Du lịch cộng đồng đổi mới nhờ chiếc Smartphone

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và các dịch vụ du lịch độc đáo của địa phương đến với du khách trên toàn thế giới.

Cánh cửa số hóa mở ra cơ hội mới

Trong thời gian qua, công tác phát triển du lịch đang được xác định là hướng đi quan trọng, bền vững, lâu dài, góp phần chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch cộng đồng. Hoạt động du lịch cộng đồng đã giúp đời sống của người dân tại các xã có sự thay đổi và cải thiện đáng kể.

Cùng với đó, hoạt động chuyển đổi số cũng đang diễn ra sôi nổi và được coi là giải pháp đột phá cho ngành du lịch, mở ra hướng đi mới bền vững hơn. Việc kết hợp chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng hiện nay là hết sức cần thiết.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là bản du lịch cộng đồng Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) nơi đây được mệnh danh là "điểm dừng chân lý tưởng" trên hành trình khám phá cực Tây Tổ quốc.

Không chỉ nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và nét văn hóa độc đáo, Nà Sự còn là mô hình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng số hóa toàn diện vào hoạt động du lịch cộng đồng.

Khi đến Nà Sự, du khách không còn cần phải dựa vào những hướng dẫn viên truyền thống hay tờ rơi giới thiệu. Chỉ với một thao tác đơn giản là quét mã QR, mọi thông tin từ các dịch vụ du lịch, phong tục tập quán, đến giá trị văn hóa đặc trưng của bản làng sẽ hiện ra trên màn hình điện thoại.

Hệ thống số hóa tại đây không những cung cấp thông tin mà còn tích hợp tính năng audio guider – một dạng hướng dẫn viên ảo giúp du khách dễ dàng khám phá từng địa danh, hiểu rõ câu chuyện văn hóa của người dân địa phương.

Để tăng thêm phần trải nghiệm, các mini game tương tác và trò chơi truyền thống được thiết kế trực tiếp trên nền tảng số. Những hoạt động này vừa giúp du khách hiểu hơn về đời sống của cộng đồng vừa tạo nên những kỷ niệm khó quên.

Chỉ với một thao tác đơn giản là quét mã QR, mọi thông tin từ các dịch vụ du lịch, phong tục tập quán, đến giá trị văn hóa đặc trưng của bản làng Nà Sự sẽ hiện ra trên màn hình điện thoại.

Chỉ với một thao tác đơn giản là quét mã QR, mọi thông tin từ các dịch vụ du lịch, phong tục tập quán, đến giá trị văn hóa đặc trưng của bản làng Nà Sự sẽ hiện ra trên màn hình điện thoại.

Chia sẻ về mô hình này với Người Đưa Tin, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, đồng thời là Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nhận định: “Chương trình số hóa không chỉ mang lại sự tiện lợi cho du khách mà còn giúp cộng đồng quản lý hiệu quả hơn các hoạt động kinh doanh. Đây là bước tiến lớn đưa du lịch cộng đồng tại Việt Nam lên một tầm cao mới”.

Chỉ sau một năm triển khai mô hình du lịch cộng đồng, từ tháng 10/2022, bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đã đón hơn 5.200 lượt khách. Đến nay, con số này đã tăng lên hàng chục nghìn, mang lại doanh thu hơn hàng tỷ đồng mỗi năm, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều địa phương khác trong cả nước.

Ông Thùng Văn Ánh - Chủ tịch UBND xã Chà Nưa không giấu được niềm tự hào khi nói về sự chuyển mình của địa phương:

"Từ nhiều đời nay, bà con Chà Nưa chỉ sống dựa vào rừng, nương ngô, nương lúa. Nhưng cái nghèo vẫn đeo bám mãi, có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 50%. Để thay đổi, chúng tôi nhận ra rằng chỉ có thể phát huy tiềm năng từ đất đai, thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống của bà con", ông Ánh nói.

