Gia tăng 'sức nóng', BRICS được định vị là nhân tố chủ chốt trong quản trị toàn cầu tương lai

Sức ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của BRICS định vị nhóm này sẽ là một nhân tố chủ chốt trong quản trị toàn cầu tương lai khi một kỷ nguyên mới của quan hệ quốc tế đang mở ra.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS và Hội nghị BRICS mở rộng đang diễn ra tại thành phố Kazan, Nga. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh BRICS và Hội nghị BRICS mở rộng đang diễn ra tại thành phố Kazan, Nga. (Nguồn: Reuters)

Trên tờ The Japan Times ngày 20/10, Giáo sư Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ), đồng thời là nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin (Đức), đã có bài viết "Sự phát triển của BRICS và một thế giới đa cực đang nổi lên". Dưới đây là nội dung bài báo:

Một kỷ nguyên mới của quan hệ quốc tế đang mở ra. Việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của phương Tây chiếm tỷ trọng ngày càng giảm trong toàn cầu và thế giới ngày càng trở nên đa cực, các quốc gia đang cạnh tranh để khẳng định vị thế của mình trong trật tự mới nổi.

Điều này bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi, được đại diện bởi Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng, đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo trong việc đề ra các quy tắc của trật tự mới và các quốc gia nhỏ hơn đang cố gắng tăng cường các mối quan hệ nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Sức hấp dẫn của BRICS

Từ một nhóm các nền kinh tế, BRICS đã trở thành biểu tượng của khát vọng về một trật tự toàn cầu mang tính đại diện rộng mở hơn, một đối trọng với các thể chế do phương Tây lãnh đạo và một công cụ để điều hướng sự bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng. Tất cả những điều này đã chứng tỏ sức hấp dẫn của BRICS.

Đầu năm nay, BRICS đã mở rộng từ 5 quốc gia (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi) lên 9 quốc gia (thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE). Và gần 30 quốc gia nữa, bao gồm thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Thổ Nhĩ Kỳ; các đối tác thân thiết của Mỹ như Thái Lan và Mexico; và quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới Indonesia; cũng đã nộp đơn xin gia nhập BRICS.

Mặc dù sự đa dạng của các thành viên (và ứng viên) trong nhóm làm nổi bật sức hấp dẫn rộng rãi của BRICS, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức. Bởi nhóm bao gồm những quốc gia có hệ thống chính trị, nền kinh tế và mục tiêu quốc gia rất khác nhau. Một số thậm chí còn bất đồng quan điểm với nhau trong một số vấn đề.

Việc hòa hợp các lợi ích chung thành một kế hoạch hành động chung và trở thành một lực lượng thống nhất trên trường quốc tế là rất khó khăn, ngay cả khi BRICS chỉ có 5 thành viên. Với 9 quốc gia thành viên, và có thể nhiều hơn nữa, việc thiết lập một bản sắc và chương trình nghị sự chung sẽ đòi hỏi nỗ lực bền bỉ.

Các nhóm đa phương khác không phải là các tổ chức chính thức, dựa trên điều lệ với các ban thư ký thường trực, chẳng hạn như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay thậm chí Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng phải vật lộn với các chia rẽ nội bộ.

Hơn nữa, BRICS đã chứng minh được khả năng thích ứng và phục hồi đáng kể. Một số nhà phân tích phương Tây đã dự đoán ngay từ đầu rằng nhóm này sẽ tan rã hoặc trôi vào quên lãng. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh BRICS và Hội nghị BRICS mở rộng đang diễn ra tại Kazan (Nga) - Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi nhóm này mở rộng, đã khẳng định sự phát triển không ngừng của nhóm cũng như có thể sẽ thúc đẩy động thái mở rộng hơn nữa của BRICS.

Những thách thức đáng kể

Điều này không có nghĩa là BRICS đánh giá thấp thách thức của sự gắn kết. Thậm chí các thành viên sáng lập của nhóm có lẽ còn chưa thống nhất về các mục tiêu cơ bản của BRICS về việc thách thức trực tiếp với trật tự thế giới của phương Tây hay tìm cách cải cách các thể chế quốc tế hiện có và tránh bất kỳ khuynh hướng chống phương Tây nào.

