Gam màu xám vẫn chủ đạo trong 'bức tranh' du lịch Việt Nam 2021
Năm 2021, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm hơn 99% so năm 2019. Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý IV và năm 2021 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12 cho thấy, bức tranh với gam màu xám chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2021.
Cụ thể, dựa trên báo cáo của Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng và Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so năm trước và giảm 99,1% so năm 2019. Đối tượng khách quốc tế chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Tuy nhiên, riêng tháng 12, nhờ thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021, các chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu được khôi phục, khách quốc tế đến nước ta tháng 12 ước đạt 17,2 nghìn lượt người, tăng 14,2% so tháng trước và tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý IV/2021 đạt 42,7 nghìn lượt người, tăng 62,7% so quý III/2021 và giảm 12,4% so cùng kỳ năm 2020.
Tính chung năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không đạt 111,1 nghìn lượt người, chiếm 70,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 96,4% so năm trước; bằng đường bộ đạt 45,6 nghìn lượt người, chiếm 29,0% và giảm 92,5%; bằng đường biển đạt 614 lượt người, chiếm 0,4% và giảm 99,6%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 19/12, cũng nhận định, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân trong nước giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân làm giá vé máy bay giảm 21,15% so năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,32%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2021 ước đạt 398 nghìn tỷ đồng, giảm 19,3% so năm 2020. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2021 so năm trước của một số địa phương: Quảng Ninh giảm 10,3%; Hà Nội giảm 14%; Hải Phòng giảm 17,8%; Đà Nẵng giảm 20%; Bình Dương giảm 23,5%; Nghệ An giảm 30,7%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 46,1%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 52,2%.
Dịch vụ lữ hành năm 2021 ước đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, giảm 59,9% so cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành năm 2021 giảm mạnh so năm trước là: Quảng Ninh giảm 32,9%; Đà Nẵng giảm 40,6%; Hà Nội giảm 45,6%; Quảng Bình 45,9%; Cần Thơ giảm 52,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 60,2%; Thanh Hóa giảm 67,8%; Hải Phòng giảm 70,3%; Thừa Thiên-Huế giảm 71,3%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, bước sang năm 2022 với nhiều nguy cơ và thách thức đan xen. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn. Để kịp thời thời khắc phục khó khăn, chủ động tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu.
Riêng với ngành du lịch, cần khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh.