Dứt điểm với 'chuồng cọp'

Từ lâu, ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, những chung cư, khu tập thể cũ chằng chịt dây điện, phía sau bị bưng bít bởi những khung sắt hàn cố định - thứ người ta gọi bằng cái tên dân dã nhưng đầy ám ảnh: 'chuồng cọp'.

Một số hộ dân thì quen gọi đó là tăng “tiện ích”, là “tự vệ” trước nạn trộm cắp. Nhưng sau tất cả, từ bên ngoài nhìn vào không thấy sự tiện lợi ở đâu, chỉ thấy hiểm họa rình rập. Khi ngọn lửa bùng lên, những “chuồng cọp” đó lập tức trở thành cạm bẫy thép - nơi người ta mắc kẹt trong chính căn nhà của mình, tuyệt vọng không lối thoát.

Vụ cháy xảy ra đêm 6/7 tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TPHCM) khiến 8 người tử vong tại chỗ. Lửa bùng lên từ căn hộ tầng trệt do chập điện, nhưng hậu quả tang thương ấy không chỉ vì chập điện. Nó đến từ những lối thoát bị khóa kín, từ những khung sắt kiên cố người ta lắp lên vì “an ninh”, mà chính chúng đã bịt kín cơ hội sống sót.

Ngay sau vụ cháy, người dân trong cư xá hối hả thuê thợ tháo dỡ chuồng sắt. Những mỏ hàn, máy cắt hoạt động hết công suất như một thứ nghi lễ muộn màng. Giá như việc ấy diễn ra sớm hơn. Giá như không phải chờ đến lúc có người chết, người dân mới giật mình nhận ra ngôi nhà mình ở không khác gì căn phòng không lối thoát.

Bi kịch ở cư xá Độc Lập không phải là đầu tiên. Vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (Hà Nội) tháng 9/2023 đã cướp đi sinh mạng của 56 người. Trước đó nữa, cũng trên địa bàn Thủ đô, vụ cháy phòng trọ ở phố Trung Kính khiến 14 người thiệt mạng. Tất cả những cái chết ấy đều có một mẫu số chung: nhà ở bị bưng bít, không lối thoát hiểm.

Sau những vụ cháy này, ở nhiều địa bàn Hà Nội, chính quyền đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nhắc nhở người dân mở cửa thoát hiểm, làm cầu thang phụ. Và nhiều người dân cũng “biết sợ”, thuê thợ hàn về trổ những ô cửa nhỏ, mua thang dây, bình chữa cháy để sẵn... Nhưng liệu bao nhiêu nơi thực sự thay đổi lâu dài? Bao nhiêu gia đình cắt chuồng cọp vì nhận thức, bao nhiêu vì sợ hãi nhất thời rồi sau đó lại vẫn sống như cũ?

Sự tồn tại dai dẳng của “chuồng cọp” không chỉ là vấn đề kỹ thuật xây dựng. Đó là biểu hiện của sự bất lực trong quản lý đô thị, của tư duy “mạnh ai nấy lo” kéo dài nhiều chục năm. Khi người dân tự cơi nới và chính quyền thì… ngó lơ. Khi thiếu vắng sự răn đe, xử lý thì sự lộn xộn dần thành quen mắt. Và khi thảm họa xảy ra, mọi sự "tiện dụng" bỗng chốc biến thành tội đồ.

Ngay sau vụ cháy ở cư xá Độc Lập, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đã yêu cầu các phường, xã, đặc khu khẩn trương rà soát toàn bộ khu dân cư, chung cư cũ, nhà trọ trong hẻm sâu - những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhưng lại khó tiếp cận khi có sự cố. Đây là hành động cứng rắn cần thiết. Song, nếu chỉ dừng ở việc yêu cầu, vận động thì hiệu quả sẽ lại chỉ tồn tại được vài tuần, vài tháng như những lần trước.

Trên bình diện toàn quốc, đã đến lúc phải dứt điểm với “chuồng cọp”, nhà không lối thoát hiểm. Dứt điểm không phải bằng những lời kêu gọi, không phải bằng chiến dịch mang tính thời điểm. Mà là một chiến lược tổng thể về quản lý nhà ở, an toàn đô thị. Dứt điểm bằng chế tài nghiêm khắc, bằng kiểm tra định kỳ, bằng việc siết chặt từ khâu thiết kế, xây dựng đến khâu sử dụng.

Không thể để người dân tự lắp khung sắt, tự cơi nới ban công, chiếm dụng hành lang, rồi mỗi khi có cháy thì lại bảo “không có lối thoát”. Luật pháp không thể nhân nhượng với những hành vi gián tiếp giết người trong tương lai.

Phòng cháy hơn chữa cháy - câu nói cũ nhưng vẫn chưa cũ. Một đô thị văn minh không thể để cư dân sống trong những cái lồng treo lơ lửng giữa trời, vừa xấu xí vừa nguy hiểm. Một thành phố an toàn không thể chấp nhận sự hiện diện của “chuồng cọp” như một điều hiển nhiên.

Nhiều việc khó còn làm được: sáp nhập địa giới hành chính, xây cầu vượt biển, làm hầm xuyên núi... thì tại sao một việc rõ ràng, nguy hiểm, dai dẳng như “chuồng cọp” lại không thể giải quyết dứt điểm?

Chúng ta đã trả giá quá nhiều bằng sinh mạng con người. Đừng để những cái chết tiếp theo phải lặp lại câu hỏi: “Tại sao vẫn còn chuồng cọp?”

Thư Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dut-diem-voi-chuong-cop-10309955.html