Gaza chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi Israel tiếp tục tấn công

Nỗ lực phân phối viện trợ cho người Palestine phải di tản đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong bối cảnh các hoạt động quân sự mà Israel tiến hành tại Rafah cũng như các khu vực khác tại Gaza vẫn tiếp diễn và các cuộc thỏa thuận ngừng bắn đình trệ.

Trại tị nạn tại Deir al Balah, Gaza ngày 12/5/2024. Ảnh: AP

Trại tị nạn tại Deir al Balah, Gaza ngày 12/5/2024. Ảnh: AP

Trong những ngày gần đây, quân đội Israel đang tăng cường nỗ lực tấn công vào Rafah, đồng thời đẩy mạnh việc sơ tán người dân khỏi các khu vực của thành phố bất chấp sự phản đối quốc tế. Nước này khẳng định đây chỉ là hoạt động quân sự hạn chế nhằm tập trung vào việc phá hủy các đường hầm và cơ sở hạ tầng khác của lực lượng Hamas.

Hãng tin AP dẫn lời Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine ngày 13/5 cho biết có khoảng 360.000 người Palestine trong số 1,3 triệu người đang trú ẩn tại đây đã chạy trốn khỏi Rafah trong tuần qua. Ở phía bắc Gaza, phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết khoảng 100.000 người Palestine khác cũng phải di dời sau lệnh sơ tán của Israel. Các con số này đồng nghĩa khoảng 1/5 dân số 2,3 triệu người của Gaza đã phải di dời trong tuần qua do giao tranh.

Tình hình nhân đạo cũng không có nhiều cải thiện cả tại Rafah lẫn các khu vực khác trên khắp Gaza, đặc biệt là trong bối cảnh không có thực phẩm được đưa vào 2 cửa khẩu chính ở miền nam Gaza trong tuần qua do giao tranh.

Cửa khẩu Rafah tiếp giáp với Ai Cập đã bị đóng cửa kể từ khi quân đội Israel chiếm giữ nó một tuần trước. Giao tranh ở thành phố này khiến các nhóm viện trợ không thể tiếp cận cửa khẩu Kerem Shalom gần đó với Israel bất chấp việc nước này khẳng định đang cho phép các xe tải tiếp tế đi qua.

Tính tới hiện tại, Abeer Etefa, phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, cho biết tổ chức này đang dựa vào nguồn viện trợ thực phẩm từ kho dự trữ còn lại của mình tại các khu vực Khan Younis ở phía nam và Deir al-Balah xa hơn về phía bắc, nơi nhiều người sơ tán từ Rafah.

Bên trong Rafah, chỉ còn 2 tổ chức hợp tác với WFP là vẫn có thể phân phối thực phẩm. Nhìn chung, bà cho biết “phần lớn việc phân phối đã dừng lại do lệnh sơ tán, di dời và hết lương thực”.

Cùng với nguy cơ thiếu lương thực và viện trợ, người dân Palestine tại Gaza còn chịu nguy cơ tới từ dịch bệnh và thiếu chăm sóc y tế.

Giám đốc Bệnh viện Kuwait Sohaib al-Hams, một trong những trung tâm y tế còn hoạt động cuối cùng ở Rafah, cho biết nhân viên y tế và người dân sống gần cơ sở đã được yêu cầu sơ tán. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng bất kỳ cuộc sơ tán nào khỏi bệnh viện sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc”.

Trong khi đó, tổ chức từ thiện quốc tế Oxfam cảnh báo về dịch bệnh bùng phát ở Gaza sau thiệt hại ước tính trị giá 210 triệu USD đối với cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh do ảnh hưởng của giao tranh.

Kể từ ngày 7/10/2023 khi xung đột Israel – Hamas nổ ra, Bộ Y tế Gaza cho biết đã có hơn 35.000 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng và nhiều người phải liên tục sơ tán khỏi nơi diễn ra giao tranh.

Các cuộc đàm phán ngừng bắn kéo dài nhiều tháng cũng không ghi nhận tiến triển đáng kể. Israel đã từ chối yêu cầu chính của Hamas về việc chấm dứt giao tranh và rút quân khỏi Gaza hoàn toàn với nguyên nhân việc này sẽ cho phép nhóm chiến binh này giành lại quyền kiểm soát và tiến hành thêm các cuộc tấn công giống như ngày 7/10 trước đó.

Quan hệ Mỹ - Israel cũng ngày một căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ không cung cấp vũ khí nếu Israel tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah.

Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 12/5 vừa qua cũng chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tấn công của Israel tại Gaza. Theo ông, chiến dịch quân sự của Israel tại thành phố Rafah tuy có thể đạt được “một số thành công ban đầu” nhưng có nguy cơ “gây tổn hại khủng khiếp” cho người dân trong khi không giải quyết được vấn đề “mà cả hai quốc gia đều muốn giải quyết, đó là đảm bảo rằng Hamas không thể cầm quyền tại Gaza một lần nữa”.

Tính tới hiện tại, Mỹ vẫn hợp tác tích cực với các quốc gia Ả Rập cũng như các nước khác trong nhiều tuần để phát triển “các kế hoạch đáng tin cậy về an ninh, quản trị và tái thiết” ở Gaza. Tuy nhiên, ông cho biết: “Chúng tôi chưa thấy những điều này từ phía Israel”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng chỉ trích “sự mất mát khủng khiếp về sinh mạng của thường dân vô tội” gây ra bởi các cuộc tấn công của Israel khi tuyên bố: “Về việc sử dụng vũ khí và những lo ngại liên quan tới những thiệt hại lên trẻ em, phụ nữ và nam giới, có cơ sở để đánh giá rằng trong một số trường hợp nhất định, Israel đã hành động theo những cách không phù hợp với luật nhân đạo quốc tế”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gaza-chim-trong-khung-hoang-nhan-dao-khi-israel-tiep-tuc-tan-cong-post34581.html