Giá thịt heo tăng vọt, Bắc Kinh chồng chất nỗi lo
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang căng sức xử lý một núi công việc để vực dậy nền kinh tế tăng trưởng trì trệ và giải quyết các bất đồng thương mại với Mỹ. Giờ đây, giá thịt heo tăng phi mã làm chồng chất thêm áp lực đối với họ.
Do sản lượng thịt heo suy giảm mạnh vì dịch tả heo châu Phi, giá thịt heo ở Trung Quốc đã tăng liên tục trong những tháng vừa qua. Tờ South China Morning Post đưa tin kể từ tháng 7 đến nay, giá thịt heo ở nhiều nơi tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên mức 31-33 nhân dân tệ (101.000-108.000 ngàn đồng)/kg. Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc cho biết, lần gần đây nhất giá thịt heo tăng lên mức tương tự là vào tháng 6-2016 khi giá đạt đỉnh 31,56 nhân dân tệ/kg.
Các quan chức Trung Quốc nhận thấy tình hình lên đến mức báo động khi mà tổng đàn heo của nước này hiện giảm 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái do các tác động của dịch tả heo châu Phi kéo dài hơn một năm qua.
Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì một cuộc họp của Quốc vụ Viện Trung Quốc kêu gọi triển khai các chính sách cụ thể. Theo ông, các cơ quan chính quyền phải có “thái độ khẩn cấp” để ứng phó với cơn khủng hoảng nguồn cung thịt heo. Một quan chức cấp cao khác xem vấn đề này là “một ưu tiêu quốc gia”. It nhất ba chính quyền địa phương phải mở kho dự trữ thịt heo chiến lược để bảo đảm nguồn cung thịt heo giá thấp hơn thị trường.
Dù đã triển khai các biện pháp này, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn cảm thấy bị tác động lớn giữa lúc chi phí các thực phẩm khác cũng đang leo thang vì cuộc chiến thương mại với Mỹ.
“Quá đắt, quá đắt. Chúng tôi không đủ sức để mua thịt heo nữa”, Gui Fuyi, một hưu trí 69 tuổi, nói khi đang ghé vào gian thịt heo ở một siêu thị ở Bắc Kinh hôm 10-9. Trong những ngày gần đây, bà Fuyi chỉ mua thịt heo xay để làm há cảo, chứ không mua thịt heo nguyên miếng.
Hôm 10-9, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,8% trong tháng 8, chủ yếu do tác động của giá thịt heo. Số liệu của NBS cũng cho thấy chi phí thực phẩm tăng 10% trong năm qua, một phần là do thuế đáp trả vào các mặt hàng nông nghiệp và thức ăn gia súc nhập khẩu từ Mỹ.
“Chính phủ Trung Quốc luôn nói rằng Trung Quốc có thể chịu đựng bất kỳ tổn thương nào và các tác động từ xung đột thương mại với Mỹ nhưng những gì họ không muốn nói là người dân đang gánh chịu tổn thương lớn nhất”, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Victor Shih, Phó giáo sư ở Đại California tại San Diego, nói.
Thịt heo là một trong những mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc tăng thuế thêm 10% vào ngày 1-9 vừa qua để trả đũa các đòn thuế của Mỹ. Các nhà phân tích dự báo đến cuối năm nay, giá thịt heo ở Trung Quốc có thể tăng mạnh nữa. Lúc đó, cơn khủng hoảng thịt heo sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với Bắc Kinh.
Khi giá thịt heo tăng và các gia đình Trung Quốc chuẩn bị đón các ngày lễ lớn bao gồm lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1-10 tới, các quan chức địa phương bắt đầu đưa ra các thông điệp trấn an.
Chính quyền TP. Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang cho biết có đủ thịt heo đông lạnh trong kho dự trữ để cung cấp cho mỗi người dân 50 gram mỗi ngày trong bốn ngày liên tục. Chính quyền TP. Nam Ninh ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho biết người dân có thể mua thịt heo tối đa 1kg/ngày với mức giá giảm. Chính quyền tỉnh Quảng Đông cam kết cung cấp cho các siêu thị, trường học, nhà hàng, căng-tin 16.000 tấn thịt heo đông lạnh từ kho dự trữ với mức giá thấp hơn 10% so với giá thị trường ngay trong tháng này.
Chính quyền trung ương Bắc Kinh cũng thông báo một loạt biện pháp để khuyến khích nông dân nuôi heo trở lại, bao gồm các khoản trợ cấp để mở rộng hệ thống chuồng trại lên đến 700.000 đô la Mỹ. Tuy nhiên, khi dịch tả heo châu Phi vẫn còn hiện diện ở nhiều khu vực, tăng đàn heo có thể khiến dịch bệnh này lây lan thêm.
“Đối với chính phủ Trung Quốc, đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn. Bạn không thể nói rằng chúng ta phải hạn chế nuôi heo để khống chế tả heo châu Phi”, nhà phân tích Pan Chenjun ở chi nhánh Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) tại Hồng Kông, nói.
Pan Chenjun cho rằng dù chính phủ có đưa ra các chính sách hỗ trợ như thế nào đi nữa, nông dân ở các vùng dịch sẽ tự quyết định có nuôi heo trở lại hay không. Họ hiểu rằng virus tả heo vẫn còn hiện diện và rủi ro đàn heo nhiễm bệnh vẫn chưa thể loại bỏ.
Một nông dân bình luận trên mạng xã hội WeChat: “Chúng tôi sẽ không nuôi heo nữa dù chính phủ có đưa ra các biện pháp bồi thường và hỗ trợ. Tôi đã phải tự tay chôn đàn heo bị chết do dịch tả heo châu Phi trong năm nay mà không nhận được một đồng trợ cấp. Tôi gần như phá sản. Làm sao tôi có thể nuôi heo trở lại chứ?”.
Theo NY Times, SCMP
Khánh Lan