Giải bài toán ùn tắc giao thông: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để giải bài toán ùn tắc, tránh viễn cảnh phải mở rộng đường gấp nhiều lần, TP HCM đã, đang hoặc sẽ áp dụng nhiều phương án gồm đầu tư công trình và ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
Mỗi ngày đi làm, chị Nguyễn Thị Thu Hiền chịu 2 lần kẹt xe sáng và chiều để từ nhà huyện Hóc Môn đến cơ quan ở quận 1 và ngược lại.
Ùn tắc bủa vây
Chị Hiền kể đã sống chung với ùn tắc hơn 10 năm và điều này luôn gây cảm giác căng thẳng. "Dù biết kẹt xe, ùn tắc là chuyện phải đối mặt liên tục nhưng tôi vẫn mơ ngày đường sá thông thoáng, thoát cảnh dồn nén, mồ hôi nhễ nhại có khi đến 5 km" - chị Hiền nói.
Theo tìm hiểu, do nằm cửa ngõ Tây Bắc, trục đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách mạng Tháng Tám, nơi chị Hiền đi qua, thường gồng gánh lượng phương tiện khổng lồ từ các huyện ngoại thành di chuyển vào nội đô.
Còn tại cửa ngõ phía Nam, hàng loạt tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Quốc lộ 50, cầu Kênh Tẻ… cũng trong tình trạng "oằn mình". Trong ngày 24-9, có mặt tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, ghi nhận cho thấy lượng phương tiện từ các tỉnh miền Tây đổ về TP HCM không ngớt, đa số là container, xe tải chở hàng hóa, nông sản. Do gánh lượng phương tiện lớn nên một số đoạn xuống cấp, bị vá nham nhở.
Ở cửa ngõ phía Đông, khu vực nút giao An Phú dẫn lên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là nỗi ám ảnh của cánh tài xế…. Cửa ngõ đã hẹp, các tuyến đường nội đô cũng không khá hơn, nhất là những ngày đầu năm học. Đã có hàng loạt địa điểm người dân liệt kê để "né" khi trời mưa, như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ…
Định hình đáp số
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Bùi Hòa An cho biết thành phố đang quản lý khoảng 10 triệu phương tiện, chưa kể xe vãng lai từ tỉnh khác. Ông ví von để xếp đủ 10 triệu xe này, mặt đường phải được mở rộng gấp 2,5 lần so với kích thước hiện hữu.
Để giải quyết bài toán ùn tắc, ông Bùi Hòa An thông tin Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm. Cụ thể như xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đường song hành Quốc lộ 50, nút giao An Phú…
Song song, Sở GTVT cùng chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thúc đẩy tiến độ loạt dự án đường vành đai, cao tốc khác như Vành đai 4, khép kín Vành đai 2, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương…
Về định hướng mở thêm diện tích đường, đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết ưu tiên phát triển, kêu gọi xã hội hóa đường trên cao, áp dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội nhằm thu hút nhà đầu tư.
Tối ưu trong từng giai đoạn
TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản tại Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh diện tích mặt đường thiếu hụt tại đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội thì việc xây dựng đường trên cao là cần thiết.
Đường trên cao đã được nhiều thành phố lớn như Tokyo (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan) thực hiện. Cách đây 20 năm, góp ý cho bài toán giao thông đô thị TP HCM, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản từng đề xuất thành phố xem xét xây dựng các tuyến đường trên cao, có thể đi trên nhiều tuyến kênh rạch nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, tốn kém chi phí. Tuy nhiên, hạn chế là mất mỹ quan đô thị, che phủ một phần mặt nước.
Ngoài ra, "đường trên cao chi phí thực hiện rất lớn, vì thế khi làm theo phương thức đối tác công - tư cần phải có những điều khoản hài hòa, giải quyết tình huống (nếu có) giữa nhà nước và nhà đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia, chưa kể quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều rủi ro mà hợp đồng không có" - TS Bình nêu tình huống.
Ở khía cạnh khác, TS Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP HCM, dẫn bài học tại Bangkok khi hệ thống đường trên cao dù chằng chịt nhưng vẫn kẹt xe thường xuyên. Từ đó, ông cho rằng đường trên cao nên là giải pháp tạm thời và có thể xây dựng chúng tại các nút giao, ngã tư để giảm ùn tắc cho khu vực. Về lâu dài, TP HCM cần áp dụng nhiều giải pháp song song tương tự Singapore đã làm như đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô thông qua công tác thu phí ô tô vào khu vực thường ùn tắc.
"Khi xây dựng đường trên cao từ A đến B sẽ giải quyết ùn tắc khu vực đó nhưng khi xe ra khỏi đường trên cao thì ùn tắc lại bắt đầu. Do đó, TP HCM nên cân nhắc kỹ khi đề xuất các tuyến đường trên cao, nhất là các tuyến đường dài, chạy dọc trục đường với cự ly dài" - TS Hùng nêu ý kiến.
Ngoài giải pháp công trình, GTVT đang đẩy mạnh giao thông thông minh thông qua nâng cấp, mở rộng mạng lưới camera giám sát, tối ưu hoạt động của đèn tín hiệu từ các trục giao thông chính đã kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Ngoài ra, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn để phân tích, hướng tới điều chỉnh giao thông...
Áp dụng Nghị quyết 98
Mới đây, 5 tuyến đường trên cao được các sở, ngành đề xuất đưa vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Cụ thể, đó là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3; nâng cấp trục Bắc - Nam đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và xây dựng cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.
Các dự án trên thực hiện theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.