Đúng việc - luận bàn và gợi mở

Nếu bạn còn nhiều hoang mang trong việc phân định ranh giới giữa đúng và sai, nên làm và không nên làm, giữa cái cao cả và cái thấp hèn trong chính con người mình, hãy tìm đọc cuốn 'Đúng việc' của Giản Tư Trung. Nếu bạn cần tìm một người vừa tri kỷ vừa sáng suốt để luận bàn và gợi mở về cái gọi là: Biết làm gì và cần làm gì trong mọi việc, hãy đối thoại với chính tác giả Giản Tư Trung trong cuốn: 'Đúng việc'.

Giản Tư Trung là một nhà giáo dục, một người viết có trách nhiệm với đời. Đúng như ý mà tác giả đã khẳng định từ lời chia sẻ đầu, góc nhìn của cuốn sách chính là: định nghĩa lại mọi thứ và tìm về chân giá trị cho mọi vấn đề, mục đích cao nhất là để mọi người hiểu đúng và làm tốt những công việc của mình.

Sách được thiết kế và trình bày bìa đơn giản nhưng sang trọng. Một đường xoáy trôn ốc nét mờ với những vòng mở liên tục rộng ra. Có lẽ những hiểu biết căn bản về cái gọi là đúng việc như là chìa khóa để khai mở thêm tâm trí mỗi người, đúng với thông điệp được in trên cuốn sách: “Một góc nhìn về câu chuyện khai minh”.

Tôi tò mò đặt ra câu hỏi: Tại sao loài người hay bị nhầm lẫn, vô tình hay cố ý mà làm không đúng việc, không đúng chức trách của mình?

Luận giải trên nền tảng kiến thức triết học, theo tác giả Giản Tư Trung, điều khiến con người trở nên khác biệt chính là lẽ sống. Theo cảm nhận của cá nhân tôi, nếu lẽ sống là điều kiện cần thì lẽ phải là điều kiện đủ để con người sống mạnh mẽ, kiên định. Qua rất nhiều ví dụ được diễn giải trong lịch sử triết học phương tây, phương đông và những sự kiện văn hóa lịch sử Việt Nam, tác giả khẳng định: Con người đúng nghĩa, trên đời này không có gì là trên hết, ngoại trừ lương tri và phẩm giá của mình. Con người sẽ luôn hành động theo tiếng gọi lương tri từ bên trong, điều đó vừa tạo nên niềm tin và sự vĩ đại của con người.

Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng, niềm vui, hạnh phúc của người tự trọng không chỉ là sự công nhận của người khác dành cho mình. Thầm lặng hơn, sâu sắc và yên bình hơn chính là sự đồng nhất của con người bên trong họ, khát khao và lý tưởng với hành động nhất quán bên ngoài. Chính vì được dẫn dắt bởi nội tại của bản thân hơn là bị chi phối từ bên ngoài, người tự trọng thường rất tự do và tự trị khi hành động.

Ở một kiến giải khác rất lý thú, khi bàn về ranh giới của tự do, theo tác giả Giản Tư Trung “một người được hoàn toàn tự do đối với mọi thứ liên quan đến anh ta, nhưng anh ta sẽ phải giao nộp một phần tự do của cá nhân mình nếu như sự tự do đó làm phương hại đến người khác. “Không ai có quyền hạn chế tự do của người khác với lý do là nó sẽ giúp cho người đó trở nên hạnh phúc hơn”. Bởi lẽ, đúng như tác giả nói hạnh phúc là phạm trù thuộc tự do tuyệt đối của mỗi người.

Rất sâu sắc, tác giả Giản Tư Trung đã đặt nên một vấn đề cần làm sáng tỏ đó là: Nên coi trọng bản thân mình đến mức nào để không là một con người tự do hoang dã? Nên giao nộp tự do của mình đến mức nào để không đánh mất bản thân mình? Đâu là ranh giới giữa tự do cá nhân và trách nhiệm xã hội. Những câu hỏi luôn cần phải đặt ra trong hành trình hướng tới tự trị và tự do của mình. Giản Tư Trung đã khẳng định ban đầu cuốn sách hướng tới khai mở thông qua luận bàn, nêu vấn đề, lật đi lật lại vấn đề. Ở một góc độ nào đó, tôi chợt nhớ đến câu chuyện nhỏ uyên thâm của các bậc chân tu khi dặn các học trò của mình rằng: Hãy tưởng tượng khi đọc sách cũng đồng nghĩa với việc đổ nước vào một chiếc giỏ chứa đầy muội than. Có thể chiếc giỏ không đựng được nước, nhưng đó không phải là việc làm vô ích. Sau một thời gian, chiếc giỏ sẽ sạch hơn, muội than bay bớt đi như tâm trí được thanh lọc và có điều kiện khai mở những điều tốt đẹp, nhân văn.

Vậy phải chăng, làm đúng việc sẽ trở thành hiện thực trong mỗi người khi có nhận thức đúng, nhất quán giữa nội tâm bên trong và hành động bên ngoài. Cuộc sống thiên biến vạn hóa, có những thời điểm, hoàn cảnh, buộc con người phải đưa ra những quyết định, lựa chọn. Những quyết định không dễ đưa ra, cần cân nhắc thường là quyết định cân não, ảnh hưởng cực kỳ quan trọng trong công việc và đời sống mỗi người. Lúc ấy, nếu con người bên trong đầy lương tri, tự trọng chiến thắng, hãy tự cảm ơn chính mình. Bởi lúc ấy, bạn đang đặt bước chân đầu tiên trên hành trình của những việc làm “đúng việc”. Và cũng có thời điểm, nếu lỡ có chọn sai, lầm việc, lầm đường, hãy luôn thao thức và thấu hiểu rằng bản chất của mỗi người nguyên sơ đều tốt đẹp, thiện lương. Ai cũng muốn được người khác trân trọng và thấu hiểu, cao hơn là ghi nhận và khẳng định. Được yêu thương và tôn trọng từ phía người khác và cộng đồng luôn là những nền tảng căn bản tạo nên cộng đồng hạnh phúc. Và tất nhiên, những gì bản thân mình không muốn, cũng đừng tạo nên cho người khác. Cuộc chiến trong mỗi con người luôn cam go. Hạnh phúc là đấu tranh, Mác đã nói vậy. Hạnh phúc sẽ trọn vẹn khi con người cao đẹp, lương thiện, lương tri chiến thắng và dẫn dắt mọi hành động nhất quán.

Cuốn sách “Đúng việc” của Giản Tư Trung chính là một người bạn đáng tin cậy trong hành trình tôi tự vấn tôi của mỗi người!

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/dung-viec-luan-ban-va-goi-mo/27872.htm