Ghi dấu một thời để nhớ

Tròn 18 năm kể từ ngày thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội đã trình làng tập sách ảnh 'Việt Nam quê hương tôi'. Cuốn sách tập hợp 200 tác phẩm ghi lại những hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật, đây còn là tư liệu sống ghi dấu hành trình một thời để nhớ mà các nhiếp ảnh gia đã đi qua.

Tác phẩm “Chiều Trường Sa”. Ảnh: Vũ Văn Cảnh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Văn Phúc, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội cho biết, CLB ra đời từ năm 2000. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã quy tụ 34 nghệ sĩ và thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác. Nhiều tác phẩm của các thành viên CLB gửi tham gia các cuộc thi, triển lãm ảnh trong và ngoài nước. CLB còn tổ chức được 12 cuộc triển lãm “Hà Nội trong tôi”, với sự đồng hành của báo Kinh tế và Đô thị.

“Việt Nam quê hương tôi” là cuốn sách ảnh đầu tiên của CLB có ý nghĩa như là sự tổng kết sau một chặng đường hoạt động của CLB. Nó cũng như một dấu mốc khẳng định sự dấn thân, say nghề và đam mê mãnh liệt của các nghệ sĩ tên tuổi như: Đinh Đăng Định, Nguyễn Đình Ưu, Trịnh Hải, Văn Phúc, Nguyễn Ngọc Văn, Thái Ngọc Linh, Tất Lộc, Hữu Nền, Vũ Văn Cảnh, Hoàng Như Thính, Nguyễn Anh Tuấn...

200 tác phẩm được giới thiệu trong tập sách là những khoảnh khắc đẹp về đất nước, con người Việt Nam từ xưa tới nay, từ miền núi đến đồng bằng, từ phố xá, thị thành đến những miền quê... Người xem như được trở về với Hà Nội xưa qua những bức ảnh đen trắng “Sương sớm cầu Thê Húc - hồ Gươm”, “Mái nhà xưa” của lão nghệ sĩ Lê Vượng (người đã được vinh danh với giải thưởng Vì tình yêu Hà Nội) hay “Gác chuông chùa Trăm gian”, “Một nét quê hương”, “Cổng đền Ngọc Sơn” của NSNA Nguyễn Nhưng - E.VAPA (tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc); được hòa trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của vịnh Hạ Long, biển Nha Trang, mùa nước đổ ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, động Thiên Đường ở Quảng Bình, tháp Poklon Garai ở Ninh Thuận; rộn rã trong sắc màu của lễ hội thi nấu cơm ở Bắc Ninh, lễ hội đình Ngọc Hà, mùa xuân vùng cao, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22...

Không chỉ có cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên, danh thắng, “Việt Nam quê hương tôi” còn in dấu những khoảnh khắc đã đi vào lịch sử trong tác phẩm “Trên đường hành quân”, “Chiến đấu bảo vệ Cầu Giẽ” của tác giả Thái Ngọc Linh; “Hà Nội mùa hè 1972” của Nguyễn Hữu Vinh. Sự đổi thay của đất nước cũng đã được phản chiếu trong nhiều tác phẩm như: “Khởi công nhà máy thủy điện Lai Châu”, “Tổ hợp chân đế giàn khoan dầu khí Vũng Tàu” của tác giả Trần Nguyên; “Góc nhìn cầu Nhật Tân” của Trần Đình Hưng hay “Công việc trên cao”, “Thanh bình đêm Hà Nội” của tay máy Đặng Văn Linh... Và, không thể không nhắc tới trong cuốn sách, đó là bóng dáng của con người được in dấu trong những nụ cười hiền hậu, chất phác của người lao động, của những nghệ nhân làng nghề; trong ánh mắt thơ ngây của những em nhỏ; trong hình ảnh những chiến sĩ trẻ đêm ngày giữ bình yên cho Tổ quốc nơi quần đảo Trường Sa...

Mỗi một tấm ảnh có thể coi là một minh chứng cho tình yêu đất nước, quê hương, niềm đam mê và cả những trải nghiệm trong cuộc đời người nghệ sĩ. Nó cũng cho thấy những nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật của từng tác giả. Như chia sẻ của ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị - đơn vị đã đồng hành với CLB trong suốt gần hai thập niên qua thì tập sách này chính là tấm gương về lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ cao niên - tấm gương về nhiệt huyết, đam mê và khát khao được sáng tác và cống hiến. Đó cũng là biểu tượng đẹp về tình yêu không có tuổi dành cho nhiếp ảnh, cho đất và người Hà Nội, Việt Nam.

Gia Phú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ghi-dau-mot-thoi-de-nho/