Đức Pháp chủ GHPGVN: 'Một đạo Phật phù hợp với tâm hồn của dân tộc Việt'

Theo lịch sử, Đức Phật đản sanh tại Ấn Độ, nên Ngài theo phong tục tập quán xưa của xứ Ấn mà khai phương tiện giáo hóa để người dân Ấn được sống trong sự an lành theo tinh thần đó.

Đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang phương Đông, người Trung Hoa bấy giờ có văn hóa riêng nên ban đầu họ chưa dễ dàng chấp nhận Phật giáo. Đến thời ngài Cưu-ma-la-thập sang hoằng pháp, ngài nhận thức về bản sắc văn hóa của Trung Hoa nên mới đem hạt giống trí tuệ của đạo Phật gieo vào mảnh đất Trung Hoa, kết hợp với Lão giáo và Khổng giáo.

Từ đó, có được những con người như các ngài Tăng Duệ, Tăng Triệu và Đạo Sanh. Những vị này xiển dương đạo Phật theo tinh thần Tam giáo tại Trung Hoa. Đến thời Tùy - Đường, Phật giáo tại Trung Hoa phát triển đỉnh cao, được vua chúa và nhân dân chấp nhận, trở thành một tôn giáo được nhiều người theo, để lại di sản Phật giáo Hán truyền có dấu ấn lớn với Phật giáo thế giới.

Việt Nam tiếp thu Phật giáo từ Ấn Độ và Trung Hoa, chúng ta đã chọn lọc tinh hoa để hình thành Phật giáo mang bản sắc riêng, phù hợp với tâm hồn của dân tộc Việt. Trong quá trình tiếp nhận, vận động và phát triển, kế thừa và phát huy đến đỉnh cao Phật giáo Việt Nam là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Những gì thể hiện qua hành trạng và tư tưởng khẳng định ngài đã thấy được, biết được, chứng ngộ được những giá trị đất nước và dân tộc cần.

Chúng ta biết Phật giáo Trung Hoa có một nhân vật đặc biệt là Huệ Năng. Ngài là Lục tổ của Thiền tông Trung Quốc. Thiền tông được truyền từ Sơ tổ Đại Ca Diếp, vốn dĩ tu theo hạnh đầu-đà, nhưng chính từ thời ngài đã có nhận thức rằng hạnh đầu-đà khó có thể phổ biến cho quần chúng nên mới truyền pháp cho ngài A Nan, để ngài kết hợp với nền tảng tư tưởng tự thân xây dựng nên thời kỳ Phật giáo Nalanda với chủ trương Giáo tông. Đến thời các ngài Long Thọ, Thế Thân, tư tưởng này phát triển đến đỉnh cao, khi tiến từ Nguyên thủy, qua Bộ phái rồi lên Đại thừa, nhằm phù hợp văn hóa dân tộc Ấn Độ và để được dân tộc chấp nhận, duy trì sự tồn tại của Phật giáo trên nền tảng văn hóa của mình.

Phật giáo tại Trung Hoa cũng thế, đến thời ngài Huệ Năng là người Trung Hoa, mang tâm hồn của Trung Hoa, đặc thù văn hóa của dân tộc Trung Hoa nên đưa Phật giáo đến đỉnh cao ở đất nước này.

Truyền trao tâm ấn chính là sự giao cảm, gặp gỡ của nhận thức, cái thấy biết đồng nhau. Chúng ta phải thấy biết như thế mới có thể tìm được pháp phương tiện thích hợp từng người, từng chỗ, từng lúc mà giảng nói khác nhau. Vì tất cả các pháp hiện hữu đều là phương tiện.

Việt Nam tiếp thu Phật giáo từ Ấn Độ và Trung Hoa, chúng ta đã chọn lọc tinh hoa để hình thành Phật giáo mang bản sắc riêng, phù hợp với tâm hồn của dân tộc Việt. Trong quá trình tiếp nhận, vận động và phát triển, kế thừa và phát huy đến đỉnh cao Phật giáo Việt Nam là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Những gì thể hiện qua hành trạng và tư tưởng khẳng định ngài đã thấy được, biết được, chứng ngộ được những giá trị đất nước và dân tộc cần.

Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người Việt; thấy biết được tình thế, hoàn cảnh của một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn. Chính vì tâm tư và trăn trở cho dân tộc, nên mới có quyết sách và chiến lược đúng đắn, phù hợp, trong đó có hai lần đánh thắng quân Nguyên, một đội quân đã đánh chiếm khắp hai phần ba thế giới. Trên thế giới chỉ có Nhật Bản và Việt Nam từng đánh bại quân Mông - Nguyên. Trong khi Nhật Bản thắng quân Nguyên nhờ vào lợi thế thiên nhiên, Việt Nam chúng ta chiến thắng Mông - Nguyên trên yếu tố con người. Chính con người Việt Nam, trong lúc khó khăn nhất đã trui rèn sức chịu đựng càng vững mà làm nên điều phi thường.

Nếu có niềm tin sâu sắc vào Đại thừa, có thể thấy Trần Nhân Tông xuất hiện trong thời gian đó là để giúp cho dân tộc. Ngược dòng lịch sử, có thể thấy Trần Nhân Tông sinh ra là một con người phi thường, có mặt trên cuộc đời này để làm việc lớn. Nửa đời trước, ngài là một con người của đất nước, đóng góp vĩ đại cho dân tộc; nửa đời sau khi xuất gia tu hành thì đóng góp lớn cho đạo Phật, văn hóa và đạo đức mang bản sắc nội lực Việt Nam.

Khi đã xuất gia tu học, ý chí rất mạnh mẽ vì với ngài ngai vàng chỉ như chiếc giày rách. Từ con người lịch sử này, người xuất gia theo Phật cũng cần nhận thức công danh, phú quý cũng như mạt vàng rơi vào mắt. Vàng thì quý nhưng mạt vàng rơi vào mắt thì sẽ gây ra mù lòa. Người tu vướng mắc vào công danh, phú quý thì không thể thấy được chân lý. Làm người mà mù trước chân lý thì rất uổng phí!

Chúng ta phải thấy rằng Phật giáo có tính đa dạng, linh hoạt rất cao. Xã hội như thế nào, Phật giáo phải tùy thuận như thế để giáo hóa chúng sanh. Mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một hiểu biết, khi làm đạo chỗ nào thì tùy theo hiểu biết nơi đó, tùy hoàn cảnh và văn hóa nơi đó mà giáo hóa, đem lại lợi lạc cho số đông chớ không giáo điều, cho rằng mọi thứ phải nhất định theo sự chỉ bày của một ai đó mà không thể làm khác đi.

Nửa đời sau của ngài Trần Nhân Tông, khi làm người xuất gia, dành trọn vẹn để trùng hưng đạo Phật Việt Nam. Ngài xuất gia và hành lối sống đầu-đà, nhưng hạnh đầu-đà của Phật hoàng Trần Nhân Tông không giống như ngài Ca Diếp. Ngài Ca Diếp khi vào thành Tỳ-xá-ly, một tòa thành sang trọng để khất thực, dân chúng trong thành không tiếp đón ngài. Bởi vì, trong tâm thức của cư dân Tỳ-xá-ly không quen thuộc với hình ảnh đầu-đà ấy.

Chỉ đến khi Đức Phật biết điều đó và dạy mời ngài Ca Diếp vào và chia nửa tòa ngồi thì mọi người, trong đó có dân chúng Tỳ-xá-ly mới nhận ra sự cao quý và chấp nhận ngài Ca Diếp. Đức Phật nhân việc đó mới bảo ngài Ca Diếp tu hạnh đầu-đà như thế đã đủ, bởi cốt yếu của hạnh đầu-đà là để tâm trong sạch. Khi tâm đã trong sạch, Thánh quả đã thành thì việc hành hạnh đầu-đà không cần thiết nữa. Tuy nhiên, Tôn giả Ca Diếp xin phép Đức Phật được hành đầu-đà trọn đời vì đã quen nếp sinh hoạt ấy, trước khi đến với Phật. Vì vậy, trong giai đoạn sau của ngài Ca Diếp, hạnh đầu-đà duy trì ở việc mặc y phấn tảo và sống với tầng lớp quần chúng nghèo khổ ở Ấn Độ để tìm cách dìu dắt họ vượt thoát khổ đau thế gian. Hạnh đầu-đà của ngài Ca Diếp bấy giờ là phương tiện độ sanh.

Chúng ta cần nhận thức rõ tính phương tiện khi thấy hai hình ảnh đối lập của hai vị Thánh đệ tử Phật, đó là ngài Ca Diếp chỉ đi khất thực nơi xóm nghèo để độ người tầng lớp thấp, và ngài Tu Bồ Đề chỉ khất thực nơi nhà giàu có để độ cho tầng lớp trí thức trong xã hội Ấn Độ cổ đại.

