ECB cảnh báo bất ổn tiếp diễn ngay cả khi chiến tranh thương mại kết thúc

Theo giới chức ECB, các biện pháp thuế quan gần đây có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone và gây áp lực lên lạm phát, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland Gabriel Makhlouf, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết trong bối cảnh các rủi ro toàn cầu gia tăng, sự bất ổn đang trở thành trạng thái thường trực của nền kinh tế thế giới, ngay cả khi các cuộc chiến thương mại chỉ mang tính ngắn hạn.

Phát biểu tại Hội thảo Kinh tế Quốc tế tổ chức tại Dublin (Ireland) ngày 13/5, ông Makhlouf cho rằng môi trường kinh tế hiện tại đang bị chi phối vì các “cú sốc” địa chính trị và sự thay đổi nhanh chóng trong cấu trúc thương mại toàn cầu, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải linh hoạt và chủ động hơn trong phản ứng.

“Ngay cả khi một cuộc chiến thương mại toàn diện chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, các tác động bất ổn đối với đầu tư, niềm tin thị trường và tăng trưởng sẽ kéo dài,” ông Makhlouf nhấn mạnh.

Ông cũng cảnh báo về các rủi ro khuếch đại do mức nợ công và nợ tư nhân cao, có khả năng lan rộng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong bài phát biểu, ông Makhlouf đã phân tích 3 kịch bản có thể xảy ra liên quan đến căng thẳng thương mại hiện nay.

Kịch bản thứ nhất, ông cho rằng các đe dọa về thuế quan chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng sự bất ổn kéo dài về chính sách thương mại khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư và làm giảm niềm tin của thị trường. Điều này có thể dẫn đến áp lực giảm phát.

Kịch bản thứ hai là khi thuế đối ứng giữa các quốc gia trở thành lâu dài, kéo theo các biện pháp trả đũa lẫn nhau, gây thiệt hại nặng nề hơn cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ảnh hưởng cụ thể đến giá cả tiêu dùng vẫn chưa rõ ràng.

Kịch bản thứ ba, khi Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu, nhưng căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục. Điều này có thể khiến Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường EU, làm thay đổi cán cân thương mại trong khu vực.

Ông Makhlouf kết luận rằng trong môi trường đầy biến động hiện nay, cả các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cần tăng cường khả năng thích ứng.

Cùng đưa ra quan điểm tại hội thảo, ông Jose Luis Escriva - một thành viên khác của Hội đồng ECB - cho biết trong bối cảnh nhiều yếu tố khó lường, các dự báo trung tâm đang dần mất đi tính định hướng và ECB cần xây dựng các kịch bản thay thế chi tiết hơn. Ông đồng thời ủng hộ việc theo dõi sát các dữ liệu tần suất cao trong điều hành chính sách tiền tệ.

Các phát biểu được đưa ra trong bối cảnh khu vực đồng euro đang chịu tác động từ chính sách thương mại ngày càng khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo giới chức ECB, các biện pháp thuế quan gần đây có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone và gây áp lực lên lạm phát, ít nhất là trong ngắn hạn.

ECB đã tiến hành 7 lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 6/2024. Trong khi lạm phát được dự báo sẽ sớm trở lại mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục nới lỏng. Giới đầu tư hiện nghiêng về khả năng sẽ có thêm 2 đợt cắt giảm nữa vào cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ecb-canh-bao-bat-on-tiep-dien-ngay-ca-khi-chien-tranh-thuong-mai-ket-thuc-post1038332.vnp