giai cấp công nhân trong giai đoạn tới.
Vì vậy chia sẻ tại Hội nghị đánh giá kết quả 15 năm triển khai Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tổ chức sáng ngày 10/12, nhiều tham luận từ các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW tại địa phương, doanh nghiệp; đồng thời đóng góp các giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người lao động, nâng cao năng suất lao động và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất.