Du lịch phục hồi tăng trưởng nhưng tỷ lệ khách quay lại vẫn thấp

Số lượng du khách của du lịch Việt Nam đã đạt mức như trước dịch Covid-19 nhưng vẫn còn đó băn khoăn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Tăng trưởng có thể vượt kì vọng

Đầu tháng 7/2023, theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng khách lớn nhất 6 tháng đầu năm đến từ Hàn Quốc với 1,6 triệu lượt khách, tiếp theo là Trung Quốc - thị trường vừa mở cửa từ 15/3 năm nay vươn lên vị trí thứ hai với 557.000 lượt khách và thứ ba là Mỹ với 374.000 lượt.

Về mức độ phục hồi so với mức trước dịch, 5 thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 đã vượt mức cùng kì năm 2019 gồm Campuchia (338%), Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108,4%) và Singapore (107,4%). Hai thị trường phục hồi về gần mức năm 2019 là Mỹ (95%), Australia (92%). Bên cạnh đó, các thị trường Hàn Quốc (77%), Anh (78,5%), Đức (83,7%), Pháp (68,6%) đều phục hồi tốt.

Còn theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Destination Insights của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng trong Top đầu thế giới. Từ vị trí thứ 11 lên thứ 6, Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.

Thống kê trên cho thấy nhu cầu du lịch Việt Nam của khách quốc tế đang hồi phục ở tốc độ cao, mở ra cơ hội tốt để thúc đẩy thị trường tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, với những chính sách mới mang tính đột phá tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh, ngành du lịch Việt Nam có động lực để hấp dẫn thêm khách quốc tế và tăng doanh thu cho các doanh nghiệp lữ hành khi du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Số lượng khách du lịch quốc tế 6 tháng đầu năm 2023 đã quay lại như mức trước dịch Covid-19.

Phát biểu về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam dự báo thị trường khách du lịch quốc tế nói chung còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm.

“Động lực lớn để hút khách quốc tế là các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8. Do đó, khả năng cao ngành du lịch sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay”, ông Hà Văn Siêu đánh giá.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing và Truyền thông Công ty Du lịch TSTtourist, cho rằng Tp.HCM là một trung tâm du lịch lớn của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành. Hoạt động liên kết cũng đã tạo được nhiều cơ hội để phục hồi du lịch sau dịch bệnh Covid-19.

"Thời gian qua, du lịch Tp.HCM đã có những yếu tố tích cực trong xây dựng sản phẩm du lịch, mỗi quận - huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần tạo nét riêng, khác biệt và là cơ hội để người dân và du khách hiểu nhiều hơn những điểm đến thú vị trên địa bàn", ông Nguyễn Minh Mẫn nói.

Nỗi lo “đi trước về sau”

Lạc quan là vậy nhưng khi so sánh Việt Nam với các quốc gia trong khu vực thì còn đó nhiều nỗi lo. Cụ thể, lĩnh vực lưu trú khách sạn ghi nhận chỉ đạt 67% so với năm 2019, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 93% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho dù Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực thực hiện mở cửa, theo báo cáo công bố hồi cuối tháng 6/2023 của JLL.

Còn báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam vẫn theo xu hướng giảm và chưa có biện pháp giải quyết. Nếu như năm 2019 - thời điểm bùng nổ của ngành du lịch Việt Nam, tỷ lệ khách quay lại chỉ đạt 10% - thấp hơn nhiều so với Thái Lan (82%) và Singapore (89%), thì tới năm 2022, con số này tiếp tục giảm xuống mức 5% và các tháng đầu năm 2023 cũng chưa cải thiện nhiều.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhìn nhận, Việt Nam có thừa công suất lưu trú, các hãng hàng không thừa máy bay, tiềm năng du lịch đủ tốt để du khách quốc tế có thể lựa chọn, nhưng đang đánh mất dần 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Nga, trong khi Thái Lan đã và đang khai thác rất tốt 2 nguồn khách này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation cho hay, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch hiện tại là vốn nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng lại rất khó khăn. Các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp du lịch phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn, trong khi du lịch là ngành dịch vụ hoàn toàn có thể được nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hướng chứng minh dòng tiền trong tương lai.

Còn ThS. Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang nhận xét, để hướng đến du lịch bền vững, giải pháp được chia làm 3 nhóm: nhóm giải pháp cần sự hỗ trợ của chính phủ; nhóm giải pháp do doanh nghiệp lữ hành chủ động thực hiện và nhóm giải pháp mà mỗi cá nhân người dân/khách du lịch có thể thực hiện.

Về sự hỗ trợ của Chính phủ, ngành du lịch cần đa dạng hóa thị trường khách du lịch và có chính sách riêng cho từng thị trường. Việc đa dạng hóa này để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, từ đó có thể hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới. Việt Nam cần chứng minh là sẽ làm tốt vai trò của một điểm đến an toàn, thân thiện và có giá trị cao.

Đối với doanh nghiệp, bà Thanh đề xuất tiếp tục phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của du khách, tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi vùng miền. Đặc biệt, doanh nghiệp nên ưu tiên thực hiện dự án du lịch có giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-lich-phuc-hoi-tang-truong-nhung-ty-le-khach-quay-lai-van-thap-a615483.html