Dự thảo Luật Nhà giáo: Tránh tình trạng trá hình, tự nguyện học thêm cũng không được thu tiền
Sáng 7/2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị làm rõ hơn hành vi ép buộc tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nếu tự nguyện học thêm thì không được thu tiền, để tránh tình trạng trá hình.
![Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. (Nguồn: Quochoi.vn)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_194_51421137/449f0d25346bdd35847a.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. (Nguồn: Quochoi.vn)
Bỏ quy định tăng 1 bậc lương
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Về tuyển dụng nhà giáo, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.
Về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một số ý kiến tán thành quy định tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; một số ý kiến còn băn khoăn, chưa đồng thuận với quy định này và đề nghị cần đánh giá tác động của chính sách trong mối tương quan chung với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; việc cải thiện chính sách tiền lương cho công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán đồng bộ trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm".
Theo Dự Luật, nhà giáo được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ điều kiện thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; đồng thời bổ sung tiêu chí “đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục”. Trong thời gian được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.
![Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thảo luận tại phiên họp. (Nguồn: Quochoi.vn)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_194_51421137/aa25e19fd8d1318f68c0.jpg)
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thảo luận tại phiên họp. (Nguồn: Quochoi.vn)
Tự nguyện học thêm cũng không được thu tiền
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy định quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học là quy định có tính “cách mạng”, góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Việc hình thành doanh nghiệp công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo 'vườn ươm' công nghệ, đóng góp tích cực trong sự phát triển khoa học công nghệ, đồng thời 'cởi trói' cho các nhà công nghệ, vừa là các nhà giáo trong các trường đại học lớn”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Dẫn chứng Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm đang được dư luận xã hội quan tâm, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị làm rõ, chi tiết hơn quy định cấm “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” và để tránh trá hình bằng hình thức viết đơn “tự nguyện học thêm” của phụ huynh.
Bày tỏ sự quan tâm đến quy định về “những việc không được làm” liên quan đạo đức nhà giáo, bà Hải cho biết, dự thảo luật đã liệt kê những việc không được làm. Tuy nhiên, những hành vi này luôn muôn hình vạn trạng. “Có nên đưa thêm điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết, khi phát sinh hành vi mới thì xử lý dễ hơn”, Trưởng ban Công tác đại biểu nói.
Về hành vi ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, ép buộc người học nộp các khoản tiền, hiện vật ngoài quy định pháp luật, bà Hải bày tỏ mong muốn quy định rõ hơn nữa.
“Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang có quy định dạy thêm, học thêm được xã hội quan tâm cũng là lấy gốc từ luật này. Tôi muốn, quy định rõ hơn. Cấm ép buộc người học tham gia học thêm nhưng nếu người học thêm tự nguyện thì vẫn được”, bà Hải băn khoăn.
Bà Hải đề nghị, học thêm dù hình thức tự nguyện nhưng cũng không được thu tiền như vậy sẽ tránh tình trạng trá hình. “Vì việc ép buộc hay không ép buộc rất là khó xác định. Trường hợp không ép buộc thì có đơn tự nguyện và phụ huynh cũng phải viết đơn tự nguyện”, bà Hải nêu thực tế.
Môi trường giáo dục rất khác, học sinh có thể không muốn đi học nhưng nếu không đi học lại bị phân biệt đối xử, đặc biệt là học sinh tiểu học hoặc THPT. Từ đó, bà Hải đề nghị làm rõ hơn hành vi cấm ép buộc tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nếu tự nguyện cũng không được thu tiền.
Bà Hải nhấn mạnh: “Nếu dạy thêm mà dạy học sinh chính khóa của mình rất là tốt vì giáo viên nắm được chất lượng học của học sinh, bồi dưỡng học sinh làm sao cho học sinh tiến bộ đồng đều các bạn. Trong trường hợp học sinh muốn học nhiều hơn nữa, có thể ra học ở các trung tâm. Giáo viên có thể đăng ký dạy ở đó”.
Như vậy, học sinh và phụ huynh có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính và người học cũng lựa chọn bình đẳng ở các trung tâm.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, hiện nay tinh thần xây dựng luật không đi vào chi tiết. "Luật định hướng nên chủ yếu đưa vào một vài nguyên tắc còn đi vào chi tiết sẽ dài dòng, có khi không bao quát hết”, ông Sơn nói.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng GD&ĐT hứa sẽ rà soát nhưng các nội dung chi tiết hơn sẽ đưa vào quy định của Chính phủ.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, cập nhật các quy định pháp luật đang được sửa đổi, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 khóa XV.