Giá phân bón tăng cao: Chủ động nguồn cung – tăng cường kiểm soát giáTin khácVăn hóa soi đường cho quốc dân đíY nghĩa thiết thực từ cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Cũng như tại nhiều địa phương, giá phân bón tại thị trường Lạng Sơn thời gian này liên tục tăng cao. Hiện giá một số loại phân bón trên thị trường (đạm Urê Hà Bắc, đạm Urê cao cấp, supe lân Lâm Thao, NPK, Kali…) của một số doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp tăng từ 20% – 25% so với cùng thời điểm năm 2021. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Chi phí sản xuất nông nghiệp tăng

Tại Lạng Sơn, nếu như thời điểm tháng 4/2021 phân Urê Hà Bắc có giá hơn 800 nghìn đồng/bao 50 kg thì nay đã tăng lên 980 nghìn đồng/bao 50 kg; phân lân Lâm Thao trước có giá 160 nghìn đồng/bao 25 kg, thì nay tăng lên hơn 200 nghìn đồng/bao 25 kg; phân Kali trước ở mức 360 nghìn đồng/bao 50 kg thì nay tăng lên 452 nghìn đồng/bao 50 kg…

Bà Lý Thị Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp thôn Pò Đứa, xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: HTX chuyên canh rau an toàn trên diện tích hơn 6 ha. Với giá phân bón tăng cao, chi phí sản xuất trong trồng rau đã tăng lên 1,5 – 2 triệu đồng/ha. Điều này khiến giá thành sản phẩm phải tăng theo, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Nông dân huyện Bắc Sơn mua phân bón tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp

Không chỉ các hộ trồng rau mà người nông dân trồng một số loại cây khác cũng gặp khó khăn khi chi phí đầu vào sản xuất tăng cao do giá phân bón tăng. Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đình Lập cho biết: Vụ Xuân năm 2022, huyện gieo trồng hơn 1.300 ha lúa, hơn 700 ha ngô và hơn 400 ha rau màu các loại. Giá phân bón tăng như hiện nay thì chi phí sản xuất tăng khoảng 300 nghìn đồng/sào lúa, tăng 200 nghìn đồng/sào trồng ngô. Đây là thời điểm bà con nông dân đang tập trung chăm sóc các loại cây trồng vụ xuân nhưng do giá phân bón tăng cao nên nhiều bà con nông dân giảm lượng phân bón cho cây, điều này có thể giúp giảm chi phí nhưng do liều lượng phân bón không đủ sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.

Được biết theo kế hoạch, vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng trên 45.106 ha cây trồng các loại, trong đó, lúa 15.000 ha, ngô 13.800 ha… Theo tính toán của ngành NN&PTNT, do giá phân bón tăng cao, tổng chi phí sản xuất thời điểm này của bà con nông dân tăng từ 30 – 35% so với vụ xuân năm trước.

Cần chủ động nguồn cung và kiểm soát giá phân bón

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, nhu cầu sử dụng phân bón của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ 35 – 40 nghìn tấn phân các loại/năm, trong đó, riêng vụ xuân vào khoảng 20 nghìn tấn. Do giá phân bón tăng cao, nhiều cơ sở kinh doanh, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ sẽ không nhập hàng để bán. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phân bón phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Văn Sáu, Trưởng Phòng Thanh tra và Pháp chế, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lạng Sơn cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh có 440 cơ sở kinh doanh phân bón nhưng chiếm phần lớn là cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ nguồn lực cung cấp mặt hàng không lớn. Để đảm bảo nguồn cung về phân bón, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh để chủ động về nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Qua thực tế, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung phân bón cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất, chăm sóc cây trồng của bà con. Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV, hiện nay, các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp lớn trong tỉnh đã chuẩn bị được trên 30.000 tấn phân bón các loại để phục vụ nhu cầu chăm sóc cây trồng vụ xuân năm 2022.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn cho biết, ngay từ đầu năm 2022, công ty đã tính toán nhu cầu thực tế để nhập phân bón phục vụ sản xuất. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, công ty đã thực hiện phân phối gần 10 nghìn tấn phân bón các loại ra thị trường. Song song với đó, thời điểm này, công ty đang tiến hành nhập thêm 5 nghìn tấn phân các loại để phục vụ nhu cầu của bà con nông dân toàn tỉnh.

“Để giảm gánh nặng cho nhà nông, công ty đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bán phân bón theo hình trả chậm trong thời gian từ 5 đến 8 tháng. Qua đó, hiện công ty đã thực hiện bán trả chậm hơn 2 nghìn tấn cho bà con nông dân tại một số huyện như: Chi Lăng, Lộc Bình, Bắc Sơn…” – Ông Nguyễn Thanh Vân cho biết thêm.

