Dùng tinh thần 'khai sáng cách mạng' để hun đúc lý tưởng, hành động cho thanh niên

Theo các chuyên gia, vai trò lịch sử và giá trị trường tồn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên như một 'cái nôi' đào tạo cán bộ nòng cốt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tinh thần 'khai sáng cách mạng' của thế kỷ trước đang được đánh thức như một điểm tựa tư tưởng để hun đúc lý tưởng sống lớn, tư duy phản biện, và hành động thiết thực của thế hệ thanh niên hôm nay.

"Hạt giống đỏ" thực hiện sứ mệnh lịch sử

Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã để lại những giá trị trường tồn và bài học kinh nghiệm trong quá trình hoạt động đối với công tác thanh niên của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Bắt nguồn từ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và con đường đến với cách mạng vô sản, PGS.TS. Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Bác Hồ tìm được con đường cách mạng vô sản nhưng không làm cách mạng vô sản, mà giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, tức độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội.

Đó là nét sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh trong thực hiện khát vọng tìm đường cứu nước, cứu dân. Con đường đó gắn với chủ nghĩa Mác - Lênin, “cẩm nang” thần kỳ, kim chỉ nam, mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Theo PGS Phong, sau khi tìm được con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh mở lớp huấn luyện cán bộ, coi đó là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Người lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức để thành lập Đảng.

Đầu năm 1930, Hồ Chí Minh thống nhất các tổ chức cộng sản thành một tổ chức duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân làm Cách mạng tháng Tám thành công.

 PGS.TS. Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

PGS.TS. Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

Luận giải thêm về sự ra đời của Hội, TS. Phạm Thị Lương Diệu - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong tiến trình vận động cách mạng, Người xác định rằng thanh niên là lực lượng phù hợp nhất để truyền bá, tiếp nhận và thực hiện lý tưởng vô sản, bởi họ có trí tuệ mới, ít ràng buộc bởi truyền thống lạc hậu, và sẵn sàng đấu tranh cho lý tưởng.

Chính từ nhận thức này, Nguyễn Ái Quốc chủ trương xây dựng một tổ chức chính trị riêng biệt dành cho thanh niên, để từ đó đào tạo lực lượng cán bộ nòng cốt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

"Đó là lý do ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), với thành phần nòng cốt là những thanh niên yêu nước, được đào tạo về lý luận cách mạng và tổ chức", TS Diệu nói.

Tinh thần “khai sáng cách mạng”

Từ quá trình nghiên cứu, theo TS Diệu, Nguyễn Ái Quốc đã xác lập một nhận thức chiến lược muốn cách mạng thành công, phải giác ngộ và tổ chức lực lượng thanh niên - những người “chưa bị đầu độc sâu bởi ảnh hưởng thực dân”, “có tinh thần hăng hái và dễ tiếp thu lý tưởng mới”.

Với Người, thanh niên không chỉ là đối tượng cảm hóa mà là chủ thể hành động, là lực lượng nòng cốt của cách mạng vô sản.

 TS. Phạm Thị Lương Diệu - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

TS. Phạm Thị Lương Diệu - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

Tư tưởng này không chỉ thể hiện sự đánh giá cao vai trò của thanh niên mà còn là chỉ dấu cho một chiến lược lâu dài: đào tạo và tổ chức thanh niên thành lực lượng tiên phong của cách mạng.

"Nguyễn Ái Quốc tin rằng muốn thay đổi vận mệnh dân tộc, trước hết phải thay đổi thế hệ thanh niên, khai sáng lý tưởng và trang bị cho họ một thế giới quan cách mạng. Chính vì thế, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo dục lý luận chính trị đối với lớp trẻ, coi đây là “một cuộc đấu tranh giành thế hệ tương lai”, TS Diệu nói.

Trong xu thế cách mạng mới với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thời cơ và thách thức, TS. Diệu cho rằng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần nhìn lại tinh thần “khai sáng cách mạng” của Hội như một điểm tựa lịch sử để làm mới tư duy tổ chức và giáo dục thanh niên.

"Không chỉ là tổ chức phong trào, mà là cách tạo ra một hệ thống tổ chức biết khai sáng tư tưởng - khơi dậy lý tưởng - kích hoạt hành động. Đó chính là giá trị cốt lõi của Hội năm xưa - nơi thanh niên không chỉ được truyền lửa cách mạng, mà còn được rèn luyện để trở thành người “biết lý luận, giỏi tổ chức, dám hành động” - những hạt giống đỏ của Đảng trong tương lai", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Từ đó, nữ chuyên gia cho rằng, tổ chức Đoàn cần khôi phục lại “tư duy tổ chức khai sáng” theo ba hướng: Khai sáng tư tưởng - giáo dục thanh niên không chỉ bằng khẩu hiệu mà bằng hệ giá trị - lý tưởng sống lớn, khát vọng cống hiến, tư duy phản biện chính trị, và bản lĩnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Khai sáng tổ chức - làm mới mô hình tổ chức Đoàn để không bị hành chính hóa, phong trào hóa đơn thuần; mà trở thành môi trường phát triển năng lực lãnh đạo, quản trị xã hội, làm việc cộng đồng.

Khai sáng hành động - từ khởi nghiệp, chuyển đổi số, tình nguyện, hội nhập quốc tế đến bảo vệ chủ quyền, mỗi thanh niên phải thấy mình trong một vai trò cụ thể gắn với vận mệnh đất nước.

 Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: Xuân Tùng

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: Xuân Tùng

 TS. Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

TS. Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

TS. Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư cho rằng, công tác thanh niên ngày nay cần chú trọng và tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc cho thanh niên.

"Tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong thanh niên một cách mạnh mẽ, thiết thực, sáng tạo và hiệu quả cao gắn với thực tiễn của đất nước, đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ. Phát huy vai trò tự giác, tự nguyện của thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên phát huy sáng kiến, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động và cống hiến cho đất nước", TS. Nguyễn Văn Hùng nói.

Những bài học ấy vẫn là kim chỉ nam cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đảng và Nhà nước ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của thanh niên xung kích, sáng tạo trong xây dựng kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số, công dân số, góp phần bảo vệ, xây dựng và phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Hội thảo khoa học “Sứ mệnh của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng” kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925 - 6/2025).

Chủ trì hội thảo có Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang.

Châu Linh - Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dung-tinh-than-khai-sang-cach-mang-de-hun-duc-ly-tuong-hanh-dong-cho-thanh-nien-post1756012.tpo