Gặp gỡ Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Đăng Kính

Sân trường Tiểu học Việt Nam-Cuba rộn ràng cờ hoa và ngập sắc đỏ cờ đỏ sao vàng. Hôm nay, trường học còn đặc biệt hân hoan hơn những ngày thường khi được đón Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Đăng Kính, do cách đánh và sự dũng cảm của mình mà còn được trìu mến gọi với biệt danh 'Hoàng tử của bầu trời'.

Sân trường Tiểu học Việt Nam-Cuba ngập sắc cờ đỏ sao vàng. (Ảnh: HNV)

Sân trường Tiểu học Việt Nam-Cuba ngập sắc cờ đỏ sao vàng. (Ảnh: HNV)

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Nam-Cuba (Ba Đình, Hà Nội) Nguyễn Thị Tố Trinh khẳng định, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa với mốc son kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Những hoạt động trải nghiệm như thế này được nhà trường tổ chức thường xuyên vào thứ hai nhân các buổi chào cờ đầu tuần.

“Hôm nay là ngày 28/4, chỉ 2 ngày nữa là đúng ngày kỷ niệm 30/4, do đó, Ban giám hiệu nhà trường tổ chức hoạt động gặp gỡ, giao lưu với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng, phi công “Hoàng tử của bầu trời” Nguyễn Đăng Kính nhằm giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước, luôn luôn nhớ về truyền thống của cha ông. Tại sự kiện này, các học sinh không chỉ được rèn luyện về trí tuệ, kỹ năng mà còn được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tố Trinh nói.

Hôm nay là ngày 28/4, chỉ 2 ngày nữa là đúng ngày kỷ niệm 30/4, do đó, Ban giám hiệu nhà trường tổ chức hoạt động gặp gỡ, giao lưu với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng, phi công “Hoàng tử của bầu trời” Nguyễn Đăng Kính nhằm giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước, luôn luôn nhớ về truyền thống của cha ông. Tại sự kiện này, các học sinh không chỉ được rèn luyện về trí tuệ, kỹ năng mà còn được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Nam-Cuba Nguyễn Thị Tố Trinh

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính sinh năm 1941 trong một vùng quê hiếu học ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Cha ông là một người nông dân yêu nước, từng tham gia du kích chiến đấu chống Pháp. Năm 1959, ông vào bộ đội radar pháo binh, sau đó, chuyển sang phi công.

Đến năm 1961, ông được chọn đi học lái máy bay tiêm kích ở Liên Xô-lớp học lái tiêm kích đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô (các lớp trước học ở Trung Quốc).

Lớp gồm 40 người, do đồng chí Nguyễn Hồng Nhị là Đoàn trưởng, trong số các học viên còn có đồng chí Phạm Thanh Ngân (sau này là Thượng tướng, Anh hùng không quân), đồng chí Nguyễn Văn Cốc (sau này là Trung tướng, Anh hùng không quân) theo học cùng.

Lan tỏa tinh thần tự hào non sông. (Ảnh: HNV)

Lan tỏa tinh thần tự hào non sông. (Ảnh: HNV)

Năm 1964, ông hoàn thành chương trình đào tạo, về nước nhận nhiệm vụ. Trải qua 4 tháng ở Việt Nam, ông cùng 15 người khác lại đến Liên Xô để học thêm về lái MiG-21. Mãi đến tháng 10/1965, ông mới về nước hoàn toàn và được biên chế vào Trung đoàn Không quân 921.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính là một trong những phi công có nhiều giờ bay nhất, từng 3 lần bị thương khi chiến đấu, thậm chí còn từng phải nhảy dù thoát thân vì máy bay bị bắn rơi.

