Gia Lai tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh trong tình hình mới
Chiều 10/9, Ban ATGT tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Thực trạng đáng báo động
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, tính từ năm 2023 đến 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh này ghi nhận 670 vụ TNGT, trong đó có 188 vụ liên quan đến học sinh, chiếm trên 28% tổng số vụ.
Theo Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) cho biết, tại Việt Nam, có khoảng 17 triệu trẻ em di chuyển từ 2 - 4 lần từ nhà đến trường và ngược lại mỗi ngày. Tình trạng TNGT đối với trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là khi điều kiện hạ tầng giao thông chưa được đảm bảo.
Đáng chú ý, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại huyện Chư Prông đã cướp đi sinh mạng 4 học sinh. Pleiku, Chư Prông, Mang Yang, Đức Cơ và Đắk Đoa là những địa phương có tỷ lệ TNGT học đường lệ cao nhất
Thống kê cũng cho thấy, 7 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện và xử lý hơn 1.300 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông, tạm giữ hơn 1.000 mô tô và 241 giấy tờ các loại; phạt cảnh cáo 398 trường hợp, phạt tiền 718 trường hợp với số tiền gần 882 triệu đồng.
Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho rằng, tỉnh này đang đối mặt với thực trạng đáng báo động về tình hình trật tự, ATGT trong lứa tuổi học sinh. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, đòi hỏi các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay tìm kiếm giải pháp hiệu quả, bảo vệ thế hệ trẻ.
Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai nhận định, nguyên nhân chính là do nhận thức, ý thức tham gia giao thông của các đối tượng trong lứa tuổi học sinh còn kém.
Công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm với đối tượng này tại một số địa phương còn chưa thường xuyên, quyết liệt. Sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, răn đe còn chưa mang lại hiệu quả, thực chất. Việc giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.
Ông Dũng cho biết tình trạng phụ huynh giao phương tiện cho con điều khiển tham gia giao thông mà chưa đủ điều kiện đang diễn ra phổ biến. Điều này đã gia tăng nguy cơ TNGT và làm ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.
Trong khi đó, Công an tỉnh Gia Lai cũng chỉ ra thực trạng nhiều học sinh cấp trung học cơ sở sử dụng xe điện; học sinh trung học phổ thông điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, gây khó khăn trong quản lý và tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng việc tuyên truyền pháp luật về ATGT trong nhà trường, khu dân cư vẫn còn mang tính hình thức, chưa thiết thực. Các phụ huynh học sinh giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện để điều khiển tức là vô tình hại con của mình.
Giải pháp nào cho bài toán nan giải?
Tăng cường xử phạt
Lực lượng CSGT công an tỉnh Gia Lai phát hiện và xử lý hơn 1.300 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông, tạm giữ hơn 1.000 mô tô và 241 giấy tờ các loại; phạt cảnh cáo 398 trường hợp, phạt tiền 718 trường hợp với số tiền gần 882 triệu đồng.
Tại Hội nghị "Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai" nhiều giải pháp thiết thực đã được đưa ra.
Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Phòng CSGT đã thành lập 4 tổ chuyên đề cấp tỉnh để tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm tại các tuyến quốc lộ trọng điểm. Các tổ chuyên đề sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên sử dụng xe mô tô tuần tra lưu động để phát hiện vi phạm, tập trung vào thanh thiếu niên, học sinh.
Liên quan đến việc quản lý học sinh trong nhà trường, ông Trần Bá Công, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai nhấn mạnh trong năm học mới 2023-2024, Sở đẩy mạnh các chương trình giáo dục ATGT cho học sinh. Trong đó, đổi mới phương pháp tuyên truyền thông qua các buổi tuyên truyền, hội thảo và hoạt động ngoại khóa.
"Đưa nội dung bảo đảm trật tự ATGT vào tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các phòng giáo dục và đào tạo và trường học. Đồng thời, duy trì hiệu quả mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" và làm tốt mô hình Nhà trường - Gia đình - Xã hội để nâng cao chất lượng các giải pháp bảo đảm ATGT trong trường học trong năm học này và các năm học tiếp theo", ông Công nêu giải pháp.
Ông Đoàn Hữu Dũng, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề ATGT học đường phù hợp với tình hình mới đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp, ngành, cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho học sinh. Tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, đặc biệt là các hành vi điều khiển xe không đủ điều kiện. Đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông khu vực trường học để bảo đảm an toàn cho học sinh.
Quỹ AIP đã hỗ trợ nhiều chương trình và đem đến các giải pháp giúp giảm thiểu TNGT đối với trẻ em tại Việt Nam, như Dự án "Giảm tốc độ - Trường học an toàn"; Chiến dịch "Xe đạp đến trường…
Tại Gia Lai, AIP đã tài trợ dự án "Giảm tốc độ - Trường học an toàn" tại thành phố Pleiku. Qua đó, cải tạo hạ tầng đảm bảo ATGT trước khu vực cổng trường học ở 40/46 trường Tiểu học – Trung học cơ sở. Từ đầu năm 2023 đến nay, Quỹ AIP còn tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng đi xe đạp an toàn cho hơn 18.000 học sinh tại 19 trường THCS.
Năm 2024, Quỹ AIP sẽ tiếp tục tài trợ hơn 1,9 tỷ đồng cho Dự án "Đạp xe đến trường an toàn", triển khai tại 12 trường học trên địa bàn huyện Phú Thiện. Theo đó, dự án sẽ phát triển thiết bị định vị GPS và ứng dụng BIKE SAFELY; Khảo sát tuyến đường học sinh đi xe đạp đến trường thông qua thiết bị định vị GPS và tổ chức giáo dục kỹ năng đi xe đạp an toàn cho học sinh.