Gã khổng lồ xuất khẩu châu Á lao đao, thuế quan của ông Trump chỉ là một phần lý do
Nền kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến động chính trị theo sau vụ thiết quân luật và sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ.
Nền kinh tế Hàn Quốc giảm 0,1% trong quý I/2025, ngân hàng trung ương nước này cho biết hôm 24/4, trong bối cảnh gã khổng lồ xuất khẩu châu Á lao đao sau nhiều tháng hỗn loạn chính trị và căng thẳng thương mại gia tăng.
Hàn Quốc – quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu – đã phải đối mặt với mức thuế quan "có đi có lại" 25% do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.
Mặc dù mức thuế nặng nề này đang được hoãn lại để đàm phán, hàng hóa của "xứ sở kimchi" vẫn phải chịu mức thuế quan "cơ bản" 10% như mọi đối tác thương mại khác của Mỹ. Đồng thời, xe hơi Hàn Quốc vào thị trường Mỹ đang bị đánh thuế 25%.
Song song với đó, Seoul cũng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi biến động chính trị theo sau vụ ban bố tình trạng thiết quân luật của cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol hồi đầu tháng 12 năm ngoái, dẫn đến việc nhà lãnh đạo này bị luận tội và cách chức hôm 4/4.

Các container được nhìn thấy xếp chồng lên nhau gần một tàu chở hàng ở Busan, Hàn Quốc, tháng 11/2024. Ảnh: Fox Business
"Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế quý I/2025 đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái", Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết hôm 24/4, đồng thời nói thêm rằng GDP đã giảm 0,2% so với quý trước đó.
"Hai diễn biến ảnh hưởng đến niềm tin và nền kinh tế bao gồm hậu quả từ nỗ lực thiết quân luật bất thành của cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol và lo ngại về sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ", Hyosung Kwon, một nhà kinh tế tại Bloomberg Economics, cho biết.
Vị chuyên gia dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phục hồi trong quý II năm nay, được hỗ trợ bởi việc giảm bớt bất ổn chính trị trong nước. Nhưng sự phục hồi có thể sẽ vẫn mong manh vì thuế quan cao của Mỹ gây áp lực lên nhu cầu bên ngoài, ông Kwon lưu ý.
Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, tính đến giữa tháng 4, xuất khẩu của nước này đã giảm hơn 5% so với năm trước, với mức giảm được báo cáo ở 9 trong số 10 danh mục xuất khẩu chính của đất nước, ngoại trừ chất bán dẫn. Sự sụt giảm mạnh nhất là xuất khẩu sang Mỹ, giảm hơn 14%.
Hôm 22/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc, giảm một nửa từ 2,0% xuống còn 1,0%.
Dự báo được điều chỉnh của IMF cho nền kinh tế Hàn Quốc bi quan hơn so với ước tính do chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức kinh tế lớn khác đưa ra.
Seoul trước đó dự báo tăng trưởng 1,8% cho năm nay, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng 1,5%.
"Nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với gánh nặng về mặt cấu trúc của lạm phát cao và tỉ giá hối đoái Won-USD yếu, và dưới áp lực kép này, sự chậm lại trong tăng trưởng đang ngày càng trở nên rõ ràng", ông Kim Dae-jong, Giáo sư tại Đại học Sejong, nói với AFP.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang-yong cho biết, tốc độ tăng trưởng hằng năm của nước này hiện "dự kiến sẽ giảm so với mức dự báo 1,5% đưa ra vào tháng 2".
"Việc thắt chặt chính sách thuế quan, mạnh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, có khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép lên triển vọng tăng trưởng", ông Rhee nói.
Nhu cầu trong nước chậm chạp, cùng với các yếu tố như cháy rừng trên diện rộng đã tàn phá nhiều vùng ở phía đông nam đất nước vào cuối tháng 3, cũng đã góp phần gây ra sự suy giảm, vị Thống đốc cho biết.
Phát biểu trước quốc hội, quyền Tổng thống Han Duck-soo nhấn mạnh những thách thức "đáng kể" của Hàn Quốc.
"Các chính sách thuế quan chưa từng có do Mỹ thúc đẩy đã tạo ra mức độ bất ổn đang gây ra những thay đổi nhanh chóng và khó lường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu", ông Han cho biết.
Minh Đức (Theo Digital Journal, Korea JoongAng Daily)