Đừng bất chấp để làm…. đẹp

Nắm bắt tâm lý khách hàng mong muốn làm đẹp vừa rẻ, lại nhanh và tiện…, các dịch vụ làm đẹp nở rộ, được quảng cáo bằng những mỹ từ, với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn. Không ít chị em tin theo những lời quảng cáo hấp dẫn đó, để rồi gặp phải hàng loạt tai biến. Làm đẹp là một nhu cầu chính đáng, nhưng gặp nạn vì làm đẹp thì thật oan uổng.

Nhu cầu làm đẹp: chọn "dao kéo" hay tự nhiên?

Những chiếc mũi S-line, những chiếc cằm V-line, hay một đôi môi cánh én mazda… đang được coi là những hottrend trong phẫu thuật thẩm mỹ mà nhiều chị em hướng tới.

“Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết cách làm đẹp”, bởi vậy mà đang có rất nhiều các dịch vụ làm đẹp nổi lên, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ. Nhiều người không ngần ngại thổ lộ muốn "dao kéo" những bộ phận không hài lòng trên khuôn mặt hoặc cơ thể mình.

Làm công việc marketing cho một thương hiệu làm đẹp, phải thường xuyên gặp đối tác nên việc chăm sóc vẻ bề ngoài với chị Vũ Bích Ngọc (phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) là điều vô cùng quan trọng. Là một người phụ nữ hiện đại, chị không ngần ngại bỏ thời gian và chi phí để phục vụ cho việc làm đẹp, chăm sóc bản thân, điều đó giúp chị cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp với khách hàng và đối tác.

Những chiếc mũi S-line, những chiếc cằm V-line, hay một đôi môi cánh én mazda… đang được coi là những hottrend trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Tiền mất, tật mang vì.. thẩm mỹ chui

Chuẩn mực nhan sắc đang ngày một thay đổi. Thân hình mũm mĩm, gương mặt tròn... giờ đã nhường chỗ cho thân hình thắt đáy lưng ong, cằm V-line, vòng eo con kiến, má baby, lông mày lá liễu… Câu nói "đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên" dường như “ăn vào máu” của nhiều phụ nữ. Một vài năm gần đây, việc phẫu thuật hay tiểu phẫu thẩm mỹ, “trùng tu” lại nhan sắc không chỉ dành riêng cho quý bà, quý cô rủng rỉnh tiền bạc mà còn lan sang giới trẻ. Chưa bao giờ, câu chuyện “tu sửa” nhan sắc lại trở thành chủ đề được phái nữ quan tâm như hiện nay.

Gần đây, rất nhiều người bị biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới hình thức, sức khỏe cũng như tính mạng sau khi làm đẹp tại những cơ sở không được cấp phép, do những người không có chuyên môn thực hiện.

Theo số liệu của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP. Hà Nội, hiện nay có khoảng 3.000 cơ sở thẩm mỹ chui hoạt động, dưới những vỏ bọc như spa, các cơ sở chăm sóc da, nhưng thực chất bên trong lại là những phòng phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ vì đặt niềm tin nhầm chỗ nên nhiều người đã phải trả giá đắt, trở thành nạn nhân của những cơ sở thẩm mỹ kiểu này, thậm chí có người đã phải trả giá bằng cả tính mạng.

Đã có nhiều người bị biến chứng sau khi làm đẹp ở các cơ sở chui.

Tiền mất, tật mang vì thẩm mỹ chui

Chị Nguyễn Trịnh Thị M. (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) bức xúc khi kể lại việc chị đã thực hiện bơm ngực tại cơ sở spa tại quận Cầu Giấy và sau đó bị biến chứng. Vì tin lời quảng cáo trên mạng và được tư vấn hấp dẫn, chị đã tin tưởng sử dụng dịch vụ bơm ngực tại phòng riêng của spa ở một khu chung cư.

Chị M. cho biết, theo cơ sở tư vấn thì khi bơm filler, ngực của chị em sẽ đẹp tự nhiên, không đau, với giá 6 triệu. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày tiêm, ngực của chị M. đã bị biến chứng, nhiễm trùng nặng và phải nhập viện phẫu thuật gấp.

Do chị M. không tố giác nên cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động công khai. Bởi vậy, khi phóng viên đóng vai khách hàng gọi điện muốn làm dịch vụ bơm ngực bằng số điện thoại mà chị M. cung cấp thì cũng được tư vấn với những ưu đãi hấp dẫn. Kết thúc cuộc gọi, sau 5 phút, cơ sở spa hoạt động chui đã nhắn tin cung cấp địa chỉ cho PV tại khu chung cư 38 Hoàng Ngân (Trung Hòa, Cầu Giấy) để thực hiện dịch vụ bơm ngực.

Không chỉ có chị M mà nhiều phụ nữ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nữ 25 tuổi suýt nữa bị hoại tử mất đôi môi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đôi môi bị biến dạng, sưng nề, đau rát, chảy nhiều dịch mủ. Đây là hậu quả của phẫu thuật cắt môi trái tim tại một cơ sở ở chung cư Newcity (huyện Hoài Đức, Hà Nội), chỉ vì tin theo lời quảng cáo trên facebook Nghiêm Hằng (có 24 nghìn người theo dõi).

Vì tin lời quảng cáo trên mạng và được tư vấn hấp dẫn, nên nhiều người đã lâm vào tình cảnh "tiền mất, tật mang".

Phóng viên Đài Hà Nội đã theo đoàn đại diện chính quyền huyện Hoài Đức, cơ quan chức năng và chuyên môn địa phương tới kiểm tra đột xuất cơ sở spa này. Sau 30 phút bấm chuông, chủ cơ sở spa mới mở cửa. Tại căn hộ 2012 được chủ cơ sở spa thuê ở và thực hiện dịch vụ làm đẹp chui, những dụng cụ làm đẹp cho khách đã được cất giấu. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện bông băng, kim tiêm được cất giấu trong máy giặt. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở thừa nhận mình không phải là bác sĩ thẩm mỹ mà chỉ nhận là học Cao đẳng Dược.

Trường hợp biến chứng, thẩm mỹ hỏng, thậm chí mất mạng do làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không phép không còn là chuyện hiếm. Phụ nữ cần sáng suốt lựa chọn những cơ sở đã được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động theo quy định để tránh những rủi ro cho bản thân.

Làm đẹp, phải an toàn.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dung-bat-chap-de-lam-dp-234857.htm