Đưa quan hệ ASEAN - Nhật Bản trở thành hình mẫu

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản vừa qua đạt được nhiều bước tiến bộ lớn khi tạo ra nền tảng vững chắc, cũng như khai mở cơ hội hợp tác lớn.

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào ngày 17/12. Ảnh: Reuters

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào ngày 17/12. Ảnh: Reuters

“Thời điểm vàng”

Bình luận từ truyền thông quốc tế cho biết, bao trùm Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản là không khí tin cậy và thân tình, đoàn kết. Đặc biệt, ASEAN và Nhật Bản đã thống nhất nhận định và cùng đề cao tầm quan trọng, giá trị của quan hệ đối với mỗi bên cũng như toàn khu vực.

Phân tích từ giới chuyên gia chính trị châu Á, mối quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản đang cho thấy sức sống năng động, thực chất và hiệu quả nhất trong các mối quan hệ đối ngoại của ASEAN. Quan hệ ASEAN - Nhật Bản cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời đóng góp vào hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của toàn khu vực.

Điểm đáng chú ý tại hội nghị cấp cao vừa qua, các nhà lãnh đạo của hai bên đã nhất trí thông qua "Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy" và "Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn", làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản thời gian tới.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, với khẩu hiệu “Tình hữu nghị vàng, những cơ hội vàng”, hội nghị vừa qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên thực tế, “cột mốc” tròn 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ASEAN-Nhật Bản cũng là “thời điểm vàng” để các nhà lãnh đạo hai bên cùng nhìn lại quá trình hợp tác, từ đó đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển, tạo thêm xung lực mới cho quan hệ, phù hợp với tầm mức mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được nâng cấp kể từ tháng 9/2023.

Mặt khác, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hội nghị cũng là dịp để người dân ASEAN và Nhật Bản, cũng như toàn thế giới và khu vực hiểu rõ hơn về giá trị và đóng góp quan trọng của quan hệ ASEAN - Nhật Bản đối với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản vừa qua ghi nhận 3 kết quả đáng chú ý. Trước hết là hai bên cùng đề cao vai trò và giá trị của mối quan hệ hai bên; thống nhất tăng cường phối hợp trong xây dựng một cấu trúc khu vực mở dựa trên luật lệ để đóng góp vào việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực. Tiếp đó, ASEAN và Nhật Bản đạt nhất trí cao về các biện pháp hợp tác “đồng kiến tạo” kinh tế và xã hội tương lai, đẩy mạnh thương mại và đầu tư đi đôi với củng cố các chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường của nhau, thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới nổi, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... Đồng thời, lãnh đạo hai bên thống nhất làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị - an ninh, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế nhằm chung tay ứng phó các thách thức khu vực và toàn cầu.

Hình mẫu hóa quan hệ ASEAN - Nhật Bản

Đóng góp quan trọng vào thành công chung của mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản nói chung và hội nghị cấp cao vừa qua, Việt Nam được đánh giá đã tham gia chủ động, tích cực. Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản vượt qua những thời điểm khó khăn, thử thách xuyên suốt nửa thế kỷ qua. Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN - Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển ở khu vực.

Một phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào ngày 17/12. Ảnh: Reuters

Một phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào ngày 17/12. Ảnh: Reuters

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến những “cơn gió ngược”, những thách thức chưa từng có tiền lệ, ASEAN và Nhật Bản càng cần củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trở thành một hình mẫu nhân tố tích cực đóng vai trò quan trọng môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển ở khu vực. “Để hiện thực hóa mục tiêu đó cần tăng cường hơn nữa phối hợp chiến lược ASEAN - Nhật Bản cùng nhau thúc đẩy xây dựng cấu trúc khu vực mở dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm; đẩy mạnh kết nối kinh tế hiệu quả thông qua chuyển đổi số, chuyển đổi xanh kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, cùng nghiên cứu triển khai một số dự án hợp tác cụ thể kết nối chặt chẽ tầm nhìn của Nhật Bản và tầm nhìn ASEAN, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, tự do rộng mở” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế - thương mại, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản sửa đổi và các hiệp định thương mại mà hai bên cùng là thành viên; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp thông minh..., đưa các lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới, sức sống mới cho hợp tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản thời gian tới.

Đối với Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nước này tích cực hỗ trợ các nước ASEAN thuộc tiểu vùng sông Mekong ứng phó hiệu quả các vấn đề biến đổi khí hậu, phòng ngừa và ngăn chặn thiên tai, dịch bệnh. Nhật Bản cần sớm cùng các nước tiểu vùng sông Mekong khởi động lại cơ chế hợp tác sông Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững cho các nước tiểu vùng sông Mekong với tinh thần không để ai bỏ lại phía sau. Sự phát triển của các nước tiểu vùng sẽ đóng góp tích cực cho ASEAN và đối tác chiến lược toàn diện ASEAN- Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng và bền vững, lấy tin cậy chính trị, làm nền tảng, hợp tác kinh tế làm động lực và lấy giao lưu nhân dân làm trung tâm.

Đặc biệt trong khuôn khổ hội nghị, tại Phiên thảo luận về đối tác “từ trái tim đến trái tim”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đẩy mạnh các hoạt động hợp tác văn hóa-xã hội, giao lưu nhân dân giữa hai bên phải được phục hồi nhanh, mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch Covid-19; phải cụ thể hóa hợp tác bằng các hành động cụ thể mang lại lợi ích cho người dân, trong đó tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, cần mở rộng các chương trình học bổng; tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam và các nước ASEAN tại Nhật Bản sinh sống, học tập và làm việc, tiếp tục đơn giản hóa và tiến tới sớm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Giờ đây, nhiệm vụ của chúng ta là cụ thể hóa quan hệ từ trái tim đến trái tim trở thành quan hệ từ hành động đến hành động và từ cảm xúc đến hiệu quả với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực cụ thể để khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản với nền tảng vững chắc như núi Phú Sĩ và cơ hội hợp tác rộng lớn như Biển Đông, thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân và đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới”.

Có thể nói, những đóng góp và kiến nghị cụ thể của Việt Nam đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu của hợp tác ASEAN - Nhật Bản trong giai đoạn phát triển mới, được phản ánh trên nhiều nội dung trong “Tuyên bố tầm nhìn” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố” được ASEAN và Nhật Bản thông qua.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dua-quan-he-asean-nhat-ban-tro-thanh-hinh-mau-post470707.html