Trước thực tế giá phân bón trên thị trường tăng cao, không chỉ chủ động đảm bảo nguồn cung, trong thời gian này, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm soát hoạt động kinh doanh phân bón trên thị trường. Chỉ tính từ tháng 3/2022 đến nay, Phòng Thanh tra và Pháp chế, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã phối hợp với phòng chuyên môn của các huyện, thành phố và lực lượng quản lý thị trường tổ chức kiểm tra 22 cơ sở. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt 2 cơ sở ở Chi Lăng và Bình Gia về lỗi không niêm yết giá.

Từ nay đến hết tháng 6/2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, thành và lực lượng chức năng liên quan tiến hành kiểm tra 32 cở sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV trên toàn tỉnh. Đặc biệt, theo Trưởng phòng Thanh tra và Pháp chế, Chi cục Trồng trọt và BVTV, năm nay, công tác quản lý chất lượng và giá bán phân bón được thực hiện rất chặt chẽ. Các cấp, ngành liên quan đã tích cực kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất. Gắn với đó là tiến hành lấy mẫu, lưu mẫu phân bón để phân tích, đảm chất lượng phục vụ sản xuất.

Liên quan đến công tác kiểm soát giá phân bón trên thị trường, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Trước tình hình giá mặt hàng phân bón tăng cao, từ tháng 3/2022, Cục QLTT tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón. Theo đó, các đội QLTT trực thuộc đã tổ chức kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh phân bón. Qua kiểm tra, các cơ sở đều chấp hành tốt việc lưu thông hàng hóa, sản phẩm có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn có 5 cơ sở vi phạm về không niêm yết giá (cơ quan chức năng đã xử phạt 1 cơ sở và nhắc nhở 4 cơ sở). Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 12/2022, lực lượng QLTT sẽ tổ chức kiểm tra 102 cơ sở kinh doanh phân bón. Đây là năm mà số cơ sở kinh doanh phân bón được tổ chức kiểm tra nhiều nhất từ trước đến nay.

Trước tình hình giá phân bón trên thị trường tăng cao, các cấp, ngành, các doanh nghiệp cần tiếp tục đồng hành cùng với bà con nông dân. Đặc biệt, chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện bình ổn giá phân bón; các doanh nghiệp chủ động hỗ trợ, chia sẻ với người nông dân bằng việc cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm … Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón một cách tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn bà con ứng dụng công nghệ trong việc tận dụng một số phế phẩm trong nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó giúp bà con nông dân trên tiết kiệm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương

“Phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, trong năm 2021, khi giá mặt hàng này tăng, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá và thực hiện lựa chọn Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn tham gia chương trình bình ổn giá mặt hàng vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh; qua đó, giá phân bón được bán thấp hơn 5% so với giá thị trường. Để tiếp tục bình ổn mặt hàng vật tư nông nghiệp, trong đó có bình ổn giá phân bón, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với một số doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, thực hiện ký kết cùng với tỉnh tham gia bình ổn mặt hàng vật tư nông nghiệp, cùng đó xem xét bố trí kinh phí cho doanh nghiệp vay 0% lãi suất để thực hiện bán phân bón giảm giá cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh”.

Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lạng Sơn

“Trong trồng trọt, chi phí mua phân bón chiếm đến hơn 50% chi phí sản xuất. Vì vậy, trước tình hình giá cả phân bón tăng cao để sử dụng phân bón vừa tiết kiệm, vừa đem lại hiệu quả cao, người nông dân nên chú ý bón phân theo nguyên tắc “5 đúng” (bón đúng chủng loại, bón đúng nhu cầu sinh lý của cây, bón đúng nhu cầu sinh thái, bón đúng vụ và thời tiết, bón đúng phương pháp). Hiện nay, cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, bà con tiến hành bón phân tập trung và lưu ý bón đúng, bón đủ 3 loại chính là đạm, lân và kali. Đối với tất cả các loại cây trồng, bà con lưu ý tránh bón phân vào ngày mưa to (nước mưa rửa trôi phân), còn ngày nắng to cần tiến hành bổ hốc, rãnh để bón phân để hạn chế phân bốc hơi. Trong thời điểm giá phân bón tăng, để giảm chi phí sản xuất, nông dân nên sử dụng các loại phân bón thay thế cho phân bón hóa học”.

TRÍ DŨNG

MAI TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-de-hom-nay/500267-gia-phan-bon-tang-cao-chu-dong-nguon-cung-tang-cuong-kiem-soat-gia.html