Gần 600 giáo viên có nguy cơ mất việc: Không có nhu cầu nhưng tuyển ồ ạt
Lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk cho biết chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào về việc chạy chọt để ký hợp đồng hàng loạt giáo viên dù huyện không có nhu cầu
Liên quan đến vụ gần 600 giáo viên đang đứng trước nguy cơ mất việc ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), sáng 12-3, nhiều giáo viên vẫn tới UBND huyện xin gặp lãnh đạo đề đạt ý kiến.
Hàng trăm giáo viên sẽ mất việc
Vợ chồng thầy giáo Nguyễn Đức Thọ và cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trường THCS Ea Yiêng) chia sẻ suốt 8 năm, cả 2 vợ chồng đều dạy ở vùng xa, khó khăn nhưng vẫn bám trường, bám lớp. Thầy Thọ mong huyện thấu hiểu và có hướng xử lý phù hợp.
Sáng cùng ngày, có mặt tại UBND huyện, bà Đặng Thị Ngọ (53 tuổi), mẹ của 3 người con là giáo viên hợp đồng, nghẹn ngào: "Các con tôi vào ngành giáo dục là niềm vui, hãnh diện của gia đình, giờ có nguy cơ mất việc khiến tôi vô cùng lo lắng".
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 12-3, UBND huyện Krông Pắk đã có công văn tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 208 giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế, không có vị trí thi tuyển năm 2017. Đồng thời, giao các phòng chức năng rà soát, xây dựng phương án, đề xuất UBND tỉnh xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu đối với dạng giáo viên này. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết huyện đang rà soát, phân loại theo từng dạng hợp đồng để đề xuất cấp trên xử lý hợp tình hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Tổng biên chế giáo dục của huyện Krông Pắk vẫn còn nhưng hiện không còn vị trí việc làm nên huyện đang tính toán theo hướng từ nay đến năm 2021, một số giáo viên đến tuổi hưu thì sẽ xét tuyển cho các giáo viên này. Bà Trinh cũng cho rằng do không nằm trong chỉ tiêu biên chế nên sẽ không có kinh phí trả lương cho số giáo viên dôi dư hiện nay. "Trước khi đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với 208 giáo viên, chúng tôi cũng đã nhận được chỉ đạo từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy là phải khẩn trương xử lý việc dôi dư giáo viên. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải báo cáo kết quả xử lý trước ngày 1-4-2018 nên UBND huyện phải thực hiện" - bà Trinh nói.
Đối với 370 giáo viên chưa bị chấm dứt hợp đồng, đang chờ thi để tuyển 83 giáo viên, theo bà Trinh, những giáo viên không đậu sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Như vậy, sẽ có gần 300 giáo viên mất việc. Đó là chưa kể trong cuộc thi tuyển này có thí sinh tự do nên số giáo viên mất việc còn có thể cao hơn.
Chưa nhận kết luận về trách nhiệm
Bà Ngô Thị Minh Trinh cho rằng việc ký hợp đồng bắt đầu từ nhà trường đề xuất rồi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Phòng Nội vụ, sau đó tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện ký. Do số lượng học sinh giảm nhiều, việc bố trí sắp xếp lại trường lớp và nhiều vấn đề liên quan dẫn đến nhu cầu giáo viên giảm. Tuy nhiên, nếu quá trình kiểm tra phát hiện tại thời điểm cụ thể, trường không có nhu cầu thêm giáo viên mà hiệu trưởng, các phòng vẫn đề xuất lên để ký hợp đồng giáo viên thì phải xử lý nghiêm.
Đề cập đến ý kiến cho rằng để được ký hợp đồng, các giáo viên phải "chạy chọt", bà Trinh cho biết đến nay, UBND huyện chưa nhận được thông tin phản ánh của giáo viên về vấn đề này.
Cũng theo bà Trinh, liên quan đến vấn đề trách nhiệm của chủ tịch UBND huyện đương nhiệm trong việc ký hơn 100 hợp đồng lao động dẫn đến tình trạng dôi dư giáo viên thêm trầm trọng, đến nay huyện chưa nhận được thông báo kết luận trách nhiệm từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk. Dù đã nhiều lần liên lạc nhưng chúng tôi không nhận được câu trả lời từ ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, người ký khoảng 400 hợp đồng và ông Y Suôn Byă, đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.
Thiếu giáo viên vẫn phải cắt hợp đồng
Dù đang thiếu giáo viên nhưng nhiều địa phương tỉnh Gia Lai phải "thanh lý" với giáo viên hợp đồng vì địa phương đã sử dụng hết số biên chế sự nghiệp được giao. Phòng GD-ĐT huyện Ia Grai đã thanh lý với khoảng 155 giáo viên, Phòng GD-ĐT huyện Chư Pứh có 207 giáo viên tại 37 trường học các cấp nằm trong diện bị cắt hợp đồng. Theo ông Phạm Văn Đại, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ia Grai, việc cắt hợp đồng đã khiến ngành giáo dục huyện này thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là các khu vực khó khăn. Để duy trì việc dạy và học, Phòng GD-ĐT đã phải để giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết, luân chuyển giáo viên để giảm bớt gánh nặng ở các vùng thiếu nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng1/4 nhu cầu.