Từ những trăn trở ấy, huyện và xã mạnh dạn học hỏi các mô hình kinh tế từ các tỉnh có điều kiện tương đồng, đưa phát triển du lịch cộng đồng vào nghị quyết và chương trình hành động. Bản Nà Sự đã bắt đầu một “cuộc cách mạng” lớn, thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm, từ phong tục tập quán đến cảnh quan bản làng.

Bản Nà Sự hiện có 139 hộ dân, tất cả đều là người dân tộc Thái trắng, vốn sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo. Trước đây, cuộc sống của người dân đơn sơ, các chuồng trâu, chuồng lợn được đặt ngay dưới sàn nhà. Nhưng từ khi xã triển khai xây dựng Nà Sự thành bản du lịch cộng đồng, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.

Bà Lèng Thị Chiên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nà Sự (Ảnh: NCVV).

Bà Lèng Thị Chiên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nà Sự (Ảnh: NCVV).

Bà Lèng Thị Chiên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nà Sự, kể lại: "Ban đầu, việc di dời chuồng trại gặp rất nhiều khó khăn vì bà con đã quen sống như vậy từ lâu.

Nhưng nhờ sự vận động và hỗ trợ lẫn nhau, cả bản đồng lòng thực hiện.

Bà con còn hưởng ứng phong trào trồng hoa, mỗi người quản lý 5m đường, chăm sóc để làm đẹp bản làng. Giờ đây, Nà Sự đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, sạch đẹp hơn rất nhiều".

Mỗi nếp nhà, mỗi con đường trong bản đều mang dấu ấn của sự thay đổi, không chỉ về cảnh quan mà còn trong tư duy của từng người dân.

Bà Thùng Thị Lâm - chủ homestay bản Nà Sự cho hay, mỗi năm doanh thu đem về từ làm du lịch của gia đình chị lên đến gần 200 triệu, chưa kể thu nhập từ bán các sản phẩm thổ cẩm.

"Du khách tới đây chủ yếu là khách nước ngoài, mỗi lượt khách đến, họ thích ở nhà sàn, ăn món cá nướng hay xôi nếp nương do chính tay tôi làm", bà Lâm bày tỏ.

Nhà ai cũng trồng hoa, dọn sạch chuồng trại. Mỗi dịp khách đông, các gia đình lại chia nhau chuẩn bị đồ ăn, tổ chức múa xòe. Không chỉ gia đình bà Lâm, mà nhiều nhà trong bản cũng có thu nhập ổn định.

Nhờ phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên từ những việc nhỏ nhất, bản Nà Sự như được khoác lên mình một diện mạo mới kể từ khi tiến hành xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.

Theo bà Lâm, nhiều gia đình trong bản cũng có thu nhập ổn định từ khi làm du lịch cộng đồng (Ảnh: NCVV).

Theo bà Lâm, nhiều gia đình trong bản cũng có thu nhập ổn định từ khi làm du lịch cộng đồng (Ảnh: NCVV).

Theo ông Thùng Văn Ánh, một bộ máy quản lý khép kín đã được thành lập, bao gồm các tổ chuyên trách như tổ du lịch, truyền thông, hậu cần, văn nghệ… Mỗi thành viên đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự hài hòa lợi ích trong cộng đồng.

Các hộ dân không trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch cũng được hướng dẫn cung cấp thực phẩm và sản phẩm dịch vụ hỗ trợ.

Bà Hoa - thành viên tổ truyền thông của bản Nà Sự, chia sẻ: "Hàng ngày, chúng tôi chụp ảnh, quay video những khoảnh khắc đẹp của bản, sau đó đăng tải lên mạng xã hội và các trang du lịch. Những ngày cuối tuần hay lễ hội, tổ còn tổ chức các buổi livestream để du khách từ xa có thể cảm nhận không khí đặc biệt tại đây.