Ông cũng là số ít phi công lập hàng loạt chiến công vang dội khi bắn rơi 6 máy bay thuộc các loại Thần Sấm, Con Ma, máy bay trinh sát không người lái, máy bay E.B66 của Không lực Hoa Kỳ.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính và đại diện giáo viên, học sinh trường Tiểu học Việt Nam-Cuba trong chương trình giao lưu. (Ảnh: HNV)

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính và đại diện giáo viên, học sinh trường Tiểu học Việt Nam-Cuba trong chương trình giao lưu. (Ảnh: HNV)

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính chia sẻ, trong 6 lần đánh rơi máy bay địch, có hai trận đánh để lại trong ông ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. Đó là trận đánh ngày 19/11/1967 và trận đánh 14/10/1968. “Đây là hai trận đấu liên tục gặp sự gây nhiễu của địch và điều kiện chiến đấu phức tạp. Khi đó, các máy bay địch rất nhiều và mình cũng bị mai phục bởi ba biên đội tiêm kích của địch bảo vệ vùng trước, vùng giữa, vùng sau, radar máy bay của tôi khi đó bị nhiễu nên tôi đã dùng mắt thường quan sát, phát hiện điểm yếu và đối tượng mục tiêu của địch. Thực tế, phía ta cũng đã bàn thảo, lên kế hoạch trước đó để khi bay lên địch không thể phát hiện được, thiết lập yếu tố tấn công bất ngờ để phía địch không kịp trở tay”, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính kể.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính và cuốn sổ nhật ký bay luôn cầm bên người. (Ảnh: HNV)

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính và cuốn sổ nhật ký bay luôn cầm bên người. (Ảnh: HNV)

Khoe với chúng tôi cuốn nhật ký bay từ những ngày đầu của mình mà ông luôn mang theo người, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính tâm sự, đây là kỷ vật nhắc nhở ông về những tháng ngày sống, chiến đấu có cả máu và nước mắt nhưng đầy tinh thần quyết chiến, quyết tử cho độc lập của dân tộc, hòa bình của quê hương, thống nhất của đất nước.

Nhắn gửi tới các bạn trẻ, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính cho rằng, khép quá khứ, hướng về tương lai nhưng vẫn phải ghi nhớ truyền thống lịch sử.

“Tôi mong rằng các em học sinh tuổi nhỏ thì làm tốt nhiệm vụ học hành, nêu cao khả năng tập trung học tập tốt, sau này lớn lên lại tiếp tục trau dồi rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội”, ông Nguyễn Đăng Kính nói.

Tôi mong rằng các em học sinh tuổi nhỏ thì làm tốt nhiệm vụ học hành, nêu cao khả năng tập trung học tập tốt, sau này lớn lên lại tiếp tục trau dồi rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Đăng Kính

Ông cũng nhấn mạnh, “con người rồi đều phải đối mặt với cái chết nhưng quan trọng hơn cả vẫn là phải sống và sống có trách nhiệm như thế nào”. Ba lần nhảy dù và những lần đó xác định bản thân là “mồi nhử” để dụ địch vào bẫy rồi tấn công, đã bị thương, cột sống bị ảnh hưởng, là thương binh 25%, người lính Cụ Hồ đó vẫn cười thật hiền khi được hỏi, mỗi lần lên máy bay chiến đấu là xác định cửa tử, cũng sợ hãi nhưng trên hết, vượt lên nỗi sợ là quyết tâm phải tiêu diệt máy bay địch, hỗ trợ các đồng đội đang chiến đấu vì nền độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quê hương, đất nước.

“Sợ thì rất sợ nhưng vượt lên trên nỗi sợ đó là trách nhiệm vì tập thể, vì đồng đội, vì quê hương”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đăng Kính khẳng định.

Người lính, cựu chiến binh đó còn vẫn giữ nguyên tác phong điều lệnh, điều lệ, ngay cả khi được hỏi về việc tham gia giao lưu với các em học sinh của trường Tiểu học Việt Nam-Cuba, dù yêu trẻ và mong muốn truyền tải thông điệp cách mạng tới người trẻ, ông vẫn đáp ứng nghiêm chỉnh quy định trong quân đội, nhờ nhà trường báo cáo đơn vị cũ để tham gia, bảo đảm đúng quy tắc cho phép tướng lĩnh quân đội đi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi.

Các em học sinh trường Tiểu học Việt Nam-Cuba đã vỗ tay liên tục khi được “Hoàng tử của bầu trời” kể câu chuyện chiến đấu của ông và đồng đội đồng thời cũng đã reo hò, vây quanh khi ông kết thúc phần giao lưu trên sâu khấu.

Được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1994, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính đã được trao nhiều danh hiệu và huy chương cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2010), Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, 6 huy hiệu Bác Hồ.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gap-go-thieu-tuong-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-phi-cong-nguyen-dang-kinh-post875916.html