Dự đoán về sức mạnh của tàu ngầm Australia trong tương lai

Ngày 15/9 vừa qua, trong một thông báo đặc biệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng nhau xuất hiện và công bố về việc thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có tên gọi là AUKUS.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Minnesota (SSN-783) thuộc lớp Virginia đang trong giai đoạn đóng tàu, ảnh chụp năm 2012. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Minnesota (SSN-783) thuộc lớp Virginia đang trong giai đoạn đóng tàu, ảnh chụp năm 2012. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Với AUKUS, ba nước cam kết hợp tác với nhau tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phối hợp phát triển tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân và những công nghệ tiên tiến khác. Lãnh đạo ba nước khẳng định rằng, trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn biến ngày càng phức tạp, việc AUKUS ra đời là vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh khu vực về dài hạn.

Một trong những điểm nhấn của AUKUS là việc Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia công nghệ để phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Với thỏa thuận này, Australia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Anh, được Mỹ chia sẻ công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân.

Tuyên bố của chính phủ Australia công bố ngày 16/9 khẳng định: “Theo AUKUS, ba quốc gia sẽ ngay lập tức tập trung xác định con đường tối ưu để cung cấp ít nhất tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia”.

“Trong 18 tháng tới, Australia, Anh và Mỹ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ các yêu cầu làm nền tảng cho việc quản lý hạt nhân và chứng minh một lộ trình rõ ràng để trở thành người quản lý có trách nhiệm và đáng tin cậy đối với công nghệ nhạy cảm này”, tuyên bố cho biết thêm.

Đặc điểm ưu việt

Hải quân Mỹ hiện đang biên chế bốn loại lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm Ohio, Los Angeles, Seawolf và Virginia. Trong đó, 14 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường (SSBN) lớp Ohio được coi là “xương sống” của lực lượng trên biển của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ vẫn giữ bốn tàu mang tên lửa đạn đạo (SSGN) lớp Ohio sở hữu khả năng tấn công ưu việt và triển khai các hoạt động đặc biệt.

Ba lớp tàu ngầm tấn công còn lại của Mỹ, gồm lớp Los Angeles (40 chiếc), lớp Seawolf (3 chiếc) và lớp Virginia (19 chiếc) có nhiệm vụ tham gia và tiêu diệt các tàu của đối phương, hỗ trợ các hoạt động trên bờ và các nhóm tàu sân bay và thực hiện giám sát.

Tất cả tàu ngầm có trong biên chế hải quân Anh và Mỹ là tàu ngầm hạt nhân, không có tàu ngầm nào chạy bằng diesel - điện. Do đó, gần như chắc chắn Australia sẽ trở thành nước thứ bảy trên thế giới vận hành tàu ngầm hạt nhân.

Ngoài ra, quốc gia này có thể sẽ thuê các tàu ngầm từ Anh và Mỹ để học hỏi thêm về công nghệ cũng như kinh nghiệm sử dụng.

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ chuyển giao loại tàu ngầm nào cho Australia, nhưng nhiều khả năng là tàu ngầm lớp Virginia. Đây là lớp tàu ngầm mới nhất của Mỹ, được chế tạo đều đặn để thay thế các tàu thuộc lớp Los Angeles.

Tàu ngầm lớp Virginia được phát triển để thay thế cho lớp Seawolf vốn đắt đỏ, trong khi vẫn có thể đối phó với những mối đe dọa từ các đối thủ của mình trong thế kỷ XXI. Tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân nước áp lực 210MW, bên trong chứa uranium được làm giàu và đạt tốc độ di chuyển 25 hải lý/giờ. Lò phản ứng này không cần phải tiếp nhiên liệu trong suốt 30 năm tuổi thọ.

Tàu lớp Virginia được trang bị bốn ống phóng ngư lôi, tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống hạm Harpoon. Thậm chí, những bản cải tiến sau này có thể mang theo tổng cộng 66 vũ khí, cùng tối đa 40 ống phóng tên lửa.

Tàu ngầm này được tích hợp nhiều công nghệ mới và nằm trong số những tàu ngầm có khả năng tàng hình ưu việt nhất trên thế giới. Nó sở hữu những tính năng đặc biệt mà các tàu ngầm khác không có, chẳng hạn như sử dụng hệ thống điều khiển quang học - điện tử (fiber optic fly-by-wire) thay vì hệ thống điều khiển cơ học thường thấy trong các tàu ngầm được chế tạo trước đó, có thể dễ dàng qua mặt các thiết bị trinh sát thủy âm.

Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân còn có nhiều lợi thế hơn so với tàu ngầm động cơ diesel, bởi được thiết kế để bảo đảm hoạt động bền bỉ.

