Gắn đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp
PTĐT- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra nhiệm vụ 'Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo'...

Tiết thực hành của học sinh ngành kỹ thuật điện, điện tử và tự động
PTĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra nhiệm vụ “Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo”; “giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm”. Vì vậy, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp (DN) là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học viên hòa nhập với thị trường lao động, nhanh chóng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Để học viên, sinh viên ra trường có thể làm tốt công việc đã được đào tạo, chương trình đào tạo của nhà trường phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã chủ động xây dựng mới, chỉnh sửa chương trình, giáo trình các ngành, nghề theo hướng tăng thời gian thực hành, giảm thời gian học lí thuyết; mời các chuyên gia, người lao động đến từ các doanh nghiệp tham gia vào khâu xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo; mời các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia đào tạo nghề.
Tại trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, trong chương trình đào tạo nhà trường đã mời doanh nghiệp cùng xây dựng giáo trình đào tạo; kết nối và kí hợp đồng với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, tuyển dụng trực tiếp sau khi tốt nghiệp như: Công ty cổ phần Tập đoàn Flamingo (chuyên ngành quản trị khách sạn và chế biến món ăn), công ty Samsung (chuyên ngành điện tử),… Mỗi năm, nhà trường tổ chức nhiều đợt mời chuyên gia từ doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp về các kỹ năng và công nghệ mới, tạo cơ hội cho người học trao đổi, tiếp cận với thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên đưa giáo viên đi thực hành tích lũy kinh nghiệm tại các doanh nghiệp để nâng cao trình độ, phục vụ công tác giảng dạy.

Doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên trong ngày Hội tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên năm 2020
Ông Lương Chí Cường – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Phú Thọ cho biết: Trong quá trình đào tạo, nhà trường xác định mục tiêu “đào tạo gắn với thị trường lao động, giải quyết việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo”, vậy nên việc gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp là một trong những phương pháp giáo dục, hướng nghiệp quan trọng, vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra cho học viên, giúp học viên được tiếp cận, tìm hiểu thực tế công việc mà thị trường lao động đang cần. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp tiến tới tiếp nhận sinh viên vào làm việc ngay sau tốt nghiệp mà không tốn thời gian đào tạo lại. Hằng năm, có khoảng 80% học viên ra trường tìm được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo, với mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng/ tháng.
Theo báo cáo của sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 78.384 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Tỉnh đã hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm, phát triển sản xuất tại địa phương là 4.918 dự án, thu hút và tạo việc làm cho 6.482 lao động. Bình quân mỗi năm, tỉnh hỗ trợ đưa trên 2.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung ở các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia...

Trong thời gian tới, chủ trương của tỉnh là xác định, gắn kết với DN là khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Cơ chế phối hợp ba bên gồm Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp được hình thành và duy trì ổn định. Ngành LĐ-TB&XH và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng nghề nghiệp; tư vấn, kết nối cung cầu lao động; công khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; gắn đào tạo với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của DN... Nâng mức hỗ trợ học nghề, thời gian hỗ trợ học nghề, bổ sung thêm các khoản hỗ trợ tiền ăn, đi lại, lưu trú cho người học nghề, chính sách hỗ trợ học nghề ở ngoài tỉnh cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các cơ sở dạy nghề chú trọng cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường học thực hành, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học nghề; các chương trình dạy nghề được điều chỉnh, cập nhật phù hợp với thực tế đào tạo và thị trường lao động.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202012/gan-dao-tao-nghe-voi-nhu-cau-doanh-nghiep-174600