Giá điện hiện nay: Nguy cơ lợi nhuận của Nhà nước thành của doanh nghiệp

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc chưa xây dựng được thị trường cạnh tranh trong ngành điện dẫn đến nhiều hệ lụy; nguy cơ lợi nhuận của Nhà nước biến thành lợi nhuận doanh nghiệp và trở thành kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực...

Nhiều hệ lụy từ thiếu thị trường điện cạnh tranh

Ngày 6/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh: Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, giá điện ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát và tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, việc chưa xây dựng được thị trường cạnh tranh trong ngành điện dẫn đến nhiều hệ lụy; nguy cơ lợi nhuận của Nhà nước biến thành lợi nhuận doanh nghiệp và trở thành kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực.

Ông Phong kiến nghị, khi chưa có thị trường điện cạnh tranh, Việt Nam cần quản lý chặt chẽ, minh bạch giá năng lượng, tăng kiểm soát chi phí đầu vào và chi phí môi trường đối với hoạt động sản xuất năng lượng, đảm bảm giá cả hợp lý.

"Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch năng lượng, khuyến khích phát triển không giới hạn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện mặt trời...; xây dựng đội ngũ điều độ hệ thống điện chất lượng cao; đãi ngộ tốt. Bởi khi thị trường mua bán điện chưa được minh bạch, đây là nơi dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng nhất", ông Phong bày tỏ.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang thiếu thị trường điện cạnh.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang thiếu thị trường điện cạnh.

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, vấn đề lớn ngành điện Việt Nam đang gặp phải là chưa xây dựng được thị trường cạnh tranh. Hiện tại, giá điện vẫn nặng tính hành chính, bao cấp, dẫn tới việc khó thu hút đầu tư. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - doanh nghiệp Nhà nước hiện lỗ lũy kế lên tới hơn 52.000 tỷ đồng, điều này khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư vào ngành điện.

Theo ông Thiên, việc này xuất phát từ chi phí đầu vào cao, nhưng giá điện của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới, khoảng 2.203 đồng/kWh. Trong khi đó, ở Trung Quốc, giá điện là 2.780 đồng/kWh, Thái Lan là 3.273 đồng/kWh, ở Mỹ hơn 9.000 đồng/kWh.

"Giá điện thấp, ai hưởng lợi?", ông Thiên đặt câu hỏi và cho rằng, với người nghèo, có thể họ chi trả ít tiền hơn nhưng mức độ tiêu thụ ít nên chắc chắn không có ý nghĩa nhiều.

"Giá điện của Việt Nam thấp chỉ có lợi cho những doanh nghiệp sử dụng điện nhiều và đầu tư cho công nghệ hạn chế. Điều này cũng khiến làn sóng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI, chủ yếu công nghệ thấp) mấy chục năm qua vào nước ta, trong khi chúng ta tốn nguồn tài nguyên rất lớn", ông Thiên nói.

Nguy cơ thiếu điện

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sắp tới sẽ tăng đột biến, đặc biệt là khi nước ta đang thu hút đầu tư mạnh mẽ của các ngành công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực tiêu thụ điện rất lớn.

Một nhà máy chip bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) tiêu thụ điện bằng 1/10 tổng số điện tiêu thụ của Việt Nam. Chưa kể, giai đoạn tới Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, nếu không thay đổi kịch bản tăng trưởng năng lượng và có giải pháp phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, nguy cơ thiếu điện trầm trọng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế.

PGS, TS. Trần Đình Thiên chỉ ra việc giá điện Việt Nam và mức độ sử dụng hiệu quả ở mức thấp trên thế giới.

PGS, TS. Trần Đình Thiên chỉ ra việc giá điện Việt Nam và mức độ sử dụng hiệu quả ở mức thấp trên thế giới.

"Bài học về giá điện FIT năng lượng tái tái tạo, nhất là ở Ninh Thuận cho thấy, khi giá điện xây dựng bị tắc dẫn đến bao nhiêu dự án không thể đưa vào vận hành, gây lãng phí tài nguyên, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng niềm tin nhà đầu tư”, ông Thiên nói.

Để giá điện thực sự mang tính thị trường, ông Thiên đề xuất cần tách bạch vai trò giữa nhà nước và thị trường; đồng thời khẩn trương triển khai cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá theo sản lượng tiêu thụ). Cơ chế này không chỉ khuyến khích đầu tư vào năng lượng mà còn giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, cân bằng cung cầu và giảm áp lực lên hệ thống năng lượng quốc gia.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-dien-hien-nay-nguy-co-loi-nhuan-cua-nha-nuoc-thanh-cua-doanh-nghiep-post1698145.tpo