Dự báo AGI sẽ xuất hiện, nếu không chuẩn bị con người có thể bị loại khỏi lực lượng sản xuất bởi AI

Các chuyên gia cho rằng đối với sự phát triển của AI, bên cạnh tiềm năng và lợi ích to lớn đối với mọi lĩnh vực đời sống, không loại trừ khả năng sức mạnh của AI sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người…

Ngày 26/10, tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại”. Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội, các nhà quản trị thảo luận, trao đổi về những vấn đề kinh tế chính trị đương đại có trong bối cảnh có nhiều biến động nhanh chóng và sâu sắc, nhất là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐƯA KINH TẾ - XÃ HỘI TIẾN LÊN BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI

Theo World Economic Forum, chuyển đổi số đã trở thành yếu tố cốt lõi quyết định thành công của các nền kinh tế trong thế kỷ 21, khi những quốc gia, tổ chức biết tận dụng công nghệ số để phát triển có thể vượt qua các thách thức về năng suất và tăng trưởng.

Toàn cảnh Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại" tại Trường Đại học Kinh tế .

Toàn cảnh Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại" tại Trường Đại học Kinh tế .

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Phan Thế Công khẳng định chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội mới trên mọi lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số giúp việc tiếp cận giáo dục và đào tạo kỹ năng số trở nên dễ dàng. Trong lĩnh vực y tế, chuyển đổi số cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, y tế từ xa và hồ sơ sức khỏe điện tử đang giúp những người sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận được với các dịch vụ y tế chất lượng mà trước đây họ không thể có được…

Theo một báo cáo của McKinsey Global Institute, chuyển đổi số có tiềm năng tăng cường công bằng xã hội thông qua việc tạo ra các mô hình việc làm linh hoạt hơn. Các công việc từ xa giúp xóa bỏ rào cản địa lý và cho phép người lao động tại các quốc gia đang phát triển hoặc các vùng nông thôn tham gia vào thị trường lao động toàn cầu. Điều này có thể giảm bớt sự bất bình đẳng về thu nhập và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những nhóm lao động trước đây bị hạn chế.

Với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), theo PGS.TS Phí Mạnh Hồng, những khám phá và ứng dụng khoa học - công nghệ mới này đã đưa thời đại kinh tế tri thức tiến lên một bước mới, thậm chí là bước ngoặt khó lường.

“Rất nhiều hoạt động từ cả trong lĩnh vực kinh tế, quân sự cũng như đời sống dân sinh vốn do con người thực hiện, giờ đây có thể bị thay thế bằng AI. Và lần này, toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của loài người lại đứng trước sự đảo lộn chưa từng có”, PGS.TS Phí Mạnh Hồng cho biết.

KHÔNG LOẠI TRỪ KHẢ NĂNG "AI CÓ THỂ THAY THẾ HOÀN TOÀN CON NGƯỜI"

Một nghiên cứu của OECD chỉ ra rằng có khoảng 14% công việc trên toàn cầu có nguy cơ bị tự động hóa hoàn toàn, và 32% công việc sẽ bị thay đổi đáng kể bởi công nghệ. Các công việc trong các ngành như sản xuất, vận tải, và bán lẻ dễ bị ảnh hưởng hơn so với các ngành đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho hệ thống giáo dục và đào tạo, khi cần phải điều chỉnh để cung cấp các kỹ năng mới cho lực lượng lao động.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn, trong làn sóng công nghệ hiện nay, AI đang thực sự cạnh tranh với con người. “Chúng ta mới chỉ đang chứng kiến GenAI - công nghệ có khả năng tạo ra dữ liệu mới dựa trên việc học. Nhưng trong tương lai, AI sẽ ngày càng thông minh hơn, nó có thể tự nâng cấp chính nó, đến một lúc nào đó có thể vượt qua tầm kiểm soát của con người”, PGS. TS Bùi Quang Tuấn cho biết.

Nhiều dự báo chỉ ra đến năm 2045 AGI sẽ xuất hiện. Khi này, trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể tự suy nghĩ, học nhanh hơn con người và bắt đầu hiểu tâm trạng con người. Sau vài thập niên, AGI sẽ “tiến hóa” thành Super AGI - AI thông minh hơn con người hàng nghìn tỷ lần. Super AGI khi đó có thể tự nhận thức về bản thân, có cảm xúc - điều mà AI hiện tại chưa làm được.

“Nếu không chuẩn bị từ bây giờ, con người hoàn toàn có thể bị loại khỏi lực lượng sản xuất, AI sẽ tạo ra những hệ lụy cực kì lớn. Đấy là tất cả những vấn đề tất cả chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ”, PGS. TS Bùi Quang Tuấn nhận định, đồng thời cho rằng "AI đang đặt ra những thách thức mang tính thời đại và chúng ta cần nhận diện một cách đầy đủ và có dự báo để chuẩn bị và thích ứng, để vừa tận dụng công nghệ này nhưng cũng đấu tranh kiểm soát để nền kinh tế cũng như xã hội sẽ phát triển bền vững trước làn sóng công nghệ hiện nay”.

Nhân chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập, tại hội thảo, trường Đại học Kinh tế cũng đã ra mắt cuốn sách chuyên khảo/kỷ yếu “Khoa học kinh tế chính trị: Các vấn đề đương đại”. Cuốn sách có sự tham gia của hơn 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý hàng đầu để trình bày những nghiên cứu sâu sắc về các vấn đề kinh tế chính trị đương đại hiện nay, bao gồm cả trên thế giới và tại Việt Nam.

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-bao-agi-se-xuat-hien-neu-khong-chuan-bi-con-nguoi-co-the-bi-loai-khoi-luc-luong-san-xuat-boi-ai.htm