Chúng tôi cũng lắng nghe ý kiến từ du khách, ghi nhận những phản hồi để truyền đạt lại cho các tổ khác, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ. Làm việc này tuy bận rộn, nhưng tôi thấy rất vui vì được góp phần đưa bản Nà Sự đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước".

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, mục tiêu lớn nhất của mô hình du lịch cộng đồng là mang lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Với sự hỗ trợ của công nghệ số, các sản phẩm văn hóa bản địa không chỉ được bảo tồn mà còn được phát huy mạnh mẽ.

Bản du lịch cộng đồng Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) - mô hình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng số hóa toàn diện vào hoạt động du lịch cộng đồng (Ảnh: dulichnasu).

Bản du lịch cộng đồng Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) - mô hình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng số hóa toàn diện vào hoạt động du lịch cộng đồng (Ảnh: dulichnasu).

Sáng tạo để bứt phá

Tại Hà Giang, mặc dù du lịch cộng đồng chưa được số hóa đồng bộ như Nà Sự, nhưng người dân bản địa đã rất linh hoạt trong việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh quê hương. Một ví dụ điển hình là anh Triệu Mạnh Quyền, chủ một homestay tại Hoàng Su Phì.

Mỗi mùa du lịch, anh Quyền đều đặn chia sẻ những bức ảnh sống động về ruộng bậc thang, cảnh sắc núi rừng hay không gian lưu trú ấm cúng của homestay trên các nền tảng Facebook và Zalo, thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng.

“Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể mà còn giúp giữ chân thanh niên ở lại quê hương, tạo ra nhiều cơ hội việc làm ổn định ngay tại địa phương”, anh Quyền chia sẻ.

Để thu hút khách, anh cũng tích cực tham gia các nhóm du lịch trực tuyến, nơi anh thường xuyên chia sẻ những câu chuyện về văn hóa và cuộc sống ở Hoàng Su Phì, giúp du khách hiểu rõ hơn về mảnh đất này.

"Trong thời đại công nghệ số, cơ hội tiếp cận khách hàng đã trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Nhờ vào mạng xã hội, tôi hy vọng có thể xây dựng một cộng đồng du lịch gắn kết, nơi mọi người có thể chia sẻ, kết nối và đến thăm Hoàng Su Phì ngày càng nhiều", anh nói.

Doanh thu từ homestay của anh Quyền đã tăng trưởng 30-40% mỗi năm. Nếu năm đầu tiên chỉ đón khoảng vài trăm khách, thì đến nay số lượng khách đã vượt qua con số 2.000, với mức giá dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng mỗi đêm.

Đặc biệt, với các phòng bungalow, giá lưu trú có thể lên tới hơn 1 triệu đồng, bao gồm cả bữa sáng.

Không chỉ riêng anh Quyền, nhiều người dân vùng cao Hà Giang đã trở thành những "đại sứ du lịch" qua chiếc điện thoại thông minh. Họ lan tỏa vẻ đẹp địa phương từ những bát thắng cố bốc khói nghi ngút, nụ cười mộc mạc của các cô gái dân tộc Dao, đến vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng.

Những hình ảnh ấy, khi xuất hiện trên mạng xã hội, không chỉ giúp quảng bá văn hóa mà còn làm nổi bật giá trị bản địa, chạm đến trái tim du khách gần xa.

Theo ông Nguyễn Việt Tuân - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Hoàng Su Phì, sự phổ biến của công nghệ số đã tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá cảnh quan, văn hóa và dịch vụ du lịch địa phương. Đồng thời, Hà Giang cũng đang phát triển các ứng dụng đánh giá chất lượng dịch vụ trên nền tảng số, hỗ trợ phân loại cơ sở lưu trú, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hoài - Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, TT&DL Hà Giang, khẳng định: “Trong quá trình chuyển đổi số, chúng tôi đã tận dụng công nghệ để kết nối du khách với những giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc của vùng đất này.

Không chỉ đơn thuần là quảng bá, chúng tôi muốn tạo ra một trải nghiệm du lịch sâu sắc, gần gũi và chân thực, nơi mà du khách có thể cảm nhận được hơi thở của cuộc sống địa phương”, bà Hoài chia sẻ.

