EU muốn phân phối 3,4 tỷ USD tài sản Nga bị đóng băng, Moscow cảnh báo 'hành vi ăn cắp'
Khoảng 3,4 tỷ USD từ quỹ bị đóng băng của Nga sẽ được phân phối lại cho các nhà đầu tư phương Tây có tài sản mắc kẹt tại Nga, theo Reuters.

Trụ sở chính của viện tài chính Euroclear Group tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Getty.
Reuters ngày 2/5 dẫn nguồn tin cho biết tổ chức thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ dự kiến sẽ phân phối lại khoảng 3 tỷ EUR (tương đương 3,4 tỷ USD) từ các quỹ của Nga hiện đang bị đóng băng. Số tiền này sẽ được dùng để bồi thường cho các nhà đầu tư phương Tây có tài sản bị mắc kẹt tại Nga sau khi xung đột Ukraine leo thang.
Điện Kremlin nhiều lần cảnh báo rằng việc trích xuất các tài sản bị phong tỏa này để hỗ trợ Ukraine hoặc bồi thường cho nhà đầu tư phương Tây là “hành vi trộm cắp”, vi phạm luật pháp quốc tế.
Sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, nhiều quốc gia phương Tây đã phong tỏa khoảng 264 tỷ EUR tài sản thuộc sở hữu của chính phủ và cá nhân Nga. Trong đó, khoảng 200 tỷ EUR hiện được nắm giữ bởi Euroclear. Phần tài sản này đã sinh lợi hàng tỷ EUR tiền lãi, trong đó 1,55 tỷ EUR đã được chuyển cho Ukraine vào tháng 7/2024.
Theo hai nguồn tin của Reuters, Euroclear sẽ phân phối 3 tỷ EUR từ khoản tiền mặt 10 tỷ EUR thuộc về các thực thể và cá nhân Nga đang nằm trong danh sách trừng phạt của EU. “Chúng tôi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép giải phóng các khoản bồi thường và chuyển chúng cho các bên tham gia”, Reuters dẫn tài liệu nội bộ đề ngày 1/4.
Động thái này được thực hiện trên cơ sở các điều chỉnh trong cơ chế trừng phạt của EU, được thông qua vào cuối năm ngoái, cho phép sử dụng một phần tài sản bị đóng băng để hỗ trợ các nhà đầu tư phương Tây.
Theo Reuters, Nga gần đây đã tịch thu 3 tỷ euro thuộc Euroclear đang được lưu ký tại một ngân hàng trong nước nhằm bồi thường cho các nhà đầu tư Nga bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố Moscow sẽ sử dụng lợi tức từ tài sản phương Tây bị đóng băng như một biện pháp đáp trả tương xứng.
Vấn đề tịch thu tài sản Nga bị đóng băng đã được thảo luận trong nội bộ EU suốt hơn 3 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được đồng thuận giữa các quốc gia thành viên. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas nhiều lần kêu gọi sử dụng các tài sản này để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, bà thừa nhận một số nước vẫn phản đối.
Một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng chính quyền Nga đã khởi kiện Euroclear với khoảng 100 vụ kiện liên quan đến tài sản bị phong tỏa, song chưa rõ tiến trình xét xử ra sao.
Nga nhiều lần chỉ trích việc phong tỏa tài sản là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời làm xói mòn lòng tin vào hệ thống tài chính toàn cầu. Điện Kremlin khẳng định sẽ khởi kiện các bên liên quan đến việc chiếm giữ tài sản của Nga.