Gần 124.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý I/2025

Theo số liệu mới công bố từ Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Lao động (thuộc Bộ Nội vụ), trong quý I/2025, cả nước đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 123.835 lao động. Mặc dù tổng số hồ sơ đăng ký có xu hướng giảm so với các quý trước, tình trạng thất nghiệp vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm lao động không có bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề nghiệp.

Trong quý đầu năm 2025, có 144.889 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm lần lượt 29.600 người so với quý IV/2024 và 24.200 người so với cùng kỳ năm trước. Số liệu cho thấy đa số người nộp hồ sơ thuộc nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm tỷ lệ 59,2%. Trong khi đó, người có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 18,7%; cao đẳng 7,6%; trung cấp 6%; và sơ cấp nghề 8,5%.

Điều này phản ánh rõ nét nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường lao động cao hơn ở nhóm lao động phổ thông, thiếu kỹ năng chuyên môn kỹ thuật. Việc thiếu nền tảng giáo dục và đào tạo đã cản trở họ trong quá trình tiếp cận các cơ hội việc làm mới.

Các ngành có tỷ lệ người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cao nhất bao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo (43,4%); hoạt động dịch vụ khác (29,5%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (4,4%); xây dựng (3%) và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa phương tiện (2,5%).

Về các nhóm nghề cụ thể, thợ may và các nghề liên quan chiếm tỷ lệ lớn nhất với 21,4%, theo sau là thợ lắp ráp (7%), nhân viên bán hàng và kế toán cùng ở mức 3,6%, và tài xế các loại phương tiện chiếm 2,4%.

Bên cạnh thực trạng thất nghiệp, thị trường lao động quý I/2025 cũng ghi nhận xu hướng tuyển dụng tập trung chủ yếu vào nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên. Cụ thể, 52,9% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ đại học, nhưng chỉ có 50,8% người tìm việc đáp ứng yêu cầu này. Ngược lại, có đến 19,9% người tìm việc không có bằng cấp, trong khi nhóm này chỉ chiếm 6,7% trong tổng số vị trí tuyển dụng.

Các vị trí nhân viên tiếp tục chiếm ưu thế trong nhu cầu tuyển dụng, với tỷ lệ 67%; tiếp theo là quản lý bậc trung (17,5%) và quản lý cấp cao (7,5%). Tuy nhiên, có đến 31,8% người tìm việc chỉ mong muốn công việc tạm thời, trong khi nhu cầu tuyển dụng nhóm này chỉ chiếm 8%.

Năm nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong quý I/2025 bao gồm: bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa; giáo dục - đào tạo và công nghệ thông tin.

Về mặt nghề nghiệp, các vị trí được tuyển dụng nhiều nhất là: nhân viên bán hàng; nhân viên dịch vụ khách hàng; nhân viên kinh doanh - quản lý; kỹ thuật viên và lao động trong lĩnh vực logistics - vận tải.

Trong khi đó, người tìm việc lại chủ yếu tập trung vào các vị trí như: quản trị doanh nghiệp; chăm sóc khách hàng; bán hàng, môi giới; kinh doanh - marketing - quảng cáo.

Dự báo từ Bộ Nội vụ cho thấy số người có việc làm trong quý II/2025 sẽ đạt khoảng 52,2 triệu người, tăng 350.000 người so với quý I. Một số ngành được kỳ vọng sẽ mở rộng tuyển dụng gồm sản xuất trang phục (tăng 4,95%); sản phẩm từ cao su và nhựa (4,2%); chế biến gỗ và sản phẩm từ vật liệu tự nhiên như tre, nứa, rơm rạ (3,7%).

Ngược lại, một số ngành có xu hướng thu hẹp việc làm như khai khoáng, sản xuất đồ uống và sản phẩm thuốc lá, phản ánh sự chuyển dịch nhu cầu lao động theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao hơn.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/gan-124-000-lao-dong-huong-tro-cap-that-nghiep-trong-quy-i-2025-317395.html