Cụ thể, lò phản ứng hạt nhân giúp cung cấp nguồn điện thường xuyên, giúp đảm bảo tàu được vận hành liên tục dưới nước. Bởi phải nổi lên mặt nước để tiếp oxy, xả khí thải và sạc pin năng lượng, các tàu ngầm thông thường không thể duy trì chế độ tàng hình khi di chuyển.

Tuy nhiên, tàu ngầm hạt nhân vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Do kích thước lớn hơn tàu ngầm diesel, chúng không thể di chuyển vào vùng nước nông.

Ngoài ra, công tác bảo trì cũng khá phức tạp, do vậy, Australia buộc phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân trong nước, đào tạo các kỹ sư và nhà vật lý hạt nhân để tự chủ hơn.

Tranh cãi xung quanh

Khi đồng ý tham gia AUKUS với Mỹ và Anh, Australia đơn phương chấm dứt thỏa thuận hợp tác sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng diesel với Pháp trị giá hàng chục tỷ USD. Động thái “quay xe” bất ngờ của Canberra khiến Paris giận dữ.

Ngày 16/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố lấy làm tiếc vì hành động của Australia và nhấn mạnh ông “thực sự tức giận và cay đắng trước quyết định này”.

Sau đó, Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia về nước để tham vấn.

Australia từ lâu đã vận hành các tàu ngầm tấn công chạy diesel - điện, cụ thể là lớp Collins. Hải quân Australia trước đó lên kế hoạch mua 12 chiếc Collins từ Pháp theo một thỏa thuận trị giá hơn 40 tỷ USD. Các vấn đề phát sinh khiến hợp đồng của Pháp tăng hơn 50% chi phí, lên tới gần 70 tỷ USD và khả năng đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp Pháp đang bị đặt dấu hỏi.

Năm 2016, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, thông báo DCNS của Pháp, hiện là Tập đoàn Naval Pháp (FNG), được chọn “làm đối tác quốc tế ưu tiên để thiết kế 12 tàu ngầm tương lai”.

Khi đó, Australia ngắm đến tàu ngầm chạy diesel - điện do nước này không đủ năng lực vận hành và bảo trì tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hiện tại, Australia nhận thức được những mối đe dọa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đòi hỏi có những phương tiện tuần tra ở biển hiện đại. Các tàu ngầm hạt nhân có phạm vi hoạt động xa hơn, nhanh hơn và khó bị phát hiện hơn.

Thủ tướng Scott Morrison ngày 19/9 khẳng định, Australia từng lo ngại về việc các tàu ngầm đặt mua của Pháp sẽ không đáp ứng được nhu cầu chiến lược của nước này. Lý giải về sự thay đổi quyết định đột ngột khiến Pháp tức giận, ông Morrison nói rằng, ông hiểu sự thất vọng của Pháp về vấn đề này, song “lợi ích quốc gia của Australia được đặt lên trên hết”.

Trong khi đó, động thái thành lập AUKUS đã khiến quan hệ giữa các nước phương Tây phần nào bị ảnh hưởng và tạo ra một số lo ngại ở Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Ngày 20/9, Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis khẳng định rằng, Canberra luôn tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và không mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Các tàu ngầm mới được đề xuất sẽ không mang đầu đạn hạt nhân.

Hiện vẫn chưa rõ thời điểm Australia sẽ có được tàu ngầm mới. Để có thể phát triển và triển khai thành công tàu ngầm hạt nhân phải mất một thời gian dài, có thể lên đến nhiều thập niên.

Thủ tướng Morrison cho biết, có thể đến năm 2040, Australia mới có thể đưa vào biên chế các tàu ngầm mới vào hạm đội nước này. Nhiều chuyên gia quân sự đưa ra quan điểm rằng, với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, Australia dễ dàng đạt được nguyện vọng, thậm chí có thể sớm hơn dự kiến.

Ông James Curran, chuyên gia lịch sử quan hệ đối ngoại của Australia tại Đại học Sydney, nhận định rằng, quyết định đẩy mạnh hợp tác với Mỹ là “canh bạc chiến lược lớn nhất trong lịch sử Australia”.

Với quyết định này, Australia đang hướng đến một vị thế chủ động và quyết liệt hơn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Canberra sẽ cần “trấn an” các đồng minh trong khu vực và thế giới, bằng cách tiếp tục khẳng định sẽ đảm bảo an ninh và không để những cam kết với Washington và London tạo thành một cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là chạy đua vũ khí hạt nhân tại khu vực.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-doan-ve-suc-manh-cua-tau-ngam-australia-trong-tuong-lai-159602.html