'Em bé chỉnh sửa gene': Sự thật hay trò giật gân?

Khi 'em bé chỉnh sửa gene' là câu chuyện còn nhuốm nhiều màu sắc hư hư thực thực, thì một cái nhìn lui lại, tỉnh táo hơn qua câu chuyện này với nền khoa học nghiên cứu là điều đáng lưu tâm...

Vài tháng trước, Bill Gates đã nhận định rằng công nghệ chỉnh sửa gene (genome editing) sẽ giúp đem lại một thế giới tốt đẹp hơn. Ông viện dẫn khả năng tạo ra những giống cây trồng chịu được điều kiện bất lợi, cho năng suất cao hay việc tạo ra dòng muỗi cái vô sinh nhằm hạn chế và kiểm soát các bệnh lây truyền qua muỗi như sốt rét, sốt xuất huyết hay sốt do vi rút Zika.

Cuối tháng 11 qua, tại một hội nghị khoa học ở Hồng Kông, một nhà khoa học Trung Quốc, TS. He Jiankui, đã báo cáo “thành công” việc tạo được “em bé chỉnh sửa gene”. Tuyên bố của ông He ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng khoa học trong và ngoài Trung Quốc.

Tiềm năng của công nghệ chỉnh sửa gene

Công nghệ chỉnh sửa gene dựa vào chiếc “kéo phân tử” có khả năng cắt gene (hay phân tử ADN) tại một điểm mong muốn, sau đó kích hoạt cơ chế sửa chữa gene bằng việc gắn kết ngẫu nhiên hoặc tái tổ hợp tương đồng. Công nghệ này cho phép tác động chính xác lên phân tử ADN (hay gene) mong muốn, tại điểm mong muốn, với những thay đổi mong muốn, nhờ đó được đánh giá là công nghệ có thể tạo ra bước ngoặt trong công nghệ sinh học, đặc biệt là trong cải thiện giống cây trồng và vật nuôi.

Trong nghiên cứu cơ bản, công nghệ này cho phép “bật” và “tắt” từng gene nên được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu chức năng gene, nhằm hiểu rõ cơ chế phân tử của bệnh cũng như phát triển các liệu pháp điều trị.

TS. He Jiankui là ai?

Theo tờ Thời báo New York, He Jiankui tốt nghiệp đại học ngành vật lý tại Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc, sau đó theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Rice (Texas, Hoa Kỳ) ngành lý sinh học (Biophysics).
Theo cơ sở dữ liệu Pubmed, He Jiankui có 5 bài báo công bố chung với giáo sư hướng dẫn tại Đại học Rice (GS. Michael Deem) trong hai năm 2009 và 2010, trong đó có một bài tính toán, mô phỏng liên quan đến chỉnh sửa gene (không phải nghiên cứu thực nghiệm).

Ngày 26.11, giáo sư He Jiankui tuyên bố tại Đại học Hồng Kông đã tạo ra cặp song sinh được điều chỉnh gene để kháng virus HIV đầu tiên trên thế giới. Sau đó nhà khoa học này đã “biến mất” một cách bí ẩn. Ảnh: AP

Sau đó TS. He làm thực tập sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại phòng thí nghiệm của GS. Stephen Quake thuộc Đại học Stanford trong giai đoạn 2010 - 2012, và có một công bố với GS. Quake nhưng không liên quan đến chỉnh sửa gene. Năm 2012, TS. He Jiankui được tuyển dụng làm việc tại Trung Quốc theo chương trình “Kế hoạch 1.000 tài năng” với tư cách phó giáo sư tại Đại học Khoa học Công nghệ Phương Nam. Cũng theo trang web trường này, He Jiankui hiện đang nghỉ không lương.

Theo công bố cũng như kinh nghiệm học tập và làm việc, có thể nhận định TS. He Jiankui chưa kinh qua thực nghiệm trong lĩnh vực chỉnh sửa gene.

Một “sáng tác” vì áp lực từ tài trợ của chính phủ?

Theo báo cáo của TS. He được trích dẫn bởi các phương tiện thông tin đại chúng, cặp bé gái sinh đôi Lulu và Nana được sinh ra từ phôi đã được loại bỏ gene CCR5 giúp chúng không nhiễm HIV. Các “em bé chỉnh sửa gene” này có mẹ bình thường và bố nhiễm HIV. Trong nghiên cứu này, có 8 cặp tình nguyện viên với mẹ không nhiễm HIV và bố nhiễm HIV.

Ông He cũng cho biết đã gửi bản thảo về nghiên cứu này tới một tạp chí khoa học để bình duyệt và công bố, tuy nhiên ông không cho biết tạp chí nào. Có một điều lạ là cả ông He và Đại học Khoa học Công nghệ Phương Nam đều khẳng định nghiên cứu này không được thực hiện tại trường. Ông He còn cho biết ông đã tự bỏ tiền túi thực hiện nghiên cứu này.

Nếu nghiên cứu này có thật thì nó vi phạm y đức và vi phạm pháp luật hiện hành của Trung Quốc về nghiên cứu trên phôi người. Trong một diễn biến khác, Chính phủ Trung Quốc cho biết đã cho dừng dự án này và yêu cầu điều tra đầy đủ. Như vậy, câu hỏi được đặt ra là “Dự án nghiên cứu này được thực hiện ở đâu?” và “Dự án này do cơ quan nào tài trợ?”.

