Du lịch bứt phá, Vĩnh Phúc tăng trưởng GRDP đứng thứ 13 cả nước
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (GRDP) ước tăng 7,89% so cùng kỳ năm trước, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (đạt mức tăng 5,03%).
Chiều 30/3, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành báo cáo thông tin về tình hình kinh tế xã hội quý I/2022.
Theo đó, quý I/2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (GRDP) ước tăng 7,89% so cùng kỳ năm trước, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (đạt mức tăng 5,03%). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc, đạt mức tăng 14,52%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,10%; khu vực dịch vụ tăng 1,17%; thuế sản phẩm tăng 1,64%.
Ngành sản xuất xe máy tăng 16,12% so với quý I/2021. Các doanh nghiệp lớn trong ngành như Honda, Piaggio vẫn liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới với nhiều cải tiến về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đáp ứng sự lựa chọn của nhiều đối tượng khách hàng; đồng thời, đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại, tri ân khách hàng để gia tăng sức mua. Các ngành công nghiệp còn lại ổn định.
Khu vực dịch vụ, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn diễn ra sôi động vào thời điểm cuối tháng Một, khi người dân tập trung mua sắm những mặt hàng tiêu dùng phục vụ dịp Tết cổ truyền. Tháng Hai và tháng ba dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân có xu hướng hạn chế tiêu dùng hơn trước nên hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn có phần trầm lắng hơn. Do vậy, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng thấp, tăng 1,17%, đóng góp 0,24 điểm % vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh.
Một số ngành dịch vụ thị trường có đóng góp tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I/2022 là: Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,4%; đóng góp 0,14 điểm %; ngành thông tin truyền thông tăng 4,05% đóng góp 0,09 điểm %; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy giảm 1,49% làm giảm 0,09 điểm % tăng trưởng chung.
Về các giải pháp “phục hồi” du lịch, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, chủ trương mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh từng bước được triển khai, trong đó lộ trình mở cửa du lịch được thực hiện với việc ban hành Kế hoạch phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19; ban hành Đề án chuyển đổi số du lịch thông minh và phương án mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn trong bối cảnh tình hình mới. Lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh trong Quý I ước đạt 1,27 triệu lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó: Khách quốc tế: 14,85 nghìn lượt khách, khách nội địa: 1,255 triệu lượt khách), tổng doanh thu du lịch ước đạt: 872 tỷ đồng, công suất sử dụng phòng đạt 10% đến 12%. Các quy định về hoạt động vận tải được triển khai linh hoạt, chủ động, tỉnh đã mở thêm 01 tuyến buýt VP-10 có lộ trình đi qua một số khu công nghiệp và bổ sung, điều chỉnh lộ trình hoạt động của 05 tuyến xe buýt đang hoạt động.
Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, đến nay tổng kinh phí đã hỗ trợ đạt hơn 80,1 tỷ đồng, trong đó hơn 42,73 tỷ đồng được bố trí để thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ người sử dụng lao động...