Tỉnh Hậu Giang thông qua 2 Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính
Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hậu Giang sẽ thành lập một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp xã để cung ứng một số dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
Ngày 25-4, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) thông qua các Nghị quyết quan trọng, trong đó, có Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hậu Giang năm 2025 và Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Thông qua Nghị quyết sáp nhập tỉnh
Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, tỉnh Hậu Giang, cùng với tỉnh Sóc Trăng sáp nhập với TP Cần Thơ. Tên gọi của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới là TP Cần Thơ; diện tích tự nhiên hơn 6.360km2, quy mô dân số hơn 4 triệu người; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hiện hữu.

HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hậu Giang năm 2025 và Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ảnh: PHƯỚC OANH
Về phương án kiện toàn bộ máy, đối với các tổ chức Đảng, sẽ căn cứ vào quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương để thành lập, quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy TP.
Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sẽ thành lập, quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tổ chức theo các quy định của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hướng dẫn của các tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương.
Đối với HĐND đơn vị mới, Khóa của HĐND sẽ được tiếp tục tính theo khóa của HĐND ở đơn vị hành chính được giữ nguyên tên gọi sau sắp xếp. Đồng thời, nhập nguyên trạng các Ban của HĐND cấp tỉnh có cùng chức năng, nhiệm vụ với nhau.
Cạnh đó, căn cứ quy định HĐND cấp tỉnh tổ chức 3-4 ban chuyên môn giúp việc. Cụ thể, HĐND TP Cần Thơ sau sáp nhập sẽ thành lập bốn Ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị.
Đối với UBND, nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh có cùng chức năng, nhiệm vụ. Riêng các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác không cùng chức năng, nhiệm vụ thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể theo quy định của Chính phủ. Dự kiến, UBND TP Cần Thơ sau sáp nhập dự kiến tổ chức tối đa 14 Sở và tương đương.
Khi sáp nhập TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện sắp xếp, tinh giản theo Nghị định 178, Nghị định 167 và các chính sách của địa phương là 2.681 người.
Thành lập một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp xã
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hậu Giang năm 2025, sau sắp xếp, tỉnh giảm từ 75 xã, phường, thị trấn còn 28 đơn vị hành chính cấp xã (21 xã và bảy phường).

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hậu Giang sẽ thành lập một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp xã, để cung ứng một số dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Ảnh: CHÂU ANH
Sau sắp xếp, tỉnh Hậu Giang giữ nguyên các trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập và chuyển giao cho UBND cấp xã nơi các trường này đóng trên địa bàn để quản lý. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện sẽ chuyển về Sở GD&ĐT quản lý, tổ chức lại theo khu vực liên xã, phường.
Duy trì các Trạm Y tế xã, phường theo hướng tổ chức, sắp xếp lại các Trạm Y tế theo đơn vị hành chính cấp xã mới. Đồng thời, chuyển giao cho UBND cấp xã mới quản lý để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Cũng theo đề án, sau sắp xếp, trước mắt, tỉnh Hậu Giang sẽ kết thúc hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh cấp huyện. Kết thúc hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị (TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy) và chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng chuyên môn thuộc cấp xã mới.
Kết thúc hoạt động của cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp TP Vị Thanh, chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy về BQL các khu công nghiệp tỉnh. Kết thúc hoạt động của BQL chợ TP Vị Thanh; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cho phòng chuyên môn thuộc cấp xã mới.
Thành lập một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp xã, để cung ứng một số dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trên cơ sở: tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh cấp huyện và các Trạm: Khuyến nông; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi; Thú y - Thủy sản; Thủy lợi… về UBND cấp xã mới.