Phải nói thêm rằng, Trung Quốc và một vài quốc gia khác luôn muốn đi tắt, đón đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại mà sẵn sàng gác các chuẩn mực cơ bản về đạo đức nghiên cứu sang một bên.

Thực tế cho thấy, từ lâu Trung Quốc đã có các chương trình mời gọi hấp dẫn các nhà khoa học Trung Quốc thành danh ở nước ngoài về nước làm việc. Đã từng có các phòng thí nghiệm tại Trung Quốc được đồng quản lý bởi các giáo sư Mỹ gốc Trung Quốc trong những năm 2000. “Kế hoạch 1.000 tài năng” tiếp nối các chương trình trước đó. Các nhà khoa học được tuyển dụng theo chương trình này được cấp một khoản kinh phí cho cá nhân là 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 150.000 USD) ngay khi quay về Trung Quốc làm việc, được đãi ngộ bằng mức lương cao, trợ cấp nhà ở và học hành cho con cái.

Ngoài ra, họ còn được cấp một khoản tiền lớn dành cho nghiên cứu. Được tài trợ bởi chương trình này là mơ ước của nhiều nhà khoa học trẻ Trung Quốc ở nước ngoài. Nhưng đây cũng có thể là một áp lực rất lớn với những nhà khoa học tham gia chương trình, đòi hỏi họ phải “trả” lại bằng nhiều kết quả nghiên cứu xứng tầm.

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của một nhóm các nhà khoa học sau khi nhóm này tuyên bố dự án thử nghiệm thành công việc biến đổi gen người. Ảnh: TL

Gần đây, trước sự lo ngại của Mỹ rằng các chương trình như “Kế hoạch 1.000 tài năng” sẽ thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ nguồn về Trung Quốc (hợp pháp lẫn bất hợp pháp), phần lớn các thông tin chi tiết về chương trình đã được gỡ bỏ khỏi internet, nhất là thông tin về cá nhân các nhà khoa học. Dựa vào độ tuổi và lý lịch khoa học, rất có thể TS. He được tuyển dụng theo chương trình “Kế hoạch 1.000 tài năng”.

Vì vậy, trong câu chuyện “em bé chỉnh sửa gene”, không thể loại trừ khả năng do áp lực phải thành công từ chương trình “Kế hoạch 1.000 tài năng” mà He Jiankui đã “sáng tác” ra câu chuyện này. Trong quá khứ (năm 2006), điều tương tự từng xảy ra tại Đại học Giao thông Thượng Hải: một vị giáo sư từ Mỹ trở về Trung Quốc làm việc đã ngụy tạo khả năng tự thiết kế chip máy tính, chính phủ Trung Quốc đã suýt đầu tư “khủng” phát triển chip “Hanxin” dưới sự dẫn dắt của vị giáo sư này. Tại Việt Nam cũng từng có một nhà khoa học Việt kiều hồi hương tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng là có thể sản xuất máy phát điện chạy bằng nước và chất xúc tác, tuy nhiên sự việc sau đó đã được nhiều nhà nghiên cứu phản bác…

Rủi ro, y đức, đạo đức nghiên cứu: Quy định quản lý và trách nhiệm

Công nghệ chỉnh sửa gene hiện nay dù được đánh giá có độ chính xác cao thì vẫn có thể xảy ra các đột biến ngoài gene chủ đích (off-target mutations). Với đối tượng nghiên cứu là cây trồng hay vật nuôi, người ta hoàn toàn có thể dùng các phương pháp chọn lọc để chọn đúng cá thể chỉ mang đột biến mong muốn tại gene đích, để tiếp tục phát triển sản phẩm và loại bỏ những cá thể còn lại. Nhưng nếu làm như vậy với phôi người, đứa trẻ sinh ra trong thí nghiệm của He Jiankui có thể mang những đột biến hoàn toàn chưa được biết.

Các công nghệ mới càng hiện đại, càng mạnh thì càng tiềm ẩn rủi ro khi bị sử dụng sai mục đích. Với các nghiên cứu trên người thì đầu tiên cần phải được đánh giá và thông qua bởi hội đồng y đức cấp cơ sở. Ở mức cao hơn, các cơ quan tài trợ cần quy định rõ ràng về những nghiên cứu trên người được phép thực hiện bằng kinh phí do cơ quan đó tài trợ.

Qua sự cố này, chúng ta cũng nên đánh giá lại các quy định về nghiên cứu trên người và phôi người tại các cơ quan nghiên cứu, cơ quan tài trợ nghiên cứu và các cơ quan chủ quản nghiên cứu của Việt Nam. Không chỉ nghiên cứu trên người, mà với bất kỳ đối tượng nào, để một công nghệ mới được phát triển nhanh, đem lại lợi ích cho cộng đồng, cần có một quy định rõ ràng từ cơ quan quản lý, để vừa ủng hộ việc ứng dụng công nghệ mới vào quốc kế dân sinh, nhưng vẫn ngăn ngừa được những rủi ro tiềm ẩn. Trên tất cả, từng nhà khoa học cần phải tuân thủ những quy định hiện hành và phải có trách nhiệm xã hội với những việc mình làm.

TS. Lê Tiến Dũng

______________

(*) Tác giả bài viết có 20 năm nghiên cứu sinh học và công nghệ sinh học tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Việt Nam. Hiện ông quản lý sản xuất hạt giống công nghệ sinh học tại Công ty DEKALB Việt Nam thuộc Bayer CropScience

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/em-be-chinh-sua-gene-su-that-hay-tro-giat-gan-16724.html