Dự kiến phạt đến 2 tỷ đồng đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép

Ngoài mức phạt tiền từ 1,5 - 2 tỷ đồng đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép, dự thảo Nghị định còn đưa ra mức phạt tiền từ 1 - 1,5 tỷ đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa thực hiện hành vi đưa loại tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Để đảm bảo thực thi dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nghiên cứu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định sửa đổi).

Theo đó, một trong những nội dung bổ sung tại Nghị định là bổ sung các hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa để đảm bảo thực thị pháp luật về tài sản mã hóa thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam. Cụ thể, dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung 1 mục và 5 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa.

Thứ nhất, quy định các vi phạm trong cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa. Xử phạt tổ chức cung cấp dịch vụ vi phạm các nghĩa vụ như: không xác minh danh tính nhà đầu tư, không lưu trữ hồ sơ giao dịch, vi phạm về cấp phép/điều chỉnh giấy phép, quảng cáo, không quản lý tách biệt tài sản khách hàng, không giám sát giao dịch, không đảm bảo tuân thủ đối tượng tham gia, cung cấp dịch vụ không qua tổ chức được cấp phép, không đảm bảo an ninh/an toàn hệ thống. Chế tài tham chiếu theo vi phạm nghiệp vụ chứng khoán.

Thứ hai, quy định vi phạm về tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa. Xử phạt hành vi tổ chức thị trường khi chưa được cấp phép, đưa tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo. Chế tài tham chiếu theo vi phạm của Sở giao dịch chứng khoán. Phạt tiền từ 1 - 1,5 tỷ đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa thực hiện hành vi đưa loại tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Phạt tiền từ 1,5 - 2 tỷ đồng đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép.

Thứ ba, quy định vi phạm về báo cáo, công bố thông tin. Xử phạt báo cáo/công bố thông tin không đầy đủ, không hoặc chậm báo cáo/công bố, báo cáo/công bố sai lệch. Chế tài tham chiếu theo vi phạm công bố thông tin trên TTCK.

Thứ tư, quy định vi phạm về giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa. Xử phạt trường hợp không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa về lưu giữ/giao dịch tại tổ chức được cấp phép, sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa, hoặc thao túng thị trường tài sản mã hóa. Chế tài tham chiếu theo hành vi giao dịch nội bộ, thao túng TTCK. Bổ sung giải thích từ ngữ về giao dịch nội bộ và thao túng thị trường tài sản mã hóa. Phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng đối với hành vi không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa do Bộ Tài chính cấp phép trong thời hạn quy định. Phạt tiền từ 1,5 - 2 tỷ đồng đối với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa hoặc thao túng thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam.

Thứ năm, quy định vi phạm về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm các quy định này sẽ bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo tính thống nhất.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, đối với vi phạm về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa, việc triển khai xây dựng thị trường giao dịch tài sản mã hóa dự kiến có quy mô lớn, số lượng nhà đầu tư và quy mô giao dịch lớn sẽ đòi hỏi cơ quan quản lý, cơ quan xử lý vi phạm hành chính bổ sung nguồn lực tương ứng để đảm bảo khả năng quản lý giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm. Do thị trường tài sản mã hóa được triển khai thí điểm và lần đầu tiên triển khai, việc chuẩn bị tăng cường nguồn lực có thể thực hiện theo từng bước bổ sung nguồn lực về nhân sự, phương tiện và điều kiện đảm bảo thi hành.

Qui Ánh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/du-kien-phat-den-2-ty-dong-doi-voi-hanh-vi-to-chuc-thi-truong-giao-dich-tai-san-ma-hoa-khi-chua-duoc-cap-phep-post369274.html