Gia Lai: Cải cách tư pháp góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực

Cải cách tư pháp (CCTP) là một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm hiện đại hóa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Gia Lai tổ chức mới đây.

Đánh giá về công tác CCTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung-Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh-nhận định: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCTP bám sát yêu cầu của trung ương và địa phương. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Quang cảnh phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Quang cảnh phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nhờ tập trung CCTP nên tình trạng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp sâu vào công tác chuyên môn trái quy định của pháp luật đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp đã cơ bản được khắc phục. Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, quản lý tội phạm, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, xét xử các vụ án ngày càng được nâng cao cũng như khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự; hoạt động tranh tụng ở các phiên tòa có hiệu quả, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Đại tá Dương Văn Long-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: “Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện chương trình trọng tâm công tác CCTP năm 2022; tham gia vào Đề án “CCTP trong Cơ quan Điều tra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Cùng với đó, Công an tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm”. Cũng theo Đại tá Dương Văn Long, trong 7 tháng năm 2022, Cơ quan Điều tra 2 cấp đã thụ lý giải quyết hơn 1.200 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; đã giải quyết 924 tin, thụ lý điều tra 926 vụ/1.330 bị can. Công an tỉnh đã tập trung điều tra làm rõ các vụ án, vụ việc phức tạp, nổi cộm, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo như: vụ “Tham ô tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Nội vụ; vụ Bùi Thị Nguyên Sáng (Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh) phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…

Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Trong 7 tháng năm 2022, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp phối hợp với Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Tòa án nhân dân tổ chức 72 cuộc giao ban định kỳ của cơ quan tư pháp để bàn biện pháp giải quyết vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, xác định 55 vụ án điểm, 3 vụ án theo thủ tục rút gọn; yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra khởi tố 2 vụ/3 bị can, ban hành 142 kiến nghị và 25 kháng nghị; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 83 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP và 56 phiên tòa xét xử áp dụng số hóa hồ sơ vụ án, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh.

Đối với hoạt động xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phạm Duy Lam thông tin: “Để công tác xét xử đúng quy định, chúng tôi đã tăng cường bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; tiến hành kiểm tra 8 tòa án cấp huyện và phát hiện một số tồn tại, hạn chế, qua đó kịp thời chấn chỉnh”. Trong 7 tháng năm 2022, hệ thống Tòa án nhân dân đã thụ lý 5.700 vụ và giải quyết xong 3.367 vụ việc; trong đó, án hình sự xét xử đạt 68,6%. Các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, mức hình phạt đã tuyên tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, có tác dụng răn đe, giáo dục. Bên cạnh đó, công tác thi hành án cũng có những chuyển biến tích cực. Cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp đã thụ lý, giải quyết 13.405 việc với số tiền 2.270 tỷ đồng; đã giải quyết xong 4.247 việc với số tiền 284 tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả công tác CCTP trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung yêu cầu: Cấp ủy các cấp tăng cường sự lãnh đạo toàn diện đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp, khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra hoạt động của các cơ quan tư pháp, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, các cơ quan tư pháp khẩn trương điều tra, truy tố và xét xử các vụ án, vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án, vụ việc liên quan đến kinh tế, tham nhũng. Những kết quả đạt được trong công tác CCTP sẽ góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

VĨNH HOÀNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12375/202209/gia-lai-cai-cach-tu-phap-gop-phan-han-che-tham-nhung-tieu-cuc-5789356/