Đường về Suối Giàng chậm tiến độ

Thời gian qua, xảy ra nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng làm đường tới xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái do chính sách không theo kịp thực tế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thiếu sót, khiến người dân không đồng thuận nhường đất để triển khai dự án.

Một đoạn đường thi công dang dở.

Thời gian qua, xảy ra nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng làm đường tới xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái do chính sách không theo kịp thực tế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thiếu sót, khiến người dân không đồng thuận nhường đất để triển khai dự án.

Bên cạnh đó, việc chọn tư vấn thiết kế năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, khiến đường chưa bàn giao đã phải lập dự toán thêm kinh phí sửa chữa, gia cố, điều chỉnh, lập hạng mục mới đầu tư thêm do địa chất không ổn định. Điều đó khiến dự án phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có cây chè shan tuyết Suối Giàng chậm tiến độ, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền.

Ngày 30-6-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký Quyết định số 1176/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, gia cố hồ chứa nước xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Theo đó, ngoài việc nâng cấp, gia cố hồ chứa với dung tích 136.000 m3, còn thêm hạng mục: sửa chữa, nâng cấp đường từ xã Sơn Thịnh (quốc lộ 32) đến trung tâm xã Suối Giàng dài 12 km; làm đường chung quanh hồ, trồng rừng đầu nguồn và làm đường lâm nghiệp và đường ranh cản lửa trong phạm vi trồng rừng… với tổng mức đầu tư hơn 156,6 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, liên danh Công ty TNHH Đồng Tiến và Công ty TNHH Hiệp Phú là nhà thầu thi công.

Với mục tiêu tạo cảnh quan du lịch sinh thái Suối Giàng, nơi có rừng chè shan tuyết ở độ cao hơn 1.400 m, với nhiều nét sinh hoạt truyền thống độc đáo của người Mông, thì dự án này càng đẩy nhanh tiến độ bao nhiêu, lợi ích kinh tế của ngành du lịch - dịch vụ ở vùng đặc biệt khó khăn này càng khởi sắc nhanh bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, nhiều hạng mục phải điều chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, mưa lũ làm sạt nhiều đoạn đường đã thi công với khối lượng lớn… cho nên đến thời điểm cuối tháng 10-2018, dự án mới đạt hơn 90% kế hoạch, nhiều việc cần tiếp tục hoàn thiện.

Trước đó, trong quá trình thi công đường chung quanh hồ, đơn vị thi công đã chặt, đánh gốc, di chuyển hàng trăm cây pơ-mu gần 30 tuổi và hàng trăm gốc chè cổ thụ, vì diện tích này nằm trong phạm vi hành lang đường. Một số đơn vị, cá nhân đã có ý kiến về vấn đề bảo tồn và phát triển cây chè và các cây gỗ quý ở khu vực trên. UBND tỉnh đã tiếp thu, điều chỉnh dự án từ năm mét xuống còn hai mét nhằm hạn chế việc phá bỏ cây pơ-mu, chè shan tuyết, bảo vệ cảnh quan môi trường. Tuy vậy, hàng loạt cây pơ-mu và chè cổ thụ nằm trong hành lang đã bị chết, hoặc được người dân di chuyển không phép về vùng đất khác làm cây cảnh.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm là nguyên nhân khiến dự án triển khai ì ạch, gây bức xúc trong dư luận. Hiện nay, còn nhiều điểm trên tuyến không làm rãnh thoát nước được, do vướng mặt bằng. Tại thôn Văn Thi 3, xã Sơn Thịnh còn chín hộ chưa đồng thuận với chủ đầu tư dự án về giá đất, kiến trúc, đền bù, mặc dù đã được vận động, tư vấn pháp luật. Bác Bùi Xuân Thiên, 88 tuổi, là công nhân cầu đường đã về hưu, người gắn bó với tuyến đường Suối Giàng từ khi khai thông tuyến và làm công nhân duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này cho biết: Tôi ở đây từ năm 1965, làm nhà ở và không tranh chấp với ai, năm 2001, Nhà nước làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đồng loạt cho các hộ dân ở đây là 150 m2, còn lại là cấp đất trồng cây lâu năm. Nay kiểm đếm đền bù theo giá đất cây lâu năm tôi không đồng ý.

