Dự báo thời tiết 10 ngày: Nhiều khu vực có mưa dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 21-30/5, nhiều hình thái thời tiết xảy ra như nắng nóng, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Chính quyền địa phương và người dân cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó và sắp xếp kế hoạch sản xuất phù hợp.
Mưa lớn ở nhiều khu vực

Ảnh minh họa: Trọng Đạt /TTXVN
Theo Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Vũ Anh Tuấn từ đêm 22/5 đến ngày 24/5, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 250mm. Từ ngày 25/5 đến 30/5 có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).
Từ chiều tối và đêm 23/5 đến đêm 24/5, khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.
Trung Trung Bộ ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Nam Trung Bộ có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối ngày 22-25/5 có mưa rào và dông rải rác.
Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to; riêng từ đêm 22-25/6 có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to.
"Đây đang là thời điểm giao mùa nên các hiện tượng mưa dông mạnh có thể xuất hiện kèm theo lốc xoáy, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Các nguy cơ này không chỉ xảy ra xảy ra đối với các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và còn có khả năng diễn ra ở khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất", ông Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo.
Đề cập đến tình hình nắng nóng, ông Vũ Anh Tuấn lưu ý, riêng từ ngày 21-22/5, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%, thời gian nắng nóng từ 12-16 giờ. Tuy nhiên, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa. Cảnh báo, nắng nóng diện rộng trên khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên từ ngày 23/5 có xu hướng dịu dần. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngoài ra, nắng nóng còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân và cộng đồng.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11-14 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, phải dùng trang phục dài tay, dài chân và dùng nón che phủ đầu mặt để che chắn cho da càng nhiều càng tốt.
Người dân cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, hàng giờ (tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…) để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi...
Đề phòng lũ quét, sạt lở ở Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang

Mưa lớn còn làm hư hỏng hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, ngày 18/5. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN
Đối với tình hình mưa, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 7 giờ 40 phút đến 13 giờ 40 phút ngày 21/5, khu vực tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang iếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như các tỉnh Lào Cai, Lai Châu từ 10-30mm, có nơi trên 50mm; tỉnh Hà Giang từ 10-20mm, có nơi trên 30mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Sìn Hồ, Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ, Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu): Bảo Thắng, Bảo Yên, thị xã Sa Pa, Văn Bàn (tỉnh Lào Cai); Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Bắc Mê (tỉnh Hà Giang). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất cần phải sử dụng các giải pháp về công trình và phi công trình.
Đối với các biện pháp công trình, cần thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước.
Do đặc điểm các sông của miền Trung ngắn và dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông cần phải tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên các hệ thống đường sắt và đường bộ.
Đối với các biện pháp phi công trình, cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét.
Quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, cần có quy hoạch lại và tái định cư, đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.
Cùng với đó là điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ như thực hiện biện pháp "nông, lâm kết hợp" để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất...
Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, cần có các phương án cụ thể để phòng tránh như: Xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết; chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.
Ngoài ra, mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh.
Từ 18 giờ ngày 20/5 đến 6 giờ ngày 21/5, khu vực các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to như: Xuân Minh (Hà Giang) 132,8mm, Tân Lập (Hà Giang) 132,8mm; Thân Thuộc (Lai Châu) 191,6mm, Nậm Cần (Lai Châu) 122,2mm; Nậm Chày (Lào Cai) 50,4mm;...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Lốc xoáy và gió giật mạnh trên biển

Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện khu vực Nam Biển Đông có mưa rào và dông cục bộ.
Dự báo, chiều và đêm 21/5, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển khu vực
Trường Sa) có mưa rào, dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh.
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh, thành phố ven biển từ chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.