Nhờ định hướng này, những lễ hội đặc trưng như Lễ hội hoa Tam giác mạch hay chương trình "Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì" đã được quảng bá mạnh mẽ trên mạng xã hội và các kênh truyền thông số.

Chưa dừng lại ở đó, Hà Giang còn tổ chức các tour trực tuyến và sản xuất video quảng bá danh thắng, ẩm thực, sản phẩm đặc trưng, tạo dấu ấn mạnh mẽ với du khách.

Tỉnh Hà Giang còn tổ chức các tour trực tuyến và sản xuất video quảng bá danh thắng, ẩm thực, sản phẩm đặc trưng, tạo dấu ấn mạnh mẽ với du khách.

Tỉnh Hà Giang còn tổ chức các tour trực tuyến và sản xuất video quảng bá danh thắng, ẩm thực, sản phẩm đặc trưng, tạo dấu ấn mạnh mẽ với du khách.

Những nỗ lực này kết quả cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón hơn 2,7 triệu lượt du khách, đạt doanh thu 6.700 tỷ đồng, chiếm 91% kế hoạch cả năm. Với mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách và tổng doanh thu 7.800 tỷ đồng vào năm 2025, Hà Giang đang dần khẳng định vị thế của mình là điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam.

Chuyển đổi số, nếu được triển khai toàn diện, sẽ không chỉ giúp du lịch Hà Giang vươn xa mà còn cân bằng giữa việc bảo tồn bản sắc và hội nhập với xu hướng hiện đại.

Theo các chuyên gia, trong thời đại số, việc tiếp thị qua các nền tảng như Google, YouTube, Facebook, Instagram hay TikTok đã trở thành xu hướng lớn, tác động sâu sắc đến ngành du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

Theo báo cáo E-Conomy SEA 2023, giá trị ngành du lịch trực tuyến tại Việt Nam đã đạt 5 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 10 tỷ USD vào năm 2030. Những con số ấn tượng này phản ánh sức mạnh của chuyển đổi số đối với ngành du lịch.

Từ việc tìm kiếm thông tin, đặt vé, chọn nơi lưu trú đến chia sẻ trải nghiệm, tất cả đều đã chuyển sang không gian số.

Điều này không chỉ mang lại tiện ích lớn cho du khách mà còn thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành dịch vụ và bán lẻ.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Quang Đăng – Phó trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, quá trình chuyển đổi số vẫn đối mặt với không ít thách thức.

Ông chia sẻ: "Sản phẩm du lịch là kết quả của một chuỗi cung ứng phức tạp. Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp không chỉ cần đổi mới công nghệ mà còn phải tái cấu trúc mô hình hoạt động. Đây là điều không phải ai cũng có thể làm được".

Thêm vào đó, ông Đăng nhấn mạnh rằng chuyển đổi số trong ngành du lịch bắt đầu từ một yếu tố quan trọng: cuộc cách mạng về tư duy. "Nếu tư duy, tổ chức, con người và dịch vụ không thay đổi, mọi ứng dụng công nghệ sẽ trở nên vô nghĩa", ông nói.

Đây chính là nút thắt khiến chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện nay gặp phải khó khăn. Do đó, quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm mạnh mẽ, đầu tư nghiêm túc về công nghệ, cùng cam kết thay đổi trong phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá và quản lý hoạt động du lịch trên nền tảng số.

Tuy vậy, với sự hỗ trợ từ các chính sách của cơ quan quản lý và sự đồng lòng của cộng đồng, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước khẳng định được vị thế của mình.

Du lịch cộng đồngvớ i sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại, chính là chìa khóa mở ra một tương lai bền vững và thịnh vượng cho ngành du lịch Việt Nam.

Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-lich-cong-dong-doi-moi-nho-chiec-smartphone-204241128221334159.htm