Anh Nguyễn Tiến Nghĩa cùng thôn đưa ra các phiếu thu nộp thuế nhà đất hằng năm đề nghị phải được áp giá đất ở, chứ không thể áp giá đền bù đất cây lâu năm. Được biết, mức giá đền bù cây lâu năm là 23 nghìn đồng/m2, còn giá đất ở từ 400 nghìn đồng đến dưới một triệu đồng/m2 (tùy theo cung đường).

Đồng chí Hà Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết thêm: Việc GPMB chậm một phần là do người dân chưa thông chính sách, chúng tôi không thể tùy tiện áp giá đền bù diện tích đất trồng cây lâu năm thành đất ở cho người dân được. Dù năm 2001, huyện Văn Chấn cấp quyền sử dụng đất đồng loạt hạn mức 150 m2, còn lại là diện tích đất trồng cây lâu năm, nhưng người dân cũng không có ý kiến gì, bởi cái lợi của người dân là nộp thuế đất ít. Nay vướng GPMB người dân lại đưa sổ đỏ ra gây sức ép với chính quyền là chưa xác đáng; với các hộ chưa có sổ đỏ, việc áp giá đền bù rất thuận lợi theo phương pháp giá thỏa thuận, còn với các hộ có sổ đỏ rồi thì chính quyền phải làm theo luật quy định, không thể khác được.

Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2001 ở huyện Văn Chấn thì trang ba để trắng, không thể hiện sơ đồ ô thửa liền kề, dù trong hồ sơ lưu trữ của địa chính có thể hiện. Trên thực tế, người dân làm nhà ở trên đất được cấp thường hướng ra phía mặt đường, nay kiểm đếm đền bù thì gây khó khăn cho cả hai phía. Người dân có lý do là đất được cấp sổ thì làm nhà ở, phía đi GPMB thì căn cứ vào sơ đồ địa chính để ra văn bản giải quyết, hai bên còn chưa khớp nhau, khiến tiến độ thi công của dự án chậm, không đáp ứng được hợp đồng.

Theo quan sát trên toàn tuyến, do việc chọn đơn vị tư vấn thiết kế năng lực yếu, cho nên không tính toán hết độ trượt mái ta-luy, chỉ sau một cơn mưa lớn đã gây sụt lún cục bộ 23 đoạn. Đáng chú ý, một đoạn đã thảm bê-tông nhựa đã bị lún sâu, nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Qua xác định ban đầu, lỗi lún này thuộc về đơn vị thiết kế, nhiều khả năng xuất hiện hố cát-tơ do địa chất núi đá vôi của vùng núi này, khi khảo sát chưa tính toán đến.

Việc khẩn trương đưa dự án đường Sơn Thịnh - Suối Giàng vào sử dụng theo hợp đồng là cấp thiết, nhằm xóa đói nghèo ở vùng núi cao có 100% đồng bào Mông sinh sống. Đề nghị chính quyền tỉnh Yên Bái sớm có giải pháp “thấu lý, đạt tình” trong GPMB với các hộ dân, bởi số tiền hỗ trợ không nhiều; cần xem xét trách nhiệm đối với tư vấn thiết kế dự án do đường chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, thiết kế chưa phù hợp thực tế. Hạng mục trồng rừng và đường lâm nghiệp của dự án cần xem xét nghiêm túc, vì diện tích trồng rừng thực tế không có, phần diện tích đất theo quy hoạch đều do người dân quản lý, các hộ dân đang quản lý phục vụ trồng rừng đầu nguồn theo hình thức trồng phân tán, hằng năm Quỹ bảo vệ rừng đang chi trả.

Bài và ảnh: THANH SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/38402602-duong-ve-suoi-giang-cham-tien-do.html