Du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ 'hữu cơ', sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn.

Sáng 22/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”.

Sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (51 sản phẩm 5 sao).

Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương - cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã bước sang năm thứ 13, khi tổng kết chương trình giai đoạn 1 (2010 - 2015), chương trình có bất cập đó là khá nhiều đia phương còn tập trung quá nhiều cho phát triển hệ thống hạ tầng mà chưa chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập của người dân ở nông thôn.

Tuy nhiên, ở những năm đầu tiên ở giai đoạn 2 chương trình, từ năm 2016, Ban Chỉ đạo Trung ương và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng đến vấn đề này hơn và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất trên toàn nông thôn, giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Từ đó, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ra đời vào năm 2018.

“Đến nay, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ”, ông Đình Anh tóm tắt về OCOP.

Ông Phương Đình Anh cho rằng, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”, sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, theo ông Phương Định Anh, trong mối quan hệ “hữu cơ” này còn một số mặt hạn chế. Theo đó, mặc dù các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ chương trình OCOP, chương trình du lịch nông thôn và các chương trình khác. Tuy nhiên, có những kế hoạch chưa có sự gắn kết với nhau như kế hoạch phát triển du lịch nông thôn chưa có sự thể hiện rõ vai trò góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP, hay có kế hoạch chỉ tập trung thúc đẩy nhiều sản phẩm OCOP lại thiếu giải pháp kết nối với chương trình phát triển du lịch nông thôn địa phương.

Các sản phẩm OCOP Hậu Giang

Hậu Giang hiện có hơn 40.000ha cây ăn trái, trên cơ sở đó, tỉnh xác định, nông nghiệp là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã có bước tăng trưởng khá, trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 4,19%. Trong thời gian qua, tỉnh cũng tập trung cơ chế chính sách phát triển du lịch nông nghiệp. Đến nay, Hậu Giang hiện có khoảng 175 sản phẩm OCOP và đang đề nghị Văn phòng điều phối nông thôn mới xem xét 5 sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh.

Ở góc độ địa phương, ông Trương Cảnh Tuyên - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng về phát triển du lịch nông thôn. Hiện, tỉnh đang tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp hiện hữu của người dân, hỗ trợ đầu tư thêm thu hút khách du lịch. Ví dụ như vườn măng cụt 100 tuổi, vườn chôm chôm, sầu riêng, trại sữa dê Mộc Đào, vườn dâu Thiên Ân, khu du lịch mùa xuân. Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ các điểm mô hình kinh tế tuần hoàn thành mô hình phát triển du lịch nông nghiệp.

Tuy thế, Hậu Giang cũng đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông. Sản phẩm du lịch mùa vụ không thể kinh doanh thường xuyên, ảnh hưởng đến lượng khách. Phát triển du lịch chủ yếu theo kinh tế hộ còn nhỏ lẻ, kinh nghiệm trong quản lý điều hành phát triển du lịch còn hạn chế.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng trăn trở về vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất trong phát triển du lịch nông nghiệp. Do đó, ông Trương Cảnh Tuyên kiến nghị sửa đổi Nghị định 57 về phát triển du lịch nông thôn, bởi tuy chính sách đã được ban hành nhưng doanh nghiệp vẫn đang khó tiếp cận.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp mang định hướng dài hạn, giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn. Đây cũng là tiền đề cho tỉnh xây dựng các cơ chế hỗ trợ hạ tầng, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá giới thiệu sản phẩm…

Nâng tầm Chương trình OCOP thành thương hiệu quốc gia

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group - cho rằng, với 65% dân số nông thôn, có liên quan hoặc sống phụ thuộc vào nông nghiệp, Chương trình OCOP đang được xã hội đón nhận tích cực, việc phát huy thương hiệu OCOP cũng thể hiện sự đồng thuận xã hội để tạo ra các sản phẩm giá trị.

Ở giai đoạn mới, thương hiệu OCOP được khẳng định với những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, Chương trình cần phát huy giá trị kết nối, giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch.

Ngoài ra, cần quy hoạch vùng miền, các địa điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương để thúc đẩy mua bán các sản phẩm OCOP vùng, góp phần đưa sản phẩm OCOP ra thị trường mạnh mẽ hơn.

“Việc đưa Chương trình OCOP thành thương hiệu mang tầm quốc gia có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn tới Ban chỉ đạo OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo đảm giá trị sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy giá trị tối đa”, ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp và Hiệp hội, bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn – chia sẻ, trong 19 năm Công ty Khải Hoàn vừa kinh doanh nước mắm, vừa làm du lịch trên đảo, thương hiệu này chưa hề tốn kinh phí cho truyền thông. Thay vào đó, chính chất lượng sản phẩm và câu chuyện văn hóa bản địa trong hương vị nước mắm đã thu hút khách du lịch tới đảo Phú Quốc.

Với kinh nghiệm của mình, bà Hồ Kim Liên cho rằng, doanh nghiệp du lịch nông thôn cần hiểu văn hóa địa phương, nhu cầu khách du lịch và xu hướng quốc tế.

“Từ khi tiếp nhận Chương trình OCOP và nhận danh hiệu 5 sao, nước mắm Khải Hoàn đã trở thành đại diện của cộng đồng dân cư Phú Quốc, góp phần giữ gìn truyền thống địa phương”, bà Hồ Kim Kiên chia sẻ và nhấn mạnh, “nước mắm Phú Quốc, cũng như miền Trung, miền Bắc, được đặc trưng bởi thổ nhưỡng từng khu vực. Do đó, người làm nước mắm cần cảm nhận thổ nhưỡng nơi mình sống, đặt mình vào dòng chảy lịch sử để tiếp nối truyền thống nghề làm mắm của ông cha”.

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cho rằng việc phát triển bền vững rất cần sự chung tay của doanh nghiệp, chính quyền, nông dân nhằm kết nối hệ thống du lịch toàn diện. Bà Liên đề nghị Nhà nước quan tâm phát triển mạng lưới sản phẩm OCOP, kết nối các thương hiệu với nhà tổ chức du lịch lữ hành, từ đó thiết lập mạng lưới du lịch nông nghiệp kết hợp tiêu thụ sản phẩm OCOP.

"Không gian tập trung "làng OCOP" sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Đây không chỉ là không gian tích hợp để quảng bá tới khách du lịch, mà còn giúp các doanh nghiệp OCOP học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau", bà Liên cho hay.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-lich-nong-thon-chinh-la-khong-gian-de-phat-trien-san-pham-ocop-273858.html