Giấc mơ việc nhẹ lương cao và cú lừa nơi xứ người

Vì tin vào những lời hứa viển vông về một công việc nhẹ nhàng, lương cao nơi xứ người, một nhóm lao động Việt Nam đã rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người, bị bán vào ổ lừa đảo ở khu vực Tam giác vàng. Họ đã phải đánh cược mạng sống, vượt qua muôn vàn hiểm nguy để thoát thân.

Chiêu thức cũ, nạn nhân mới

Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử vụ án Mua bán người đối với hai bị cáo: Vy Văn Nhập (42 tuổi, trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) và Phạm Thị Tuyết Chinh (37 tuổi, trú thị trấn Giao Thủy, huyện Giao Thủy, Nam Định).

Hai bị cáo Phạm Thị Tuyết Chinh và Vy Văn Nhập tại tòa.

Hai bị cáo Phạm Thị Tuyết Chinh và Vy Văn Nhập tại tòa.

Ngay từ sáng sớm, các bị hại đã có mặt tại phòng xử án. Dù đã trở về quê hương một thời gian, nhưng ký ức kinh hoàng về những tháng ngày bị giam cầm, bóc lột nơi xứ người vẫn khiến họ rùng mình sợ hãi.

Những nạn nhân của vụ án đều có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống tại vùng sâu vùng xa, không có công ăn việc làm ổn định. Khi nghe Vy Văn Nhập giới thiệu về một công việc tại Lào với mức lương 20 triệu đồng/tháng, kèm theo chỗ ăn ở đầy đủ, họ không chút đắn đo mà đồng ý. Trong số này, có cả em trai của Nhập – Vy Văn L. (33 tuổi).

Thực chất, Nhập chỉ là một mắt xích trong đường dây mua bán người do Phạm Thị Tuyết Chinh điều hành. Trước đó, khi làm việc tại Trung Quốc, Chinh quen biết một “ông chủ” và được giao nhiệm vụ tìm lao động Việt Nam để bán sang Lào với tiền công 15 triệu đồng/người. Ham lợi, Chinh lập tức đồng ý và móc nối với Nhập, hứa chia cho Nhập 10 triệu đồng mỗi lao động.

Ngày 18/9/2023, Nhập đưa ba lao động từ Nghệ An ra Hà Nội, trong khi Vy Văn L. và một người bạn khác di chuyển từ TP Hồ Chí Minh để cùng xuất ngoại. Đến ngày 23/9/2023, Chinh và Nhập bàn giao 5 lao động cho nhóm môi giới Trung Quốc tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).

Sau hành trình kéo dài nhiều ngày, họ bị đưa lên khu vực Tam giác vàng, bị ép làm việc cho một công ty lừa đảo tại Myanmar. Chỉ đến lúc này, những người lao động mới bàng hoàng nhận ra mình đã bị bán.

Cuộc đào tẩu sinh tử

Một nạn nhân kể lại, khi đặt chân đến "công ty", họ mới hay công việc thực chất là lừa đảo trên không gian mạng. Những ai phản đối lập tức bị đe dọa, canh gác nghiêm ngặt, thậm chí bị ép làm việc quần quật từ 7 giờ sáng đến 3 giờ sáng hôm sau.

Các bị hại kể lại ký ức về thời gian bị bán vào công ty lừa đảo.

Các bị hại kể lại ký ức về thời gian bị bán vào công ty lừa đảo.

Không chấp nhận bị biến thành công cụ phạm tội, các lao động âm thầm tìm cách bỏ trốn. Sau nhiều tháng sống trong cảnh giam cầm, lợi dụng lúc bọn canh gác sơ hở, họ đồng loạt tháo chạy.

Nhưng vì không thông thạo địa hình, bất đồng ngôn ngữ, khi đến biên giới Lào, họ tiếp tục bị lừa vào làm việc cho các công ty khác. Một số người đòi về thì bị yêu cầu nộp tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng.

Không có tiền, họ bị đưa lên xe quay lại Myanmar. Trên đường đi, khi xe dừng tại một quán ăn ven đường, một lao động liều lĩnh nhảy xuống sông Mê Kông, bám vào thùng xốp trôi theo dòng nước.

Đói khát, kiệt sức, anh phải xin ăn, ngủ nhờ tại các lán ven sông. May mắn, một người Việt sống tại Lào đã giúp đỡ, cho mượn điện thoại gọi về nước. Sau hành trình đầy hiểm nguy, anh đã được đoàn tụ với gia đình.

Từ tháng 1/2024 đến tháng 8/2024, bốn nạn nhân lần lượt trở về Việt Nam, nhưng vẫn còn một người mất tích, không ai rõ tung tích. Ngay khi về nước, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo, giúp cơ quan chức năng lần ra đường dây buôn người.

Cái giá phải trả

Dựa trên đơn tố giác, công an bắt giữ Vy Văn Nhập và Phạm Thị Tuyết Chinh. Trước tòa, Nhập thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, trong khi Chinh quanh co chối tội, chỉ thừa nhận đã tìm người cho "ông chủ" mà không biết họ bị đưa vào công ty lừa đảo. Tuy nhiên, trước những bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng Chinh cũng cúi đầu nhận tội.

Dù rơi nước mắt xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng cái giá cho tội ác đã quá rõ ràng. Hội đồng xét xử tuyên phạt Phạm Thị Tuyết Chinh 9 năm 6 tháng tù, Vy Văn Nhập 9 năm tù về tội Mua bán người.

Phiên tòa khép lại, những nạn nhân lặng lẽ ra về, nhưng nỗi ám ảnh vẫn chưa nguôi ngoai. Họ đã trở về, nhưng vết thương tinh thần vẫn còn mãi.

Vụ án là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang nuôi giấc mơ "việc nhẹ lương cao" nơi đất khách.

Đừng để một quyết định thiếu suy nghĩ trở thành cánh cửa dẫn vào địa ngục! Hãy luôn cảnh giác trước những lời mời gọi hấp dẫn nhưng đầy cạm bẫy.

Gia Ân

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giac-mo-viec-nhe-luong-cao-va-cu-lua-noi-xu-nguoi-473756.html