Giá uranium có thể vượt đỉnh 16 năm
Nhu cầu về uranium tăng mạnh, nhưng đang phải đối mặt về trở ngại khi thiếu nguồn cung ổn định. Và điều đó sắp đẩy giá uranium, vốn đã ở mức cao nhất trong 16 năm, vào một đợt tăng giá khác.
Theo CNBC, công ty khai thác mỏ Kazakhstan Kazatomprom gần đây đã cảnh báo rằng họ có thể không đạt được mục tiêu sản xuất đến năm 2025 do sự chậm trễ trong xây dựng mỏ uranium và thiếu hụt axit sulfuric.
Axit sulfuric rất quan trọng trong quá trình khai thác vì nó được sử dụng để lọc và thu hồi uranium từ quặng thô.
Kazatomprom là công ty khai thác uranium hàng đầu thế giới, chiếm hơn 1/5 sản lượng thế giới. Kazakhstan cũng sản xuất 43% nguồn cung uranium của thế giới, thị phần lớn nhất của thị trường kim loại nặng toàn cầu.
Thông báo của Kazatomprom được đưa ra khi các nhà sản xuất lớn khác đang gặp khó khăn. Công ty khai thác uranium Cameco có trụ sở tại Canada đã báo hiệu sản lượng thấp hơn, trong khi tập đoàn cung cấp nhiên liệu hạt nhân Oran của Pháp đã dừng hoạt động tại Niger.
Guy Keller, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty tư vấn và đầu tư Tribeca cho biết: “Chúng ta đang trải qua một thập kỷ thiếu nguồn cung".
Ông nói thêm rằng tình trạng thâm hụt sẽ tiếp tục diễn ra vì "chúng tôi đang thực hiện chương trình xây dựng lò phản ứng lớn nhất trong nhiều thập kỷ”.
Uranium là nguyên liệu chính trong sản xuất điện hạt nhân và nhu cầu đã tăng vọt khi các chính phủ cố gắng tránh xa nhiên liệu phát thải carbon và giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Nguồn cung uranium đã tăng vọt trong những năm gần đây, do sự quan tâm trở lại của các chính phủ đối với năng lượng hạt nhân.
Các nước phương Tây đang kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy hạt nhân.
Khoảng 60 lò phản ứng điện hạt nhân đang được xây dựng ở 17 quốc gia và 110 lò phản ứng khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Hầu hết các dự án đang được thực hiện đều ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP28, hơn 60 quốc gia đã ủng hộ kế hoạch tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, đưa năng lượng hạt nhân trở lại tâm điểm chú ý như một nguồn năng lượng thay thế.
Giá uranium tăng cao là sự đảo ngược hoàn toàn tình trạng dư cung kéo dài hàng thập kỷ sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 khiến toàn cầu phải giảm sử dụng năng lượng hạt nhân.
Uranium chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí cho năng lượng hạt nhân do việc xây dựng các lò phản ứng rất tốn kém, nên công ty điện lực thường ít quan tâm hơn tới vấn đề giá cả mà quan tâm nhiều hơn về sự sẵn có của nhiên liệu hạt nhân.
Giá uranium cũng được thúc đẩy bởi sự quan tâm từ các quỹ phòng hộ đối với kim loại này, nhằm tận dụng sự chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn của nhiều quốc gia.
Uranium gần đây được giao dịch quanh mức 106 USD/pound và các nhà phân tích kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.
Citibank dự kiến giá uranium sẽ đạt trung bình 110 USD/pound vào năm 2025.
John Ciampaglia, Giám đốc điều hành của Sprott Asset Management, cho biết cũng có thêm những lo ngại về nguồn cung vì Nga có thể trả đũa dự luật cấm nhập khẩu uranium từ Nga của Mỹ .
Nga là nước sản xuất uranium lớn thứ sáu và là nước làm giàu uranium lớn nhất thế giới.
Sự kết hợp của các yếu tố này đang gây ra tình trạng thâm hụt nguồn cung dự kiến thậm chí còn lớn hơn trong những năm tới và có khả năng gây gián đoạn đối với chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân. Do đó, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân có thể cần phải đa dạng hóa.
Pháp, quốc gia có tới 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân và là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất, đã không nhận được lô hàng uranium mới từ Niger kể từ cuộc đảo chính tháng 7/2023.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã tới thăm hàng loạt cường quốc uranium như Kazakhstan, Mông Cổ và Uzbekistan để tìm kiếm quan hệ đối tác cung cấp mới.
Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa thể cảm nhận được tác động của những gián đoạn này. Nguyên do là vì hầu hết các công ty điện lực đều ký hợp đồng nhiên liệu dài hạn, vì vậy, họ có thể chưa gặp phải cú sốc về giá cả ngay bây giờ.