Giả mạo các thương hiệu gà rán gây thiệt hại, xử lý thế nào?
Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok gần đây xuất hiện nhiều tài khoản mạo danh các thương hiệu gà rán nổi tiếng lan truyền thông tin sai lệnh, gây hiểu lầm cho khách hàng… Hành vi này có vi phạm pháp luật không? Chế tài xử lý thế nào?
Bạn đọc Mai Hồng Vũ hỏi: Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok xuất hiện nhiều tài khoản mạo danh các thương hiệu gà rán nổi tiếng. Các tài khoản này sử dụng tên và logo tương tự nhãn hàng, sau đó đi bình luận ở nhiều video với nội dung liên quan chương trình khuyến mãi, phát ngôn mang tính so sánh với đối thủ, hoặc bình luận mang tính gây tranh cãi, thậm chí xúc phạm người khác… gây hiểu lầm. Hành vi này bị xử phạt ra sao?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Huế, Trưởng phòng tranh tụng Công ty luật XTVN (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) trả lời:
Đối với hành vi giả mạo các nhãn hàng, sử dụng tên và logo tương tự nhãn hàng gà rán nổi tiếng để phát ngôn các nội dung làm ảnh hưởng và thiệt hại đến nhãn hàng dưới nhiều hình thức là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Luật sư Nguyễn Thị Huế
Biện pháp dân sự
Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Việc áp dụng biện pháp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Cụ thể theo khoản 1 Điều 57 Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn: Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.
Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.
Như vậy, nhãn hàng có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm ảnh hưởng danh tiếng, uy tín của nhãn hàng.
Biện pháp hành chính
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Luật sở hữu trí tuệ: Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, UBND các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Cụ thể theo khoản 1 Điều 57 Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn: Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.
Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo quy định tại khoản 15 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.
Biện pháp hình sự
Giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp” (Điều 226 BLHS) hoặc tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” (Điều 192 BLHS).
Trong trường hợp xác định cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng Sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì sẽ bị xử lý về tội “Xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp”.
Còn nếu hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền Sở hữu công nghiệp và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.