Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội 15 năm chưa xong, giá đất leo thang, nguy cơ đội vốn?

Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ dự án chủ yếu do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành.

Từ năm 2010, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1 được TP.HCM khởi công với kinh phí hơn 4.900 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm nhà đầu tư.

Xa lộ Hà Nội đoạn trước Bến xe Miền Đông mới đang vướng mặt bằng. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Xa lộ Hà Nội đoạn trước Bến xe Miền Đông mới đang vướng mặt bằng. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dự án có tổng chiều dài 15,7km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 13,3km, đoạn qua Bình Dương 2,4km, quy mô nâng cấp đường chính và xây dựng hai đường song hành với quy mô 113 - 153m, cho 12 - 16 làn xe.

Sau 15 năm khởi công, đến nay dự án vẫn đang dang dở, có đoạn bị thắt nút cổ chai; có đoạn người dân phải đi đường vòng; có đoạn phải "né" nhà dân vì chưa giải tỏa...

Trong khi đó, giá đất dọc tuyến Xa lộ Hà Nội ngày càng tăng cao, nhất là khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đưa vào khai thác.

Liên quan đến dự án, Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết, đến nay, dự án đã thực hiện được hơn 91% khối lượng công việc. Trong đó, đoạn trên địa bàn TP.HCM cơ bản thực hiện xong, còn một đoạn dài khoảng 300m thuộc trục đường song hành phải (đoạn từ đường D1 - Khu Công nghệ cao đến nút giao Đại học Quốc gia thuộc phạm vi phường Tân Phú, TP Thủ Đức) đang tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng.

Hầm chui nút giao Trạm 2 trên Xa lộ Hà Nội, hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai vẫn dang dở. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Hầm chui nút giao Trạm 2 trên Xa lộ Hà Nội, hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai vẫn dang dở. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng. Dự kiến thi công hoàn thành toàn bộ công trình sau 12 tháng, kể từ thời điểm bàn giao đủ mặt bằng.

Nguyên nhân dự án này bị kéo dài chủ yếu do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND TP đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND TP Thủ Đức, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương) và TP Thuận An, tỉnh Bình Dương để rà soát các khó khăn, vướng mắc; tham mưu, đề xuất UBND TP giải pháp thực hiện.

Dọc Xa lộ Hà Nội giá đất tăng mạnh, nhất là sau khi metro số 1 đưa vào khai thác. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dọc Xa lộ Hà Nội giá đất tăng mạnh, nhất là sau khi metro số 1 đưa vào khai thác. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Về giá đất dọc Xa lộ Hà Nội tăng giá, liệu có ảnh hưởng đến đến công tác đền bù, giải phóng mặt và đội vốn dự án hay không, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, giá đất lập phương án bồi thường để lấy ý kiến người dân trên địa bàn TP Thủ Đức (quận 9 cũ) khoảng 50.000.000 đồng/m²; đối với đất nông nghiệp có hệ số là 14, tương đương khoảng 5,2 triệu đồng/m² (đơn giá đất nông nghiệp bằng khoảng 10% đơn giá đất ở).

Tuy nhiên, đơn giá đất bồi thường đối với đất nông nghiệp đoạn qua TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương (áp dụng từ năm 2020) đã lên mức 16,7 triệu đồng/m². Như vậy, có sự khác biệt về đơn giá đất nông nghiệp giữa hai địa phương.

Do giá đất phía tỉnh Bình Dương tăng cao nên TP.HCM buộc phải cân đối để có thể giải phóng mặt bằng dự án xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1 mở rộng giai đoạn tiếp theo vì cùng tuyến đường.

Bên cạnh đó, việc xác định giá đất hiện nay là theo thông tin giao dịch thị trường nên không có cơ chế để kiểm soát việc tăng giá đất mà do thị trường điều tiết.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-an-mo-rong-xa-lo-ha-noi-15-nam-chua-xong-gia-dat-leo-thang-nguy-co-doi-von-192250328085230977.htm