Qua đó, chúng ta phải thấy rằng Phật giáo có tính đa dạng, linh hoạt rất cao. Xã hội như thế nào, Phật giáo phải tùy thuận như thế để giáo hóa chúng sanh. Mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một hiểu biết, khi làm đạo chỗ nào thì tùy theo hiểu biết nơi đó, tùy hoàn cảnh và văn hóa nơi đó mà giáo hóa, đem lại lợi lạc cho số đông chớ không giáo điều, cho rằng mọi thứ phải nhất định theo sự chỉ bày của một ai đó mà không thể làm khác đi.

Chúng ta học Phật nên phải nhận thức đúng đắn, hạnh đầu-đà mà Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành là tâm đầu-đà. Tâm chưa tốt nên phải hành đầu-đà để tâm thanh tịnh. Trên bước đường tu, hành đầu-đà để chứng nhập pháp thân. Muốn hiển lộ pháp thân phải tu Giới - Định - Tuệ - Giải thoát - Giải thoát tri kiến. Chúng ta có tâm giữ giới, có tâm định, có tâm sáng, có tâm giải thoát, có tâm không dính mắc tri kiến thì mới xây dựng được nền tảng tâm linh cho quần chúng quy ngưỡng như lời Đức Phật đã dạy.

Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hạnh đầu-đà nhưng không ở gò mả, ngủ ở nghĩa địa, không phải đi khất thực. Bởi vì khất thực là để dẹp bỏ tâm tham ái, khi còn tham nhiễm, suy xét thì khất thực lúc đó thành ra phi pháp. Tất cả các pháp đầu-đà đều cần được ứng dụng vào cuộc sống, Phật hoàng Trần Nhân Tông hành đầu-đà khi giữ tâm thanh tịnh, tâm đầu-đà của ngài không còn vướng bận bất cứ điều gì, tâm ấy mới sáng và chứng nhập được pháp. Vì vậy, hành đầu-đà của Phật hoàng Trần Nhân Tông mới đem lại lợi ích cho Dân tộc và cho Phật giáo.

Hầu hết chúng ta chỉ lo tìm kiếm bên ngoài mà không tìm kiếm ngay trong lịch sử của dân tộc mình, lời dạy của tổ tiên, ông cha mình. Khi tâm chúng ta sáng thì mới thấy và biết được tâm của người khác.

Phật hoàng Trần Nhân Tông có bài Cư trần lạc đạo phú. Trong đó, hai câu cuối “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm” mang giá trị rất lớn. Phật hoàng đã thấy được viên ngọc quý trong lòng, đã thấy Phật tánh nên không cần tìm kiếm, không hướng ngoại để mong cầu điều gì tốt đẹp cho mình, cho đất nước mình.

Hầu hết chúng ta chỉ lo tìm kiếm bên ngoài mà không tìm kiếm ngay trong lịch sử của dân tộc mình, lời dạy của tổ tiên, ông cha mình. Khi tâm chúng ta sáng thì mới thấy và biết được tâm của người khác. Như cách Đức Điều ngự Trần Nhân Tông nhìn thấy pháp khí Đại thừa và chọn người để gởi gắm, truyền trao trọng trách khi gặp Đồng Kiên Cương - để chúng ta có Tổ Pháp Loa khi tuổi mới ngoài hai mươi. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng không dạy cho Đồng Kiên Cương những điều cao siêu mà chỉ dạy Luật Tỳ-ni. Còn về tâm pháp, giữa Phật hoàng và Pháp Loa có sự tương cảm do Phật tánh sáng soi, nên truyền thừa giữa hai vị là tâm truyền. Và truyền thừa mà Phật hoàng muốn chúng ta thấy, biết, như đã truyền cho Pháp Loa là làm được những điều có ích, trước hết là cho Dân tộc và Phật giáo.

Tôi cũng mong tất cả Tăng Ni, đặc biệt là các vị tham dự Tuần huân tu năm nay cùng suy ngẫm, xem đó là một công án, để sau khi kết thúc 10 ngày huân tu trình kiến giải trước Giác linh Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN (Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận) nhân tưởng niệm ngày ngài viên tịch, do Hội đồng Chứng minh tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

(Đạo từ của Đức Pháp chủ GHPGVN trong lễ Tưởng niệm 716 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, tại Việt Nam Quốc Tự ngày 1-12-2024, Phước Hiền lược ghi)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/duc-phap-chu-ghpgvn-mot-dao-phat-phu-hop-voi-tam-hon-cua-dan-toc-viet-post74513.html