Với sự bất đồng này, việc mở rộng có thể làm thay đổi cán cân. Sáu trong số 9 thành viên, bao gồm cả 4 thành viên mới, chính thức là một phần của phong trào không liên kết, và hai thành viên (Brazil và Trung Quốc) là quan sát viên. Điều này cho thấy sẽ có áp lực nội bộ đáng kể đối với BRICS+ để vạch ra một lập trường trung dung, tập trung vào việc dân chủ hóa trật tự toàn cầu, thay vì thách thức phương Tây.

Khi nói đến việc thúc đẩy lòng tin lẫn nhau với các nước đang phát triển, phương Tây gần đây đã gặp bất lợi. Việc vũ khí hóa tài chính và tịch thu tiền lãi kiếm được từ các tài sản ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng đã gây ra sự bất an sâu sắc ở phần còn lại của thế giới.

Kết quả là, ngày càng nhiều quốc gia có vẻ quan tâm đến việc cân nhắc các thỏa thuận thay thế, bao gồm các cơ chế thanh toán xuyên biên giới mới, với một số quốc gia cũng đánh giá lại sự phụ thuộc của họ vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế và tài sản dự trữ.

Tất cả những điều này có thể hỗ trợ cho các kế hoạch lớn hơn của Nga và Trung Quốc, hai đối thủ cạnh tranh của phương Tây. Trung Quốc sẽ được hưởng lợi, chẳng hạn như từ việc quốc tế ngày càng sử dụng CNY. Nga hiện tạo ra phần lớn thu nhập xuất khẩu quốc tế của mình bằng CNY và lưu trữ chúng chủ yếu trong các ngân hàng Trung Quốc, do đó về cơ bản trao cho Trung Quốc một phần lợi nhuận. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc, mà chiến tranh tài chính của phương Tây vô tình hỗ trợ, là thiết lập một hệ thống tài chính thay thế dựa trên CNY.

BRICS đã tham gia vào việc xây dựng thể chế, thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do Ấn Độ sáng lập và có trụ sở chính tại Thượng Hải vào năm 2015. NDB không chỉ là ngân hàng phát triển đa phương đầu tiên trên thế giới do các nền kinh tế mới nổi thành lập và lãnh đạo, đây cũng là ngân hàng duy nhất có các thành viên sáng lập là những cổ đông bình đẳng với tiếng nói bình đẳng, ngay cả khi có nhiều quốc gia tham gia hơn.

Việc mở rộng BRICS đã gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu đáng gờm. Nhóm này lấn át G7, cả về mặt nhân khẩu học (với gần 46% dân số thế giới, so với 8,8% của G7) và kinh tế (chiếm 35% GDP toàn cầu, so với 30% của G7).

Nền kinh tế của các thành viên nhóm này cũng có khả năng là nguồn tăng trưởng toàn cầu quan trọng nhất trong tương lai. Hơn nữa, với việc Iran và UAE đã gia nhập cùng các đối tác sản xuất dầu mỏ của họ là Brazil và Nga, BRICS mở rộng hiện chiếm khoảng 40% sản lượng và xuất khẩu dầu thô.

Về cơ bản, BRICS đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, không chỉ là đoàn kết để trở thành một lực lượng toàn cầu có ý nghĩa với các mục tiêu chính trị và kinh tế được xác định, mặc dù vậy nhóm hứa hẹn tiềm năng đóng vai trò là chất xúc tác cho một cuộc cải tổ quản trị toàn cầu nhằm phản ánh tốt hơn xu thế thực tế của thế kỷ 21.

(theo Japan Times)

Hoài Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tang-suc-nong-brics-duoc-dinh-vi-la-nhan-to-chu-chot-trong-quan-tri-toan-cau-tuong-lai-291180.html